'Sự thịnh vượng của Nghệ An sẽ gắn bó chặt chẽ với Nhật Bản'

(Baonghean.vn) - Đây là nhấn mạnh của Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng tại Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa UBND tỉnh Nghệ An, Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA Việt Nam) và Văn phòng Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội).
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; cố vấn của JICA Việt Nam. Ảnh: Mỹ Nga
TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cố vấn của JICA Việt Nam, thành viên của tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mỹ Nga

Khẳng định Nghệ An là tỉnh có vị thế đặc biệt trong quan hệ với Nhật Bản, TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, Nghệ An là quê hương của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội, người đã thúc đẩy phong trào Đông Du. Nếu như phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu sáng lập ra từ thế kỷ trước, thì thời đại ngày nay, chính những lãnh đạo của tỉnh Nghệ An đang thúc đẩy phong trào đó thành phong trào Đông Du 2.0. 

"Tôi có niềm tin rằng, trong tương lai sự thịnh vượng của Nghệ An sẽ gắn bó chặt chẽ với Nhật Bản. Đó là điều cần thiết để giúp Nghệ An phát triển bền vững" - TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh. 
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, việc thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản được hình thành và thúc đẩy ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, về văn hóa, hai bên có nhiều điểm tương đồng: ý chí, sự dũng cảm, chịu khó vươn lên của người Nghệ An và Nhật Bản. 
Thứ hai, hợp tác với Nhật Bản không chỉ vì công nghệ, nguồn tài chính hỗ trợ, mà hợp tác còn dựa trên những phẩm chất tốt đẹp, quý giá của người Nhật, đặc biệt là phương thức làm việc. Đối với người Nhật, trong kinh doanh, họ luôn nghĩ cho lợi ích của đối tác. “Tôi có lợi, thì đối tác của tôi cũng có lợi” trở thành triết lý kinh doanh để luôn bảo đảm sự thành công của cả hai bên.
Đây chính là sự tử tế của doanh nghiệp Nhật Bản. Ở họ, luôn trung thực, cẩn thận. Qua khảo sát, tất cả các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam khi được cấp phép hoạt động đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, không có tình trạng xả rác thải.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cùng đại diện JICA Việt Nam và JETRO Hà Nội ký kết biên bản hợp tác, ngày 5/9. Ảnh tư liệu: Mỹ Nga
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cùng đại diện JICA Việt Nam và JETRO Hà Nội ký kết biên bản hợp tác, ngày 5/9. Ảnh tư liệu: Mỹ Nga
Với những nền tảng đó, TS Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá cao hướng đi đúng đắn của Nghệ An trong mở rộng hợp tác quan hệ với Nhật Bản. Thêm vào đó, việc mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Nghệ An và Nhật Bản, như lời đề nghị của Tetsuo Konaka - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, sẽ là hướng đi mang tính hiệu quả rất lớn.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, các địa phương của Nhật Bản có quyền tự quản rất cao, và đây được xem như nền móng để đặt ra mối hợp tác lâu dài, ổn định. 

Tính đến nay, Nhật Bản đã tài trợ cho Nghệ An 44 chương trình, dự án viện trợ ODA, với tổng số vốn hơn 5.000 tỷ đồng (tương đương 217,5 triệu USD.

Về đầu tư FDI, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 dự án đầu tư Nhật Bản với tổng số vốn là 92  triệu USD. Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng lớn công dân đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với khoảng 3.000 - 4.000 lao động/năm.  Hiện có 10.898 người lao động Nghệ An tại Nhật Bản, chiếm 3,43% tổng số lao động Việt Nam làm việc ở Nhật Bản.

Tin mới