Sự hối hận muộn màng của gã lái taxi hám lợi

(Baonghean.vn) - Suốt quá trình diễn ra phiên tòa, Tuấn bị truy tố về tội Tàng trữ và Vận chuyển trái phép chất ma túy khá bình tĩnh cho đến khi nhắc đến cha mẹ, người thân...

Là con một trong gia đình cha mẹ là viên chức nên Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1977), trú xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương luôn được đặt hy vọng sẽ nối tiếp truyền thống của gia đình. Thế nhưng, Tuấn đã khiến người thân đau buồn khi sớm vấp ngã vào cạm bẫy xã hội.

Năm 2004, Nguyễn Hữu Tuấn bị TAND huyện Hưng Nguyên xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 24 tháng về tội Trộm cắp tài sản. Chứng kiến con trai vướng lao lý khiến vợ chồng ông Nguyễn Hữu A. buồn phiền. Nhưng rồi, vì sợ con lún sâu vào con đường tội lỗi, vợ chồng ông đã lựa lời để động viên, khuyên nhủ con làm người tử tế.  

Đầu năm 2019, thông qua đối tượng Nguyễn Thị Lý (trú xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương) Tuấn quen biết người phụ nữ tên Tú ở TP Vinh. Ngày 25/1, Tú gọi điện cho Tuấn đặt vấn đề thuê đưa ma túy từ TP Vinh sang Hà Tĩnh.

Tang vật của vụ án (ảnh tư liệu)
Tang vật của vụ án (ảnh tư liệu)

Do bận việc không đi được nên Tuấn từ chối. Người phụ nữ này tiếp tục hỏi Tuấn “có sử dụng hồng phiến không đến khách sạn đưa cho mà sử dụng”. Tuấn đồng ý và lái xe ô tô đến gặp Tú lấy 5 viên hồng phiến, bỏ vào trong ví.

Một ngày sau (26/1), Tú lại gọi điện cho Tuấn đưa hàng từ TP Vinh sang Hà Tĩnh với giá 2 triệu đồng. Tuấn đồng ý, theo sự chỉ dẫn của Tú đi vào lễ tân khách sạn gặp một nam nhân viên lấy “giỏ bánh kẹo” để đưa sang Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi Tuấn vừa đi ra sảnh khách sạn thì công an ập vào bắt giữ. Tang vật thu được là 2 gói ma túy với khối lượng 1740 gam. Khám xét trên người Tuấn, cơ quan công an còn thu giữ thêm 5 viên ma túy Methaphetamine  (0,5 gam).

Tại phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 7, Tuấn thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Bị cáo khai: Biết “giỏ bánh kẹo” được gửi tại khách sạn thực chất là ma túy nhưng vẫn chấp nhận vì lòng tham.

Tuấn lí nhí khai: “Với nghề lái xe taxi, mỗi ngày bị cáo kiếm được triệu hơn, triệu kém. Do vậy, khi được đề nghị chở sang Hà Tĩnh với đoạn đường không dài để lấy 2 triệu đồng, bị cáo đã đồng ý”.

Tòa hỏi: “Bị cáo nhận thấy việc làm của mình là thế nào?”. Tuấn trả lời “sai ạ, bị cáo cảm thấy có lỗi với cha mẹ”. “Bị cáo biết có lỗi với người thân, sao lại tái phạm khi trước đó từng một lần bị xét xử?”, tòa hỏi. Lúc này, Tuấn cúi mặt xuống nói: “Bị cáo sẽ chừa đến hết đời”.

Trong khoảng thời gian ngắn được đoàn tụ cùng gia đình lúc tòa nghị án, Tuấn gặp cha mẹ, vợ và người thân. Có lẽ do còn giận chồng nên người vợ sinh năm 1983 hầu như không nói gì mà chỉ nấc nghẹn. Những giọt nước mắt tủi hờn cứ thế lăn trên khuôn mặt chị.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tuấn tại phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ
Bị cáo Nguyễn Hữu Tuấn tại phiên tòa. Ảnh: Trần Vũ

Từ ngày chồng bị bắt, người vợ ấy một mình nuôi 3 đứa con. Đứa nhỏ mới 6 tuổi. Không muốn các con chứng kiến hình ảnh bố bị còng tay nên chị không đưa con xuống tòa. Hai vợ chồng chỉ cách nhau vài hàng ghế nhưng người vợ hầu như không nói gì mà chỉ lặng thinh, khóc. Thấy vợ sụt sùi, Tuấn cúi mặt, lặng im.

Nhưng khi được một người họ hàng tiến đến gần, gửi lời động viên, Tuấn đã rơi nước mắt. Người này đã nhắn nhủ những lời ruột gan với Tuấn rằng: “Cháu sai thì phải tự đứng lên. Mọi người sẽ tha lỗi cho cháu. Tuy nhiên, cháu phải biết sửa chữa lỗi lầm của mình. Đừng làm mọi người thất vọng nữa. Giờ cháu cũng đã có tuổi rồi nên hãy cố gắng cải tạo để về bù đắp, chuộc lỗi với vợ con, cha mẹ”. Nghe những lời nhắn nhủ ấy, Tuấn gật đầu tỏ ra hối hận, đưa đôi bàn tay đang bị còng lên gạt nước mắt.

Sinh ra trong gia đình cơ bản, có uy tín tại địa phương nhưng Tuấn lại không trở thành người con thành đạt như người thân mong mỏi. Thương con, nên vợ chồng ông A. đã nhiều lần “cứu” Tuấn sau những vấp ngã của cuộc đời. Ngay cả chiếc xe ô tô mà Tuấn dùng để chở khách hàng ngày cũng là của bố mẹ cho mượn.

Nhưng thay vì tu chí làm ăn, Tuấn lại tiếp tục vấp ngã, dùng chiếc “cần câu cơm” mà bố mẹ cho mượn để thực hiện hành vi phạm pháp. Sau khi Nguyễn Hữu Tuấn bị bắt, cơ quan điều tra xác định chiếc xe ô tô mà bị cáo dùng để thực hiện việc vận chuyển ma túy là của mẹ bị cáo. Người này không biết việc làm của Tuấn nên cơ quan điều tra đã trả lại chiếc xe cho gia đình.

Với tội Vận chuyển trái phép chất ma túy, Nguyễn Hữu Tuấn bị tuyên phạt 20 năm tù và 1 năm tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Tổng hình phạt chung mà bị cáo phải nhận là 21 năm tù.

Chỉ vì hám lợi 2 triệu đồng, gã lái taxi phải đổi lấy 21 năm tù. Đó là khoảng thời gian đủ dài để Tuấn nhận ra việc làm sai trái đã khiến cả người thân sầu lụy. Giá như trước khi gật đầu đồng ý nhận đưa “giỏ hoa quả” cho khách, Nguyễn Hữu Tuấn nghĩ đến người thân thì có lẽ giờ đây mọi chuyện đã theo hướng khác.

Tin mới