Sử dụng mạng xã hội để tham vấn công chúng trong xây dựng chính sách

(Baonghean.vn) - Thực tế lâu nay, việc đánh giá tác động của chính sách để cân nhắc, lựa chọn một cách “hoàn hảo” lợi ích so sánh giữa việc ban hành và không ban hành chính sách chưa được chú trọng.
Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND tỉnh năm 2019. Ảnh: Mai Hoa
Các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND tỉnh năm 2019. Ảnh: Mai Hoa
Hoạt động của đại biểu HĐND còn lúng túng

Sáng 14/3, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức lễ khai mạc hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động HĐND năm 2019 cho các đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, thời gian qua, với việc triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật giám sát của Quốc hội và các quy định có liên quan, cùng với triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021; hoạt động của HĐND tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng.

Dù vậy, trong thực hiện một số hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn những khó khăn, lúng túng như: việc phân tích và đánh giá tác động của chính sách và tham vấn nhân dân trong quá trình ban hành chính sách ở địa phương; công tác tổ chức phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND; việc xem xét và quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của nhân dân; trong giám sát hoạt động tư pháp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thực thi quyết định của tòa án; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri…

Do đó, việc tổ chức hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND lần này là hết sức cần thiết nhằm trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm quý báu đối với các vị đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến nhân dân cũng là một hình thức tham vấn cộng đồng hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa
Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến nhân dân cũng là một hình thức tham vấn cộng đồng hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa

Sử dụng mạng xã hội để tham vấn công chúng

Mở đầu hội nghị, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày chuyên đề Kỹ năng phân tích, đánh giá tác động của chính sách và tham vấn nhân dân trong quá trình ban hành chính sách ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, có một thực tế lâu nay, đó là việc đánh giá tác động của chính sách để cân nhắc, lựa chọn một cách “hoàn hảo” lợi ích so sánh giữa việc ban hành và không ban hành chính  sách trong xem xét, xây dựng và ban hành chính sách chưa được chú trọng.

Ông
Ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày chuyên đề Kỹ năng phân tích, đánh giá tác động của chính sách và tham vấn nhân dân trong quá trình ban hành chính sách ở địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Ở địa phương, việc đánh giá tác động của chính sách thuộc trách nhiệm chính của UBND tỉnh và các sở, ngành - đơn vị xây dựng dự thảo chính sách; đồng thời phải xác định rõ, đây là văn bản bắt buộc phải trình cùng với dự thảo của chính sách, gắn với đó là xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi có năng lực đánh giá tác động chính sách.

Về phía đại biểu HĐND tỉnh phải nắm bắt được quy trình đánh giá tác động chính sách và kỹ năng đọc, đánh giá về văn bản đánh giá tác động chính sách để xem xét vấn đề đặt ra đúng hay chưa và tác động của chính sách phải đảm bảo công lý và công bằng xã hội, đặt lợi ích của địa phương và lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Muốn thực hiện được vai trò trên, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, các đại biểu phải thực hiện quy trình tham vấn công chúng, gồm đối tượng bị tác động của chính sách và các chuyên gia. Và hình thức tham vấn bằng nhiều kênh: gặp gỡ, thăm hỏi, tiếp xúc cử tri, thư điện tử, qua điện thoại và thông qua mạng xã hội; tránh hình thức “đánh trống thổi kèn”, làm lãng phí thời gian, công sức.

Trong thời gian 2 ngày 14 và 15/3, các đại biểu tiếp tục được các ông Phan Trung Lý - nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Bùi Đức Thụ - nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội; Bùi Nguyên Súy - nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội trực tiếp truyền đạt 4 chuyên đề còn lại.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Nội dung các chuyên đề bao gồm kỹ năng tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND; xem xét và quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của nhân dân; Giám sát hoạt động tư pháp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thực thi quyết định của tòa án; kỹ năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.   

Tin mới