Sứ mệnh kịch hát

Khi rất nhiều những làn điệu đã cũ, những cách thức và không gian diễn xướng đã không đủ sức lay động nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ, thì lúc đó kịch hát sẽ thực hiện sứ mệnh của mình. Sứ mệnh phản ánh hiện thực qua lăng kính nghệ thuật; chuyên chở những giá trị nghệ thuật qua không gian diễn xướng mới mẻ, giải quyết những mâu thuẫn nhân sinh quan thông qua ngôn ngữ ví, giặm…

____________________________

Người ta không nhớ có bao nhiêu lần vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh “Lời Người lời của nước non” được trình diễn, không nhớ bao nhiêu gương mặt lạ quen đã nước mắt tuôn rơi khi được đắm mình trong không gian vở kịch. Sự thành công không chỉ đến từ kịch bản, sự diễn xuất lần nào cũng như xuất thần của các vai diễn mà còn đến cả từ những câu hát dân ca được vận dụng uyển chuyển trong những màn đối đáp, trong những miêu tả tự sự của nhân vật, xuyên suốt qua câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu.

Lời Người lời của nước non. Ảnh: VOV
Lời Người lời của nước non. Ảnh: VOV

Vở kịch bắt nguồn từ việc hưởng ứng “Cuộc vận động sáng tác Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và được giải đặc biệt của cuộc vận động. Sau này, nó đã làm mưa làm gió ở khắp các Liên hoan sân khấu toàn quốc, và ở Liên hoan nào cũng được vinh danh giải thưởng cao nhất. Vượt ra ngoài cuộc thi, tác phẩm ngay lập tức được mời công chiếu khắp các tỉnh thành, các sân khấu từ trung ương đến địa phương, và nhận được sự đồng cảm yêu mến của khán giả khắp cả nước.

Điều dễ thấy trong các vở kịch hát dân ca có sức lay động tới hàng trăm, hàng ngàn người xem như vở “Lời Người lời của nước non”. Đó chính là cái hay của kịch bản chuyển thể dân ca ví, giặm. Để có được một kịch bản chuyển thể hay, nhất thiết tác giả chuyển thể phải là người cực kỳ am hiểu dân ca Nghệ Tĩnh, có thể ứng biến các làn điệu ngay từ khi nghiên cứu kịch bản thô. Bởi dân ca Nghệ Tĩnh vốn dĩ vừa bâng khuâng sâu lắng, tha thiết trữ tình ở trong các điệu ví, vừa giàu chất tự sự như tự thuật, kể lể, khuyên răn, phân trần giãi bày ở trong các điệu giặm vè, vừa có tính chất khoẻ khoắn, vui nhộn, hài hước trong các điệu hò. Vì thế, ngay từ khi tiếp nhận kịch bản, tác giả chuyển thể đã có thể định hình ngay được điệu tứ hoa sẽ đặt ở đâu, điệu lập lơ, làn khuyên sẽ diễn tả đoạn tự sự nào. Và cao trào sẽ chọn lựa câu từ, ý tứ gì để đặt vào các làn điệu phù hợp.

Nhà biên kịch An Ninh cho rằng: “Một vở kịch hay ngoài câu chuyện hay, có cao trào thì muốn thành công phải có kịch bản chuyển thể hay. Hay ở nhạc và hay ở thơ”. Vì thế, có đến hàng chục vở diễn được nghệ sỹ An Ninh chuyển thể đều được viết lại trên nền dân ca Nghệ Tĩnh có những ứng biến, cao trào ngay từ những câu đối đáp hay miêu tả tâm trạng nhân vật. Và vì thế, giải thưởng cho nhân vật xuất sắc bao giờ cũng gắn với sự thể hiện lay động nhất những trường đoạn dân ca. NS Minh Thành cho biết: “Trong vở thầy và trò đạt HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2016, tuy nhân vật cô bí thư Đoàn trường không có nhiều nội tâm giằng xé đòi hỏi kịch tính cao, nhưng những trường đoạn của tôi đã lấy lòng được ban giám khảo và khán thính giả nên lợi thế của kịch hát dân ca chính là phô diễn được đầy đủ nhất về cảm xúc trong giọng hát”.

Dân ca Nghệ Tĩnh vốn đã được định hình là những đối đáp trong lao động sản xuất, trong tâm tình trao đổi, trong ứng đáp giữa các nho sỹ, trong giao duyên tự tình của trai gái bên sông, không theo khúc thức nào. Nhưng, theo nghiên cứu từ các nhà Nghệ học thì dân ca Nghệ Tĩnh tự thân đã chứa đựng những yếu tố tiền kịch.
Bắt đầu từ các kể vè, đối ca, hoạt ca hoạt cảnh bên hội quán sân đình trong những năm kháng chiến chống Pháp, rồi phát triển mạnh vào thập kỷ 60 với những hoạt cảnh mang tên “Chiếc xe đầu”, “Ngô khoai tranh đấu”, “Thần sấm ngã” chủ yếu dùng lối hò vè. Đến những vở ca kịch đầu tiên như “Chiếc cày ông Tư”, “Nàng dâu mới” cũng chỉ là những vở phôi thai ban đầu, nhưng đã có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân, đánh dấu mốc son trong quá trình chuyển thể từ hát dân ca thuần tuý đến sân khấu kịch hát. “Dân ca Nghệ Tĩnh thuộc loại cấu trúc mở, khúc thức không định hình, giản đơn về cao độ và tiết tấu, nhiều làn hát tự do như là vỉa, sử, nói lệch (ở trong chèo), hoặc như nói lối, bạch, xướng, nam (ở trong tuồng).
Do đặc điểm cấu trúc này mà người hát có thể co giãn một cách linh hoạt khi kết hợp với ngữ khí ngữ điệu, các động tác hình thể để biểu đạt sắc thái tình cảm và tính cách nhân vật. Thế nên, quá trình sân khấu hoá của dân ca có nhiều thuận lợi và đáp ứng tốt tính thời đại” – nhạc sỹ Thanh Lưu cho biết.

