Phát huy vai trò báo chí để đẩy lùi suy thoái

(Baonghean) - Hôm 16/2 vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước làm rõ những thông tin liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng về khối tài sản “khổng lồ” của đồng chí này. Chỉ đạo này, ngay lập tức đã khuấy động dư luận, được nhân dân cả nước quan tâm, hưởng ứng. 

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

» Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
 

Cách đây không lâu, người đứng đầu Đảng ta đã có ý kiến chỉ đạo tương tự khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đăng tải các bài viết về vụ “xe tư mang biển xe công” liên quan ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Từ sự chỉ đạo đó, các cơ quan chức năng vào cuộc và đã phanh phui ra những sai phạm tày trời của ông này và của cả một nhóm người có liên quan để đưa ra xử lý theo Điều lệ Đảng và luật pháp của Nhà nước.

Lần này, chưa biết sự thể sẽ như thế nào, nhưng đã làm dấy lên trong xã hội niềm tin mãnh liệt về quyết tâm cũng như kết quả khả quan về công cuộc chống suy thoái trong nội bộ của Đảng ta. Những biểu hiện suy thoái, những hành vi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng và trong xã hội nói chung chắc chắn sẽ bị đẩy lùi. Mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ và trong sạch cho đất nước.

Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở. Vì lẽ, trong 30 năm trước, cũng trên mặt trận báo chí, những bài viết và những chỉ đạo làm rõ các hiện tượng, vụ việc tiêu cực mà báo chí phản ánh do Tổng Bí thư Đảng ta lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh khởi xướng và tự tay thực hiện các bài viết dưới bút danh N.V.L đăng trên báo Nhân Dân đã dấy lên phong trào chống tiêu cực, đẩy lùi trì trệ, suy thoái trong Đảng và trong xã hội, gạt bỏ những cản trở, tạo đà cho sự thành công vang dội của công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới. Tiếc là trong tiến trình đổi mới, chúng ta đã không giữ được trọn vẹn như thuở ban đầu. Suy thoái, tiêu cực diễn ra ngày một trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn.

Trong đó, có phần trách nhiệm của báo chí, như trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra là: Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Vì thế, trong đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, Đảng ta đã xác định: Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Nói là làm, những chỉ đạo của người đứng đầu đất nước yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ những thông tin báo chí nêu về các vụ việc, các biểu hiện có tính chất tiêu cực chính là hành động cụ thể, thiết thực phát huy, nêu cao vai trò, tác dụng của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với những người cầm bút viết báo thì không có sự khích lệ nào cao hơn thế nữa. Vấn đề đặt ra ở đây là phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Người đứng đầu đất nước đã gương mẫu thực hiện như vậy thì người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng nên nhất tâm noi theo.

Cũng phải tích cực, chủ động vào cuộc làm rõ những thông tin trên báo chí và trong xã hội đề cập những hành vi, việc làm có biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong địa hạt được giao phụ trách lãnh đạo, quản lý để có thông tin phản hồi trung thực và kịp thời cùng với các biện pháp giải quyết, khắc phục phù hợp, hình thức xử lý xác đáng theo đúng các quy định của pháp luật. Đó chính là cách phát huy hiệu quả nhất vai trò của báo chí trong công cuộc chống suy thoái hôm nay.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN