Chặn hội chứng 'hốt hụi chót'

(Baonghean) - Câu chuyện một sở toàn lãnh đạo, chỉ có hai nhân viên chưa kịp lắng xuống, thì nay lại nổi lên việc Thanh tra Bộ Nội vụ phát hiện ra một việc khá bất thường là dồn dập bổ nhiệm cán bộ cấp vụ, cấp phòng ở cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Việc thứ nhất, báo chí phản ánh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 biên chế, nhưng có đến 44 người là lãnh đạo sở hoặc trưởng, phó các phòng ban, chỉ 2 người là chuyên viên. Cụ thể sở này có một giám đốc, 3 phó giám đốc và ở mỗi phòng, ban thì có một trưởng phòng và 3 đến 5 phó phòng. Trong đó, điển hình được báo chí nhắc tới là trường hợp một nữ Phó Chánh thanh tra được đề bạt với tốc độ… chóng mặt; tháng 8/2015 mới được tuyển dụng công chức của sở, nhưng chỉ 3 tháng sau, đến ngày 1/12/2015, đã được bổ nhiệm Phó Chánh thanh tra.

Việc thứ hai mới phát lộ sau đợt thanh tra công tác cán bộ tại Thanh tra Chính phủ (TTCP) do Thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành. Theo đó, tại nhiều cục của TTCP có số lượng cấp phó vượt quá quy định. Cụ thể tại Cục III đang có số lượng cán bộ cấp phó là 6 người, gấp đôi so quy định; Cục Chống tham nhũng có 4 cán bộ cấp phó; Cục I và Cục II có 4 cán bộ cấp phó; Ban tiếp công dân cũng có 4 cán bộ giữ chức vụ phó trưởng ban... Đáng chú ý là trong thời gian 6 tháng trước khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Phong Tranh - nguyên Chánh Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ trước  đã bổ nhiệm 35 cán bộ thanh tra, trong đó nhiều cán bộ cấp phòng, cấp vụ được bổ nhiệm mới.

Cả hai việc xảy ra, một ở cấp sở, một ở cấp bộ, nhưng đều có chung một điểm là “lạm phát cán bộ”. Và sự “lạm phát” đó đều nảy sinh trong một thời gian rất ngắn và vào cùng một thời điểm, một hoàn cảnh như nhau. Đó là trước khi ông giám đốc sở và ông chánh thanh tra về nghỉ hưu không lâu. Nhìn vào thời điểm hành động đề bạt, bổ nhiệm diễn ra, không cần phải nói, có lẽ ai ai cũng đoán biết ra ngay mục đích của nó là gì rồi. Như lời ông Dương Trung Quốc - một vị đại biểu Quốc hội khá nổi tiếng phân tích thì đó là “Hiện tượng phổ biến nhiều nơi nhất các vị sắp hết nhiệm kỳ, tận dụng quyền lực của mình để đề bạt lấy lý do tăng cường thêm bộ máy nhân sự, nhưng ai cũng thấy đó là mua quan bán chức, thu lợi”. 

Thật ra, đây không phải là việc mới có mà đã từ lâu, rất nhiều người lên tiếng cảnh báo hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “hội chứng tuổi 59”… Nghĩa là vào thời điểm người ta hay có những quyết định bất chấp hậu quả vì nghĩ rằng không còn gì để mất và là cơ hội cuối cùng để làm những việc cần làm có lợi cho bản thân. Tiếc là, dù đã đoán biết được trước sự việc, nhưng rồi không có các chế tài, biện pháp để khắc chế tình trạng đó, nên chuyện vẫn cứ xảy ra và hậu quả rất khó lường. Đã đến lúc phải có các biện pháp, chế tài đủ mạnh để chặn đứng hội chứng “hốt hụi chót” đang lan tràn trong các cơ quan Nhà nước kiểu như thế.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN