Sông Lam Nghệ An và giấc mơ xa xôi của người hâm mộ xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Sau gần 10 năm kể từ lần SLNA xưng vương tại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, bóng đá xứ Nghệ vẫn có được chỗ đứng nhất định tại sân chơi V.League. Tuy nhiên, những ước muốn chính đáng về một con thuyền SLNA đi đúng hướng vẫn quá xa vời.

Quá khứ vàng son

Không phải ngẫu nhiên mà đội bóng Sông Lam Nghệ An được xem là “Niềm tự hào của người dân xứ Nghệ”. Ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, yêu nước và truyền thống hiếu học này, bóng đá còn là một thứ đặc sản mà đi đâu người Nghệ cũng lấy làm tự hào. Đó là cả tuổi thơ, món ăn tinh thần của những sinh viên, người công nhân xa xứ cho đến những người thành đạt. Bóng đá không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị.

Mảnh đất Nghệ Tĩnh xưa và nay chia thành Nghệ An và Hà Tĩnh, Dân ca ví, giặm như là máu thịt, cốt cách của người dân nơi đây. Dân ca xứ Nghệ giúp mỗi người vơi đi những nỗi buồn và nếu đó là niềm vui, thì câu hát dân ca làm niềm vui đó được nhân lên. Bóng đá cũng thế, ở những sân bóng như Hàng Đẫy, Gò Đậu, Thống Nhất..., suốt hàng chục năm qua, mỗi trận đấu là một ngày hội bóng đá thực sự. Người ta đi xem bóng đá đông vui đến mức những trận bóng đó chẳng khác gì một cuộc hội họp đồng hương.

Cổ động viên xứ Nghệ khắp mọi miền luôn hướng về đội bóng quê hương. Ảnh: Hoài Hoan
Cổ động viên xứ Nghệ khắp mọi miền luôn hướng về đội bóng quê hương. Ảnh: Hoài Hoan

Hàng triệu sinh viên, công nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí là nước ngoài xem SLNA là một sợi dây để họ gắn kết, xích lại gần nhau. Cơ hội đó được họ chắt chiu, chờ đợi suốt 1 năm học tập, lao động vất vả vì mỗi năm, SLNA chỉ đến những sân bóng gần đó 1 lần. Đến đó, họ được khoác vai nhau để hướng về quê hương, hát lên những câu hát đầy tự hào, xen lẫn tiếng kèn, tiếng trống.

Lịch sử phát triển của bóng đá Việt Nam biết bao nhiêu biểu tượng như Thể Công, CAHN, Cảng Sài Gòn đều đã nằm lại ở quá khứ. Chỉ còn lại một SLNA trải qua hơn 40 năm lịch sử thăng trầm, chưa một lần xuống hạng và cũng là đội bóng hiếm hoi còn giữ được tên gọi truyền thống, màu áo truyền thống.

Năm 2018, lò SLNA tạo nên một lịch sử, đó là tất cả các đội bóng trẻ của SLNA đều giành quyền tham dự vòng chung kết Quốc gia. Và trong 2 năm qua, SLNA giành đến 6 chức vô địch trẻ ở các lứa tuổi U11, U13, U15, hay HCB giải U17, HCĐ U19 toàn quốc. Tổng số chức vô địch của CLB SLNA trong phòng truyền thống đã gần chạm đến cột mốc 50.

Trong giai đoạn “hoàng kim” nhất, “Chảo lửa Thành Vinh” là nơi đi dễ, khó về với bất kỳ ông lớn nào. Đó là giai đoạn SLNA bất bại trên sân nhà trong 6 năm liên tục (từ 1996 - 2002). Và cũng kể từ đó, SLNA trở thành nơi cung cấp nhiều hảo thủ cho ĐTQG như Quang Trường, Hữu Thắng, anh em nhà Văn Sỹ...

SLNA là đội bóng chưa một lần xuống hạng kể từ V.League 2001. Ảnh: VPF
SLNA là đội bóng chưa một lần xuống hạng kể từ V.League 2001. Ảnh: VPF

Về sau, những Huy Hoàng, Văn Quyến, Công Vinh đặt những nền móng nhất định trong sự vươn lên của bóng đá Việt Nam. Nhưng kể từ lần đầu tiên ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, khi Lê Công Vinh ghi bàn thắng lịch sử trong trận chung kết gặp Thái Lan, dấu ấn của SLNA trở nên nhạt nhòa vì chính anh, Hồng Sơn, Minh Đức không còn khoác áo đội bóng quê nhà nữa.

Cho đến chức vô địch AFF Cup 2018 hay VCK U23 châu Á, Asian Cup 2019, dấu ấn của những người Nghệ trong đội tuyển vẫn rất đậm nét. Đó là sự xuất hiện của thủ quân Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức, Nguyễn Trọng Hoàng, Phạm Xuân Mạnh. Sự đóng góp và thành công của họ như lấy lại thể diện cho SLNA vốn đang đi theo lối mòn và ngày một lạc hậu trong cách làm bóng đá chuyên nghiệp.

