Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

(Baonghean.vn) - Người dân Cuba tiễn biệt lãnh tụ Fidel Castro; Máy bay chở đội bóng của Brazil rơi ở Colombia; Thái Lan có Quốc vương mới; Tổng thống Nga đọc thông điệp liên bang... là những thông tin quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần qua.

1 - Người dân Cuba tiễn biệt lãnh tụ kiệt xuất Fidel Castro

Người dân vĩnh biệt cố Lãnh tụ Fidel Castro khi đoàn xe tang mang tro cốt của ông tới Matanzas Malecon, Cuba. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Người dân vĩnh biệt cố Lãnh tụ Fidel Castro khi đoàn xe tang mang tro cốt của ông tới Matanzas Malecon, Cuba. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Kết thúc 2 ngày cử hành các lễ viếng Chủ tịch Fidel Castro tại Quảng trường Cách mạng của thủ đô La Habana (28-29/11), hàng nghìn người dân Cuba lặng lẽ tập trung trên các con đường ở La Habana để nói lời tiễn biệt vị Tổng tư lệnh kiệt xuất trong hành trình cuối cùng về nơi an nghỉ cuối cùng, nơi mà Fidel đã khởi xướng Cách mạng Cuba cách đây gần 60 năm.

Đoàn xe tang mang tro cốt của lãnh tụ Fidel Castro đã bắt đầu cuộc hành trình trong 4 ngày nhằm tái hiện lại cuộc kháng chiến giành độc lập có tên gọi "Hành trình tự do" của đội quân khởi nghĩa Sierra Maestra do cựu Tổng Tư lệnh Fidel Castro dẫn đầu năm 1959. Đoàn xe sẽ di chuyển qua 13 tỉnh của Cuba trong 4 ngày để đưa vị lãnh tụ cách mạng đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Santa Ifigenia, thành phố Santiago de Cuba.

Tiếp đó, tro cốt của lãnh tụ Cách mạng Fidel Castro được đưa vào khu tưởng niệm Ernesto Guevara, nơi lưu giữ hài cốt của người anh hùng Che Guevara (Chê Ghê-va-ra), người đã cùng tham gia chiến đấu với Chủ tịch Fidel Castro tại Sierra Maestra, và những người lính du kích khác của cuộc đấu tranh vũ trang tại thành phố Santa Clara, miền Trung Cuba. Đây là điểm dừng chân qua đêm đầu tiên của cuộc "Hành trình tự do". Báo "Vanguardia" của Cuba cho biết trước đó, đoàn xe tang đã dừng tại hai điểm là thị trấn Cascajal, tỉnh Villa Clara và tỉnh Cienfuegos, nơi diễn ra lễ tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro với nghi thức quân đội.

2 - Tổng thống Nga đọc thông điệp liên bang

Tổng thống Putin xuất hiện trước quốc hội để đọc Thông điệp liên bang năm 2016. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Putin xuất hiện trước quốc hội để đọc Thông điệp liên bang năm 2016. Ảnh: Reuters.

Chiều 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội. Trong bài phát biểu, ông đã đề cao tầm quan trọng của bình thường hóa quan hệ với Mỹ trên cơ sở bình đẳng. Đây là thông điệp liên bang thứ 23 trong lịch sử hiện đại Nga và là lần thứ 13 ông Putin đọc bài phát biểu này.

Tổng thống Putin cho hay dù Nga đối mặt với sức ép từ nước ngoài trong năm vừa qua, nước này không tìm kiếm kẻ thù. "Chúng tôi không tìm kiếm và chưa bao giờ tìm kiếm kẻ thù. Chúng tôi cần những người bạn", ông nói và thêm rằng Nga muốn tổ chức đối thoại công bằng với các đối tác.

"Hợp tác Nga – Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu là lợi ích của toàn thế giới. Chúng ta có trách nhiệm chung nhằm bảo đảm an ninh, ổn định, đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những âm mưu phá vỡ thế cân bằng là nguy hiểm và có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu", ông nói. 