Nếu như trước đây các vở diễn thường kể về những câu chuyện chính sử, kể về những nhân vật lịch sử, thì cùng với tính thời đại những vở kịch chính sử được sản xuất đan xen với những vở chính kịch hiện đại. Bởi tuy là kịch hát Nghệ Tĩnh là sản phẩm sinh sau nhưng nó lại được sinh ra trong thời đại mới nên có khả năng phản ánh hiện thực, lại được tiếp thu, kế thừa những tinh hoa của loại hình sân khấu dân tộc nên phát huy được thế mạnh trong phản ánh đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, kịch hát Nghệ Tĩnh được thể hiện đan xen giữa kịch tự sự và kịch Drame (kịch nói), thế nên mỗi sản phẩm đều  đạt được tính tư tưởng, tính thẩm mỹ.

Cứ lặng lẽ toả sáng, lặng lẽ mang hào quang dân ca xứ Nghệ chiếu rọi để rồi chính từ không gian diễn xướng đặc biệt này, chính từ cách thức thể hiện sang trọng mà dễ đi vào lòng người này mà kịch hát luôn có sức sống trường tồn mãnh liệt. Chỉ mới đây thôi khi Trung tâm Bảo tồn dân ca xứ Nghệ mang vở diễn “Trần Thủ Độ” lưu diễn tại nhiều tỉnh thành đã làm nức lòng người xem, nhiều người cho rằng khi sân khấu hoá dân ca Nghệ Tĩnh, người xem hiểu rõ hơn các làn điệu, thẩm thấu sâu sắc hơn cách lẩy ví, giặm của người Nghệ.

“Nhà hát vừa dựng xong vở “Hoa lửa Truông Bồn”  (tác giả Nguyễn Thế Kỷ), và chỉ mới trình diễn có vài buổi nhưng thực sự đã thu hút rất đông khán giả, càng theo dõi người xem càng bị lôi cuốn” – NSND Hồng Lựu cho biết. Cái chất dân ca Nghệ Tĩnh tuy đằm sâu, da diết nhưng khi sân khấu hóa nó bằng ca kịch thì lập tức cho nó thêm những danh phận mới, danh phận của thời khắc, của sự kiện, của nhân vật lịch sử. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà hễ tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc là Đoàn đoạt giải nhất, thậm chí giải xuất sắc.
Đó là “Danh nhân lớn lên từ câu hò điệu ví” – Hội diễn Sân khấu dân ca chuyên nghiệp toàn quốc  – 1998; “Lời Người lời của nước non” (tác giả Vũ Hải) – Giải đặc biệt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2008; “Người thi hành án tử” – HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân năm 2010; “Đường đua trong bóng tối” (tác giả Nguyễn Đăng Chương) – HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp 2013; “Thầy và trò” (tác giả Đăng Chương) – HCV 2016; “Nước mắt đứa con út” – HCV năm 2018.

“Tuy nhiên, không phải kịch bản nào cũng có thể chuyển thể được kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, càng không phải vở nào cũng có thể đi thi, bởi để đi thi được, tác phẩm cần có kịch bản văn học hay, giàu chất tự sự, nhiều nút thắt cần tháo gỡ, nhiều trường đoạn cao trào kịch tính” – NSND Hồng Lựu cho biết. Thế nên nhiều vở nhà hát diễn phục vụ quần chúng rất được ngợi khen nhưng không thể mang đi Liên hoan, ngược lại nhiều vở được diễn trên nhiều sân khấu chuyên nghiệp nhưng lại khó trình chiếu trong quần chúng.

Điều mà chúng ta băn khoăn là làm sao để sự vận động của kịch hát Nghệ Tĩnh có tính lan toả sâu rộng, có thể kéo khán giả đến Nhà hát mỗi đêm? Điều này một lần nữa được nhà nghiên cứu, nhạc sỹ Thanh Lưu cho rằng: “Kịch hát Nghệ Tĩnh cần tiếp nhận những yếu tố sân khấu tự do phóng khoáng nhưng lại phải hài hoà được với dòng nghệ thuật sân khấu dân tộc, thì mới hoàn thành sứ mệnh của mình mà vẫn có chỗ đứng trường tồn trong lòng đương đại”./.