Sốt vé U23 Việt Nam - Mừng hay lo?

(Baonghean.vn) - Trận đấu mở màn vô cùng quan trọng của U23 Việt Nam với U23 Indonesia ở bảng A môn bóng đá nam SEA Games 31 chưa diễn ra nhưng đã có tình trạng “sốt vé”, người dân xếp hàng, thức xuyên đêm để mua được tấm vé đến sân Việt Trì-Phú Thọ xem vào ngày 6/5 tới.

Ban tổ chức bán vé qua 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, dù vậy, nhu cầu của người xem là rất lớn và rất có thể tình trạng “vỡ sân” sẽ xảy ra nếu Ban tổ chức sân không có biện pháp dự phòng và xử lý phù hợp, kịp thời.

Người hâm mộ đội nắng chờ mua vé.

Người hâm mộ đội nắng chờ mua vé.

Phải nói ngay rằng, lâu nay mỗi khi ĐT Việt Nam hay U23 Việt Nam thi đấu, nhất là với các đối thủ lớn, ngang sức ngang tài, dù thi đấu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay bất cứ địa phương nào, thì tình trạng sốt vé đều diễn ra. Đó là điều đáng mừng, lặp đi lặp lại nhưng rất khó để rút kinh nghiệm hay làm một điều gì đó để chống… sốt vé?

Đơn giản vì càng xa các trung tâm lớn thì nhu cầu đi xem, được xem những ngôi sao bóng đá càng lớn hơn, nhiều hơn và Ban tổ chức càng khó khăn hơn để lập lại trật tự như mong muốn. Và vì không phải trận nào cũng sốt vé nên sự việc chỉ diễn ra một lần, hai lần… nên các Ban tổ chức sân thường chỉ xây dựng và thực hiện các phương án vừa đủ vì liên quan đến nhân sự, kinh phí, hiệu quả. Rõ ràng, ở bảng A môn bóng đá nam SEA Games cũng như bảng B, người hâm mộ sẽ giành sự quan tâm trước hết, nếu không nói là duy nhất cho trận đấu U23 Việt Nam và U23 Indonesia nên chuyện sốt vé sẽ chỉ diễn ra ở đây. Còn lại, dù các đối thủ rất đáng xem như U23 Thái Lan hay U23 Myanmar thi đấu, thì số khán giả đến sân cũng sẽ hạn chế.

Trong khi đó, từ vòng bán kết trở đi, 4 đội bóng hàng đầu sẽ về thi đấu tại sân Mỹ Đình, Hà Nội nên tình trạng sốt vé lại kéo về đây, chứ không ở Việt Trì như hiện nay. Rõ ràng, do là nơi nhiều lần tổ chức thi đấu các trận lớn, giải lớn quốc gia và quốc tế, nên Ban tổ chức sân sẽ áp dụng nhiều kinh nghiệm trong việc bán vé, tổ chức cho khán giả vào sân cũng như những công việc liên quan đến an ninh, phòng chống dịch… Số khán giả vào sân lớn hơn, phương tiện vật chất hiện đại hơn, lực lượng làm nhiệm vụ chuyên nghiệp hơn…  và cũng sẽ có tình trạng sốt vé diễn ra. Nhưng chắc chắn, Hà Nội sẽ làm tốt mọi việc liên quan, dù trong bối cảnh các hoạt động của SEA Games 31 sẽ diễn ra tập trung ở đây với cường độ, mật độ lớn hơn nhiều nơi khác.

Khi các hoạt động của SEA Games, nhất là môn thể thao vua-bóng đá được tổ chức ở nhiều nơi, như môn bóng đá nam vòng bảng ở Phú Thọ, chung kết ở Hà Nội, bóng đá nữ ở Quảng Ninh, futsal nam nữ ở Hà Nam…, đông đảo khán giả vùng xa gần Thủ đô sẽ có dịp được chứng kiến tận mắt các ngôi sao bóng đá trong và ngoài nước, kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ đi kèm nhằm giúp các địa phương phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch. Các ban tổ chức sân địa phương sẽ có thêm công việc, củng cố hạ tầng vật chất phục vụ thể thao, kinh nghiệm tổ chức, vận hành khi được giao nhiệm vụ.

Vấn đề là hiện tại, thể thao nói chung và bóng đá nước nhà nói riêng chưa đạt đến trình độ phát triển như mong muốn, chưa thể thu hút thường xuyên và đông đảo số khán giả đến xem, các hoạt động dịch vụ phục vụ đi kèm, nói chung là chưa thể tạo nên các cơn sốt như đang diễn ra ở Phú Thọ nói trên. Đáng tiếc là các cơn sốt vé chỉ diễn ra nhỏ giọt, thi thoảng nên việc rút kinh nghiệm nhiều khi cũng… thừa thãi và không cấp thiết nên điều đó lại bất ngờ diễn ra trong một ngày đẹp trời nào đó.

Để thấy, nền bóng đá nước nhà với đỉnh cao là V. League còn vô vàn việc phải làm để thu hút khán giả tới sân. Hiện tại, không có sân đấu nào “lấp đầy” khán giả trong tất cả các trận đấu, trừ một vài trận đấu quan trọng, quyết định. Khi và chỉ khi những người làm bóng đá, các cầu thủ thực sự chuyên nghiệp, thi đấu cống hiến, đỉnh cao… thì mới có hy vọng được khán giả “tin, yêu, thương, trọng” để sẵn sàng mua vé cả mùa, cả giải, thậm chí suốt đời cho một vị trí ngồi trên sân.

Còn nếu không thì vẫn được chăng hay chớ, trận xem trận bỏ, xem không thấy hay, bỏ không thấy tiếc, rồi tình trạng sốt vé lại diễn ra bất thường đâu đó. Cũng không nên bỏ qua chuyện này: những người đặt gạch xếp chỗ mua vé vừa là những người yêu hết mình vì bóng đá, nhưng cũng có thể là người thức xuyên đêm không phải để thưởng thức bóng đá mà… kiếm chút đỉnh? Vậy nên, chuyện sốt vé nói đầu bài vừa có thể là niềm vui đáng tự hào, cũng vừa có thể là nỗi buồn đâu đó về những rơi rớt của tình trạng phe vé, nâng giá vé từng diễn ra từ thuở nào không ai muốn nhắc lại...

Tin mới