Tổng thống cũng dành lời ca ngợi chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria với các thành công lớn.

Ông Putin khẳng định Nga không có ý định can dự vào bất kỳ cuộc đối đầu địa chính trị nào nhưng sẵn sàng đứng lên vì lợi ích riêng của mình và sẽ không tha thứ cho bất kỳ nỗ lực nào làm tổn hại lợi ích của đất nước.

3 - Thái Lan có Quốc vương mới

Tân vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn (Ảnh: Reuters)
Tân vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn (Ảnh: Reuters)

Thái tử Maha Vajiralongkorn ngày 1/12 đã chính thức chấp thuận lời mời của quốc hội và trở thành Quốc vương mới của Thái Lan.

“Tôi chấp nhận lời mời vì lợi ích của nhân dân Thái Lan”, Thái tử Maha Vajiralongkorn nói trong bài phát biểu được phát trên sóng truyền hình hôm 1/12. Sau tuyên bố nhận lời lên ngôi, Thái tử Maha Vajiralongkorn chính thức trở thành Quốc vương Rama X - vị vua thứ 10 của Vương triều Chakri ở Thái Lan.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai đã tới diện kiến Thái tử Maha Vajiralongkorn tại Cung điện Dusit ở thủ đô Bangkok để chính thức mời ông lên ngai vàng. Ngay sau khi Thái tử nhận lời mời, một thông cáo cho toàn thể người dân về việc lên ngôi của Quốc vương Rama X cũng đã được phát đi.

Tân vương Thái Lan sinh năm 1952, là con trai duy nhất trong số 4 người con của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej - người vừa qua đời hôm 13/10 sau 7 thập niên trị vì đất nước Thái Lan. Tân vương Maha Vajiralongkorn từng theo học ở Anh, Australia và dành nhiều thời gian sinh sống ở Đức. Ông kết hôn 3 lần và có 7 người con, gồm 2 con trai và 5 con gái.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thông báo lễ lên ngôi của tân vương sẽ được tiến hành vào năm 2017 sau khi thi hài của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej được hỏa táng.

4 - Máy bay chở đội bóng của Brazil rơi ở Colombia

Hiện trường vụ tai nạn máy bay rơi ở Colombia.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay rơi ở Colombia.

Chiếc phi cơ mang số hiệu CP 2933 của LAMIA Bolivia đang chở thành viên của câu lạc bộ bóng đá Brazil Chapecoense Real cùng một số hành khách khác đã bất ngờ gặp sự cố và rơi xuống gần Medellin, thành phố lớn thứ hai Colombia vào đêm 28/11. Theo thống kê, trên chuyến bay từ Bolivia đến Medellin có tổng tộng 81 người bao gồm 72 hành khách và 9 thành viên tổ bay. Theo các nhà chức trách Colombia, vụ tai nạn thương tâm khiến ít nhất 77 người thiệt mạng.

Được biết, đội bóng Chapecoense Real đang trong hành trình đến Colombia để thi đấu với câu lạc bộ Atletico Nacional trong khuôn khổ giải đấu Copa Sudamerica 2016. Theo thông tin từ báo chí Brazil, thì đa phần các thành viên của đội bóng Chapecoense Real đều có mặt trên chuyến bay xấu số mang số hiệu CP 2933 nói trên.

Nguyên nhân rơi máy bay ban đầu được xác định là do tụt nhiên liệu vào khoảng 22h15 ngày 28/11 theo giờ địa phương. Sáng 29/11, từ khá sớm, rất đông cổ động viên đã có mặt tại sân nhà của đội bóng Chapecoense để cùng nhau theo dõi tin tức và siết chặt tay nhau cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số.

5 - Liên Hợp quốc trừng phạt Triều Tiên

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, tại New York ngày 30/11. (Nguồn: AP/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên, tại New York ngày 30/11. (Nguồn: AP/TTXVN)

Nghị quyết các lệnh trừng phạt mới, do Mỹ dẫn đầu, được tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 30/11, AFP đưa tin.

