Bạo lực học đường và sự giáo dục bằng đòn roi

(Baonghean) - Thời gian qua, vụ việc các học sinh nữ ở Quỳnh Lưu đánh bạn bị quay clip tung lên mạng lại tiếp tục thổi bùng sự quan tâm của xã hội đến nạn bạo lực học đường. Điều đáng nói chính là trước tình trạng đó, nhiều người cứ chăm chăm đổ hết trách nhiệm cho nhà trường, cho ngành Giáo dục, cho sự xuống cấp đạo đức của xã hội và thậm chí là cho cả thể chế chứ không phải là bởi cách giáo dục con trẻ ngay từ trong gia đình.
Tất nhiên, nhà trường, ngành Giáo dục cũng có phần trách nhiệm của mình, nhưng nếu chỉ trông chờ vào trách nhiệm của nhà trường mà coi nhẹ, thậm chí mắc sai lầm trong việc giáo dục con trẻ ngay từ môi trường gia đình, thì cho dù nhà trường, các thầy, cô giáo có tài giỏi và trách nhiệm đến mấy cũng khó lòng mà biến một đứa trẻ hư thành ngoan được. Đáng tiếc rằng, đây lại là điều đang thực sự diễn ra trong xã hội của chúng ta.
Hình ảnh vụ đánh học sinh ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh vụ đánh học sinh ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Ảnh cắt từ clip

Cho đến bây giờ, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn dùng đòn roi để trừng phạt con mình khi chúng không vâng lời hay làm điều sai trái. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” trong cách giáo dục con đã hết sức phổ biến trong truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay.

Nhưng các nhà tâm lý học, giáo dục học hiện đại thì cho rằng, việc đánh mắng con là thể hiện sự bất lực của cha mẹ trong kiềm chế cơn nóng giận bản thân và sự sai lầm về phương pháp trong giáo dục con cái. Điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách của trẻ về sau. Luật pháp ngày nay cũng đã không cho phép cha mẹ được làm điều này. Tuy nhiên, nó vẫn cứ diễn ra hàng ngày ở các mức độ khác nhau, dù đã ít hơn nhiều so với trước. Để thay đổi một thói quen thâm căn cố đế tồn tại hàng nghìn năm kể từ khi có thiết chế gia đình là điều không phải dễ dàng mà làm được.

Chính cách giáo dục bằng đòn roi đó ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ theo xu hướng gia tăng bản tính hung dữ, thiếu kiềm chế bản thân, bởi những gì mà đứa trẻ tiếp nhận để hình thành nên nhân cách của mình đều phải bắt đầu từ môi trường giáo dục đầu tiên chính là gia đình của chúng. Và rồi chính những đứa trẻ đó sau này lớn lên lại có xu hướng hành xử như những gì mà chúng quan sát và trải nghiệm từ thủa đầu đời. 
Có nhiều người bạn của tôi là giáo viên phàn nàn rằng, bây giờ đi dạy khó quá, khó không chỉ bởi chương trình nặng nề, mà còn vì các giáo viên không còn được đánh, mắng học trò như trước đây nữa. Kỷ luật lớp học vì thế rất khó bảo toàn. Thực ra, bản thân các giáo viên cũng như nhiều bậc phụ huynh vẫn nhầm lẫn giữa đòn roi và sự nghiêm khắc. Đâu phải cứ nghiêm khắc là phải đòn roi.
Tất nhiên, mỗi đứa trẻ có đặc điểm khí chất rất riêng biệt đòi hỏi phương pháp giáo dục không hề giống nhau, nhưng phần vì còn phải lo nhồi nhét hết khối lượng kiến thức nặng nề, phần thì thiếu kiên nhẫn và phương pháp phù hợp nên các giáo viên cũng không còn tâm sức đâu mà chú trọng đến tính khác biệt về đối tượng trong giáo dục. Nhưng ở gia đình thì phải làm được điều đó. Bố mẹ phải là người hiểu con hơn và dễ dàng uốn nắn con theo chiều hướng tích cực từ sự gần gũi, từ tình thương yêu của mình. Họ chỉ có một vài đứa con còn không đủ kiên nhẫn thì làm sao đòi hỏi các giáo viên phải làm được việc đó cho hàng chục, hàng trăm đứa trẻ trong một lúc.
Nhưng thật đáng tiếc, dường như có những ông bố, bà mẹ ngày nay phần thì mải kiếm sống, phần cũng thiếu trách nhiệm, phần thiếu hiểu biết, nên cứ coi đòn roi là cứu cánh. Đến khi con hư thì lại đổ lỗi cho nhà trường, cho bạn bè xấu lôi kéo, cho xã hội nhiễu nhương và đủ thứ khác, miễn không phải là mình. Chính điều này sẽ khiến cho nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Và từ học đường đến xã hội cũng chỉ là sự thay đổi về phạm vi mà thôi.
Bảo Ngân
TIN LIÊN QUAN