Sơn Tùng: Mình thích thì mình làm thôi!

(Baonghean) - Tuy nhiên, với Sơn Tùng, cậu không cần viện đến lý do nào. Chỉ là cậu thích thì cậu làm. Có thể hơi to tát, nhưng tôi cho rằng câu nói đó của cậu gần như là một tuyên ngôn của giới trẻ hiện nay. 

Đêm chung kết The Face 2016 – Gương mặt thương hiệu Việt Nam 2016, ca sĩ trẻ đang rất được hâm mộ Sơn Tùng MTP sau màn trình diễn của mình đã có buổi phỏng vấn nhanh với MC chương trình. Khi được hỏi về vết mực trên trán, chàng ca sĩ này đã trả lời đó là một hình xăm giả mới được vẽ lên.

HÌnh ảnh Sơn Tùng trong đêm
HÌnh ảnh Sơn Tùng và hình xăm trên trán. Ảnh: Internet.

Cách phát âm chữ “Tattoo” (nghệ thuật xăm hình) bằng thứ tiếng Anh “ngộ nghĩnh” của cậu nhanh chóng trở thành đề tài cho một phong trào châm biếm trên mạng. Rất nhiều tranh ảnh, video, thậm chí cả các sáng tác nhạc chế, nhạc remix… chỉ trong thời gian ngắn được lưu truyền trên mạng và đem lại không ít tiếng cười giải trí cho mọi người.

Cũng trong buổi phỏng vấn nhanh đó, có một câu nói khác của ca sĩ trẻ này nhưng ít được lưu tâm hơn. Đó là câu nói cậu giải thích về việc tại sao cậu lại vẽ hình xăm giả đó. Lý do đơn giản chỉ là “Mình thích thì mình vẽ lên thôi”. Đúng vậy, rất đơn giản. Không có lý do thâm sâu nào cả, không mang một ý nghĩa nào cả.

Thường nhiều người sẽ chọn một hình vẽ, một con số, hay một từ ngữ nào đó mang ý nghĩa của riêng mình để xăm lên người, như tên của vợ, chồng, con cái, hay hình vẽ đặc trưng của tôn giáo họ đang theo. Họ chọn những hình xăm để thể hiện cá tính bản thân, hoặc để ghi dấu một sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Tuy nhiên, với Sơn Tùng, cậu không cần viện đến lý do nào. Chỉ là cậu thích thì cậu làm.

Có thể hơi to tát, nhưng tôi cho rằng câu nói đó của cậu gần như là một tuyên ngôn của giới trẻ hiện nay. Thích là làm. Chúng ta đã qua rồi cái thời làm việc gì cũng cần phải có một lý tưởng cao vời, một mục đích nhân văn. Giới trẻ hiện này sống nhiều cho bản thân của họ hơn, họ làm việc, giải trí theo ngẫu hứng của họ. Trong không gian tự do và không bị ràng buộc đó, họ sẽ có nhiều sáng tạo hơn, tạo ra những giá trị, có thể chưa đánh giá được tốt hay không, nhưng ít nhất đó sẽ là một làn gió mới mẻ hơn.

Nhìn rộng ra một chút từ góc độ tiếp cận của pháp lý, chúng ta cũng thấy nó hết sức tự nhiên và hợp pháp. Đó là công dân được quyền làm bất kỳ điều gì mà pháp luật không cấm. Hiện nay như chúng ta biết, hệ thống thực thi pháp luật của ta còn nhiều hạn chế. Công dân thay vì được phép làm những gì pháp luật không cấm, lại thành chỉ được phép làm gì mà pháp luật cho phép.

Đây là hiện tượng rất phổ biến trong các giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu, hay biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Cách áp dụng luật như thế đang là vòng kim cô kìm hãm sự phát triển của văn hóa, xã hôi, kinh tế. Câu nói của Sơn Tùng, cũng là điều mà các doanh nghiệp, các nghệ sỹ và nhiều thành phần xã hội khác đang muốn nói, đó là hãy để chúng tôi tự do làm những điều chúng tôi thích, miễn là điều đó hợp pháp.

Nói đến đây cũng phải lưu ý một điều, tự do nhưng phải được pháp luật cho phép. Sở dĩ ca sĩ Sơn Tùng bị châm biếm nhiều như vậy khi nói về hình xăm của mình, một phần là do cách phát âm tiếng Anh của cậu, nhưng quan trọng hơn hình xăm đó là nhái theo hình xăm của người mẫu nổi tiếng người Đức – Daniel Bamdad. Đó không phải là sáng tạo mới của Sơn Tùng.

Trang phục của Sơn Tùng hôm đó, cũng lại giống với trang phục của ca sĩ Hàn Quốc G-Dragon. Thậm chí bài hát mà cậu thể hiện Chúng ta không thuộc về nhau, một sáng tác được cho là của cậu, cũng từng bị chỉ trích là đạo nhạc ca khúc We don’t talk anymore do Selena Gometh và Charlie Puth thể hiện.

Đây không phải là lần đầu tiên Sơn Tùng dính vào những cáo buộc nhái và đạo như thế này. Thậm chí có thể nói đây là phong cách của cậu, khi nhái lại từ phong cách ăn mặc, kịch bản các video clip, những đoạn điệp khúc trong bài hát từ những ca sĩ nổi tiếng nước ngoài. Có thể Việt Nam mới chỉ là vùng trũng của thế giới về văn hóa nghệ thuật nên Sơn Tùng không sợ bị kiện cáo, nhưng có lẽ cần có ai đó nhắc cho cậu biết rằng, Việt Nam đã tham gia vào các công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, công ước toàn cầu về bản quyền. Nghĩa là những tác phẩm có dấu hiệu đạo nhạc đó của cậu có những rủi ro về pháp lý nếu như các tác giả nước ngoài khởi kiện.

Chúng ta đều nhớ rằng nhạc sĩ Bảo Chấn đã từng dính vào nghi án đạo nhạc ở ca khúc Tình thôi xót xa, và sự nghiệp đi xuống từ đó. Nhưng có vẻ khán giả trẻ bây giờ dễ dãi hơn với Sơn Tùng, có người phản đối, nhưng cũng có rất nhiều người bất chấp để ủng hộ, nên sự nghiệp của cậu vẫn cứ thăng tiến vù vù. Tuy nhiên, Sơn Tùng, cũng như các nghệ sĩ khác nên nhớ rằng, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới, không chỉ ở khía cạnh văn hóa nghệ thuật, mà còn ở khía cạnh pháp luật.

Vậy nên, hãy cứ “mình thích thì mình làm thôi”, nhưng nhớ là phải hợp pháp.

Vũ Tuấn Tú

TIN LIÊN QUAN