Nghị quyết kêu gọi Triều Tiên "từ bỏ mọi vũ khí và chương trình hạt nhân hiện có", hạn chế hoạt động xuất khẩu than của Bình Nhưỡng. Triều Tiên bị cấm xuất khẩu nhiều hơn 7,5 triệu tấn than vào năm 2017, giảm 62% so với năm 2015.

Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói nghị quyết dự kiến khiến Triều Tiên mất 700 triệu USD từ xuất khẩu than, từ đó giảm mạnh số tiền Bình Nhưỡng chi cho hạt nhân và vũ khí đạn đạo. Bà Power mô tả động thái trên là "lệnh trừng phạt mạnh nhất mà Hội đồng Bảo an từng áp đặt".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi mọi quốc gia cùng thực hiện nghị quyết. Ông tái khẳng định vẫn theo đuổi "đối thoại chân thành" để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, là một trong số ít thị trường tiêu thụ than từ Bình Nhưỡng. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi tái khẳng định Bắc Kinh "phản đối mạnh mẽ" Bình Nhưỡng thử hạt nhân nhưng cũng chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Nghị quyết còn lên án vụ thử tên lửa ngày 9/9 của Triều Tiên "bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất". Triều Tiên khi đó tuyên bố đã có bước tiến lớn trong nỗ lực thu nhỏ đầu đạn để gắn lên tên lửa có tầm bắn vươn tới Mỹ.

6 - Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng từ chức

Tổng thống Park Geun-hye phát biểu ngày 29.11.2016.
Tổng thống Park Geun-hye phát biểu ngày 29.11.2016.
Tổng thống Park Geun-hye ngày 29.11 tuyên bố để Quốc hội quyết định số phận của mình và sẽ từ chức với thời điểm và thủ tục phù hợp nhằm tránh gây xáo trộn khi chuyển giao quyền lực bất ngờ.
"Tôi sẽ để Quốc hội quyết định về các vấn đề, bao gồm cả việc rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống của mình", bà Park tuyên bố trong bài phát biểu chỉ 5 phút được phát sóng trên truyền hình ngày 29/11.
Tổng thống Park tiếp tục xin lỗi về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, nói rằng cảm thấy đau lòng vì không có khả năng xoa dịu cơn giận dữ và nỗi thất vọng của người dân Hàn Quốc. Bà Park cũng khẳng định sẵn sàng từ chức nhưng không muốn để Hàn Quốc rơi vào trạng thái “vô chính phủ”, theo BBC.
"Nếu đảng cầm quyền và đảng đối lập đưa ra giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất hậu quả trong vấn đề quản lý nhà nước và đảm bảo quá trình chuyển đổi chính phủ không bị xáo trộn, tôi sẽ từ chức phù hợp với lộ trình và thủ tục pháp lý", bà Park nói thêm.

7 - Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ không tái tranh cử

Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tối 1/12 (giờ địa phương), phát biểu trực tiếp từ Điện Elysée, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố ông quyết định không ra ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Tổng thống Pháp Hollande nói:“Quyền lực, thực thi quyền lực, các hành lang quyền lực, các nghi lễ quyền lực đã không bao giờ làm tôi mất quan điểm. Tôi đã phục vụ đất nước với tất cả sự chân thành và vì lợi ích nước Pháp. Và hôm nay, tôi cũng có ý thức về những rủi ro về việc ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi không đủ gắn kết những người ủng hộ tôi. Chính vì thế tôi quyết định không ra tranh cử”.

Thông báo của ông Hollande đã chấm dứt nhiều tuần đồn đoán về việc liệu vị tổng thống đương nhiệm của Pháp có ý định tham gia tái tranh cử hay không. Giới quan sát cho rằng, nếu quyết định tranh cử, khả năng chiến thắng của ông Hollande rất thấp. Thông báo đưa ra ngày 1/12 cũng khiến ông Hollande trở thành tổng thống Pháp đầu tiên kể từ năm 1958 không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới