Stephanie Grisham - nữ tướng trầm lặng của Nhà Trắng

(Baonghean) - Stephanie Grisham - Thư ký Báo chí thứ ba kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cái tên khá xa lạ với chính trường và truyền thông. Hồ sơ của cô cũng không có nhiều thành tích điều hành nổi bật. Nhưng điều đó không có nghĩa cô không xứng đáng đại diện phát ngôn cho Nhà Trắng.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham luôn sẵn lòng trả lời báo chí nhưng sẽ rất cứng rắn nếu bị thách thức. Ảnh: AP
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham luôn sẵn lòng trả lời báo chí nhưng sẽ rất cứng rắn nếu bị thách thức. Ảnh: AP

Giấc mơ của Stephanie

Nhiều năm trước khi trở thành Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Stephanie Grisham có treo một bức ảnh về Nhà Trắng trong văn phòng của mình ở Arizona. Bức hình gợi nhắc cô về ước mơ của mình thời tuổi trẻ, đó là được làm việc cho Tổng thống Mỹ.

“Cô ấy không hề giấu diếm một thực tế rằng mình muốn làm Thư ký Báo chí Nhà Trắng”, Hank Stephenson, biên tập viên của tờ the Yellow Sheet Report, một trang tin hàng ngày chuyên về chính trị ở Arizona tiết lộ. “Cô ấy đã nói với các phóng viên và cả bạn bè nữa”.

Đó quả thực là một “công việc trong mơ”. Nhưng quả thực Grisham không có nhiều lợi thế để có thể được sự ủng hộ của dư luận khi cô được bố trí một trong những công việc quan trọng nhất tại Nhà Trắng. Hai tuần trước khi Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm cô vào chiếc ghế này, Stephanie Grisham chưa từng chủ trì một cuộc họp báo nào. Cô cũng chưa lên hình ở Fox News -  kênh tin tức yêu thích của người tiền nhiệm Sarah Sanders.

Hồi tuần trước, Stephanie từ chối lời đề nghị phỏng vấn của đài NPR, theo đúng thói quen của cô: không muốn trở thành chủ đề của câu chuyện trên truyền thông. Thời điểm Stephenson còn làm việc cùng Stephanie, cô đang là người phát ngôn của Văn phòng Hạ viện của đảng Cộng hòa tại bang Arizona. Và đó cũng là lúc phong cách làm việc của cô được định hình rõ ràng nhất.

“Người phát ngôn thường chia ra làm hai loại: thứ nhất là những người cố che giấu mọi thứ khỏi con mắt của báo chí. Và loại thứ hai là những người buộc bạn phải đối đầu với họ. Grisham nhất định thuộc về nhóm thứ hai”, Stephenson nói.

Điều đó có nghĩa, Stephanie phản hồi các email rất nhanh, và luôn sẵn lòng với đề nghị của cánh phóng viên. Đó có thể là vì cô từng kết hôn với một chuyên gia săn tin tức của một kênh truyền hình ở Arizona và cô hiểu báo chí cần gì để hoàn thành tốt công việc của họ. Nhưng đó mới chỉ là một nửa trong phong cách làm việc của Stephanie. Cô cũng sẵn sàng “rắn” để bảo vệ những gì mà mình phục vụ và theo đuổi.

“Đánh trả mạnh gấp 10 lần”

Trước khi được cất nhắc vào vị trí đáng mơ ước - Giám đốc Truyền thông và Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Stephanie Grisham đảm nhận chức Giám đốc Truyền thông của Đệ nhất phu nhân Melania Trump. Và chính trong vai trò này, Stephanie đã khiến Kate Andersen Brower - phóng viên và là cây viết có tiếng tại Mỹ, hiểu được rằng đừng bao giờ thách thức sự kiên nhẫn của cô.

Brower, người từng xuất bản một cuốn sách về Đệ nhất phu nhân Mỹ, khi đó đã viết một bài bình luận trên CNN, cho rằng Tổng thống Trump “chẳng hiểu làm Đệ nhất phu nhân có nghĩa là gì”. Stephanie lập tức có phản hồi bằng một bài viết nêu quan điểm cá nhân chỉ trích Brower và rộng hơn là cả giới truyền thông, rằng “những điều ngu ngốc về Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ tràn ngập trên các mặt báo”.

