Sự việc đáng tiếc xảy ra ở Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam

(Baonghean.vn) - Gần 180 lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đã đình công vì Công ty thưởng Tết không công bằng. Đây là sự việc đáng tiếc khi đơn vị này đang gấp rút hoàn thành khối lượng công việc theo đơn hàng của đối tác.
180 lái xe của Công ty cổ phần xi măng đình công bằng cách nghỉ việc vì cho rằng thưởng tết thấp hơn bộ phận khác. Ảnh Nguyễn Lam
180 lái xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đình công bằng cách nghỉ việc từ chiều ngày 04/2/2021 vì cho rằng thưởng Tết thấp hơn bộ phận khác. Ảnh: Nguyễn Lam

Chiều ngày 04/2/2021, gần 180 lái xe hạng nặng (FC) của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đã đồng loạt nghỉ việc để phản đối vì số tiền thưởng Tết thấp hơn các bộ phận khác.

Lý do những lái xe này đưa ra là Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam chỉ thưởng Tết theo ngày công làm việc ở mức 250 nghìn đồng/người/ngày. Nếu lái xe nào làm đủ 30 ngày/tháng (12 tiếng/ngày) sẽ được nhận 7,5 triệu đồng. Không ít lái xe do sức khỏe, do phương tiện bị hỏng hóc… không đủ ngày công, số tiền thưởng sẽ thấp hơn. Trong khi đó, công nhân lao động ở các bộ phận khác của nhà máy có mức thưởng cao hơn.

Nói về sự việc đáng tiếc này, ông Vũ Văn Lai - Giám đốc điều hành đội xe của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, cho biết: Việc chi trả tiền thưởng thế nào là thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Tổng Giám đốc Công ty. Và việc lãnh đạo Công ty áp dụng chế độ tiền thưởng như thế là đúng vì các lái xe đã nhận lương khoán hàng ngày.

Còn ông Hoàng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam khẳng định: Việc các lái xe tổ chức đình công như vậy đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất của đơn vị. Trong những ngày qua, Công ty đã phải thuê đội xe khác của các doanh nghiệp vận tải để đảm bảo vận Clinker từ Bài Sơn (Đô Lương) về Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết (Nghi Lộc). Điều đáng nói là các lái xe tự ý đình công như vậy là chưa đúng với tinh thần pháp luật. Vì đơn vị có tổ chức Công đoàn và các lái xe chưa thông qua tổ chức này, cũng như không thông báo trước sự việc cho lãnh đạo Công ty.

Các bộ phận khác của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam hoạt động bình thường và hài lòng với mức thưởng Tết. Trong ảnh: Hoạt động ở phòng điều hành Nhà máy Xi măng Đô Lương. Ảnh: NN
Các bộ phận khác của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam hoạt động bình thường và hài lòng với mức thưởng Tết. Trong ảnh: Hoạt động ở phòng điều hành Nhà máy Xi măng Đô Lương. Ảnh: NN

Cũng theo ông Hoàng Minh Tuấn, việc các lái xe đình công để phản đối thưởng Tết là đáng tiếc, vì đây không phải là nội dung mà người lao động được tổ chức đình công theo Luật Lao động 2019. Trong khi đó, hàng tháng, Công ty giải quyết rất kịp thời các chế độ lương thưởng, bảo hiểm xã hội cho đội ngũ này.

“Thưởng Tết của các đơn vị, doanh nghiệp thường xét theo từng vị trí công việc khác nhau. Đợt thưởng Tết năm nay, hơn 5.000 lao động của Tập đoàn The Vissai, trong đó có hơn 1.500 lao động ở Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam Nghệ An có mức thưởng khác nhau. Thế nhưng chỉ có bộ phận lái xe phản đối và có hành động như trên” - ông Hoàng Minh Tuấn -  Phó Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam.
Trao đổi về lĩnh vực này, ông Nguyễn Ngọc Oánh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam cho biết: Sự việc các lái xe đình công không đi làm nếu đối chiếu với Luật Lao động là chưa đúng. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều công nhân đã có ý muốn đi làm trở lại, nhưng có một số đối tượng ngăn cản, dọa đánh. Đơn vị đang phối hợp với công an và các ngành chức năng để giải quyết, xử lý sự việc theo đúng pháp luật.
Theo Luật Lao động 2019, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo. Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật Lao động năm 2019 để đình công trong trường hợp sau:

- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.

- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Trình tự đình công được thực hiện theo ba bước: lấy ý kiến về đình công; ra quyết định đình công và thông báo đình công; tiến hành đình công. Cụ thể như sau:

Lấy ý kiến về đình công

Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.

Nội dung lấy ý kiến bao gồm: Đồng ý hay không đồng ý đình công; phương án của tổ chức đại diện người lao động về thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, phạm vi tiến hành đình công, yêu cầu của người lao động.

Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.

Như vậy, ngoài hình thức lấy ý kiến bằng phiếu hoặc chữ ký, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung quy định mới là "cho phép việc lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức khác". Với quy định này sẽ giúp việc lấy ý kiến được diễn ra thuận lợi, tùy vào hoàn cảnh, tình hình thực tế mà chọn hình thức lấy ý kiến cho phù hợp.

Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất một ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.

Quyết định đình công

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công, tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây: Kết quả lấy ý kiến đình công; thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; phạm vi tiến hành đình công; yêu cầu của người lao động; họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Thông báo thời điểm bắt đầu đình công và đình công

Ít nhất là 5 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Lưu ý, căn cứ điều 209 Bộ luật Lao động năm 2019, không được đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người. Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công.

Tin mới