Nỗi buồn thực tại

Từ khoảng năm 2013 cho đến nay, SLNA đã không tìm được hướng đi mới và liên tục để xảy ra tình trạng “chảy máu tài năng”, thành tích tại V.League ngày một nghèo nàn. Có biết bao nhiêu ngôi sao trưởng thành dứt áo ra đi. Trong đó có những người đội trưởng như Công Vinh, Trọng Hoàng, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh. 

Mùa bóng V.League 2020 đã khởi tranh, người ta không thấy SLNA công bố một nhà tài trợ mới. Mọi sự chuẩn bị tương đối lặng lẽ, HLV Quang Trường phải đặt cược và trao niềm tin vào những cầu thủ trẻ chưa một lần hít thở bầu không khí V.League, không có một lễ xuất quân và tinh thần vượt khó là thứ duy nhất còn sót lại. Và lứa cầu thủ trẻ sinh năm 1995, 1996 là từng cùng người thầy của mình vô địch giải U17 năm 2012 sẽ làm nòng cốt là minh chứng cho một sự kế thừa bất đắc dĩ.

Đội bóng SLNA chỉ còn lại những cầu thủ trẻ vẫn còn độ tuổi cống hiến làm trụ cột. Ảnh tư liệu
Đội bóng SLNA chỉ còn lại những cầu thủ trẻ vẫn còn độ tuổi cống hiến làm trụ cột. Ảnh tư liệu

CĐV xứ Nghệ mong muốn đội bóng SLNA có một nguồn tài chính đủ mạnh để giữ lại những cầu thủ trụ cột. Để từ đó, tham gia sân chơi V.League để cạnh tranh ngôi vô địch thay vì chỉ thi đấu một cách cầm chừng. Bởi đã gần 10 năm nay, CĐV SLNA chưa một lần tận hưởng cảm giác vô địch của đội nhà như tại V.League 2011.

"Sông Lam Nghệ An vẫn là một tượng đài của bóng đá Việt Nam. Nhưng chất Nghệ trong đội bóng đã phần nào bị mai một. SLNA cần phải thay đổi, không thể mãi tự hào về quá khứ".

HLV Nguyễn Hữu Thắng

Có thể buồn và vơi cạn niềm tin, nhưng CĐV xứ Nghệ vẫn còn đó những niềm vui khác, họ vẫn hãnh diện vì chất Nghệ vẫn trải khắp 11/14 CLB V.League, chưa kể hạng Nhất. Ngược lại, họ vốn không quen với cảm giác phải chứng kiến đội tuyển trẻ tham dự SEA Games mà không đóng góp một nhân tố U22, U23 nào.

Thực tế hơn, CĐV xứ Nghệ còn có một ước mơ chính đáng khác, đó là sân Vinh được cải tạo, ít nhất là nền đất, mặt cỏ đủ chất lượng để tránh chấn thương cho những đôi chân “tiền tỷ” mang theo niềm kỳ vọng của cả gia đình và những trụ cột của ĐTQG.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất với các cổ động viên trung thành SLNA, đó là sự sống lại của “Chảo lửa Thành Vinh” ngày nào. Một cách làm bóng đá chuyên nghiệp, bài bản, có định hướng và mục tiêu và lấy người hâm mộ làm trung tâm là điều tối thiểu mà bất kỳ CLB nào tại V.League cũng cần phải có.

Nhìn vào đội hình này, nhiều CĐV SLNA không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Đồ họa: TK
Nhìn vào đội hình này, nhiều CĐV SLNA không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Đồ họa: TK

Đâu đó, tại nhiều đội bóng, những cầu thủ, cựu cầu thủ, những nhà chuyên môn trưởng thành từ SLNA vẫn nặng tình, nặng nghĩa với quê hương và họ vẫn mong mỏi ngày trở về. Nhưng thiết nghĩ, cần phải có một bước ngoặt nào đó để họ trở lại sớm hơn để chung tay chèo lái con thuyền SLNA vượt qua mọi khó khăn.

Bóng đá đã giúp nhiều cầu thủ SLNA thoát nghèo, trở thành những tỷ phú, có nhiều đóng góp cho xã hội. Nhưng thật tuyệt vời biết mấy, khi họ có thể làm giàu trên chính quê hương mình. Những ước mơ đó lẽ ra phải là một lẽ đương nhiên, nhưng không nhiều người dám nghĩ tới, vì nó đang dần trở nên xa vời.

Dẫu vậy, vẫn mong những chàng trai 19 - 20 tuổi lần đầu lên chuyên nghiệp sẽ ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Bởi một trong những đặc tính của người Nghệ là luôn biết vươn lên trong những thời điểm khó khăn nhất. 

Tin mới