“Stephanie cảm thấy rằng cô ấy phải giáng trả mạnh gấp 10 lần”- Kate Andersen Brower kể lại khi nhớ về những gì mà mình phải hứng chịu sau bài viết đó. Ngay sau khi Stephanie đưa thông điệp của mình lên trang cá nhân, Brower đã phải hứng chịu một đợt “khủng bố mạng” chưa từng có từ những người ủng hộ Tổng thống Trump.

“Khi Stephanie viết những dòng đó để phản hồi bài viết của tôi, tôi cứ nghĩ nó chẳng có mấy tác động. Nhưng tôi đã nhầm. Nó cho thấy sự trung thành của cô ấy với Melania Trump” - Brower thừa nhận.

Stephanie Grisham trong chuyến tháp tùng Tổng thống Donald Trump tới Nhật Bản hồi cuối tháng 6. Ảnh: AFP
Stephanie Grisham trong chuyến tháp tùng Tổng thống Donald Trump tới Nhật Bản hồi cuối tháng 6. Ảnh: AFP

Niềm tin là chìa khóa

Stephanie Grisham, năm nay 42 tuổi, đã có hai con trai, bắt đầu tham gia đội ngũ của Tổng thống Mỹ kể từ cuộc vận động tranh cử năm 2016. Vị trí đầu tiên của cô là Giám đốc bộ phận báo chí của chiến dịch tranh cử. Đó là cơ hội để cô được học hỏi những kinh nghiệm đầu tiên của một Thư ký Báo chí Nhà Trắng. Tinh thần đó được thể hiện trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Khu Phi Quân sự giữa 2 miền Triều Tiên hôm 30/6. Khi đó, đội vệ sĩ của Triều Tiên đã cố gắng ngăn cản đội ngũ phóng viên Nhà Trắng tiếp cận phòng họp báo của Trump. Stephanie thậm chí đã phải đứng ra dùng thân mình để tách những vệ sĩ của Bình Nhưỡng với đội báo chí và tạo thành lối đi cho họ.

Khoảnh khắc Stephanie xô đẩy với phía Triều Tiên và hô to “Đi, đi nào” được các ống kính ghi lại. Nó khiến cô bị bầm dập nhưng cô vụt sáng trong mắt công chúng.

Khi quyết định bổ nhiệm được Tổng thống Trump đưa ra, những người làm việc tại Nhà Trắng vẫn chưa rõ Stephanie Grisham sẽ tiếp cận với vai trò mới của cô như thế nào và cô sẽ làm thế nào để thay đổi cách thức tương tác giữa cơ quan hành pháp Mỹ với báo chí. Stephanie đã giành khoảng 2 tuần để thảo luận với các nhân viên trong đội ngũ truyền thông và báo chí của Tổng thống Mỹ để chỉ ra những gì đã làm được và những gì không còn phù hợp. Cô cũng quan tâm tới cách để thích nghi khi mà dòng chảy tin tức đang ngày càng xoáy sâu vào hoạt động tranh cử sơ bộ của đảng Dân chủ và việc khởi động chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

“Cô ấy thực sự hiểu và tin tưởng vào gia đình Tổng thống, cả ông Trump và Đệ nhất phu nhân” - Sean Spicer, Thư ký Báo chí đầu tiên của ông Trump, người từng làm việc cùng Stephanie suốt chiến dịch tranh cử năm 2016. “Nhưng cô ấy cũng rất tôn trọng đội ngũ báo chí.” 

Spicer cũng cho rằng Stephanie Grisham rất tôn trọng đội ngũ báo chí song khó có chuyện cô ấy sẽ tái lập những cuộc họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng, vốn đã bị người tiền nhiệm Sarah Sanders chấm dứt.

“Đó không phải là điều mà Thư ký Báo chí muốn mà được. Đó là do Tổng thống quyết định” - Sean Spicer nói.

Tổng thống Trump muốn có một người phát ngôn của riêng mình, người sẽ trả lời các câu hỏi xung quanh những diễn biến thời sự hàng ngày, và sẵn sàng tay đôi với đội ngũ phóng viên luôn túc trực ở phòng Bầu dục hay ở bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, nơi Tổng thống đưa ra các thông điệp ngay trước chiếc trực thăng Marine One. Stephanie luôn sẵn lòng để Tổng thống Trump hướng dẫn công chúng với các thông điệp của mình. Đó chính là cách cô tạo dựng niềm tin từ người đứng đầu nước Mỹ./.

Tin mới