Sức bật mới ở xã biên giới Thanh Thủy

(Baonghean) - Dù là xã biên giới, xa trung tâm huyện, điều kiện tự nhiên và xã hội có những khó khăn, nhưng nhờ xác định rõ hướng đi, cộng với sự quyết liệt, quyết tâm trong hành động, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã Thanh Thủy đã gặt hái được nhiều kết quả, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển trong giai đoạn mới.

Vùng biên đổi mới

Nhìn lại chặng đường đã qua, với kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, đề án của Đảng các cấp, Đảng bộ và nhân dân Thanh Thủy tự hào về thành quả mà mình đã đồng lòng, góp sức tạo nên, đưa xã biên giới có một sức sống mới.

Lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy giao ban rà sát công vệc trọng tâm. Ảnh: Minh Chi
Lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy giao ban, rà sát công vệc trọng tâm. Ảnh: Minh Chi

Đồng chí Phan Duy Trinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy (Thanh Chương) chia sẻ: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng được cấp ủy, chính quyền tập trung là đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm vừa nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Về sản xuất nông nghiệp ngoài đầu tư thâm canh lúa và hoa màu thì cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương. Bởi thế, bên cạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất thì địa phương cũng khuyến kích nhân dân mở rộng diện tích chè trồng mới hơn 75 ha; nâng tổng diện tích chè hiện có lên hơn 530 ha.

Cùng với cây chè, ở Thanh Thủy cây sắn nguyên liệu và cây nguyên liệu giấy cũng được duy trì và mở rộng diện tích, với tổng 85 ha sắn và hơn 1.800 ha rừng nguyên liệu (hàng năm trồng mới khoảng 150 ha). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Thủy cũng đã quyết liệt triển khai đề án “Phát triển một số cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm” của huyện. 

Cây chè là cây trồng chủ lực mang lại giá trj kinh tế ở Thanh Thủy. Ảnh: M.H
Cây chè là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế ổn định ở xã Thanh Thủy. Ảnh: M.H

Kết quả đã hình thành được vùng trồng cây ăn quả gồm cam, bưởi, mít thái, ổi, vải; trong đó riêng cam V2 đã có hơn 28 ha. Gắn với cây trồng, Thanh Thủy cũng tập trung triển khai đề án với con nuôi chủ lực là trâu bò; lợn và gà; góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp của địa phương đạt gần 39%.

Hiện nay, xã biên giới thuần nông cũng đã có những bước phát triển mới về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Điển hình một số sản phẩm có bước tăng trưởng khá như sản phẩm gạch không nung đạt với 450 nghìn viên/năm; chế biến chè búp khô đạt gần 1.500 tấn. Đảng bộ và Nhân dân Thanh Thủy cũng đã chủ động khai thác tốt lợi thế đường Hồ Chí Minh và đường nối đường Hồ Chí Minh về quê Bác - Nam Đàn đi qua địa bàn để phát triển các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ với tổng 210 hộ tham gia.

Xã xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề. Theo đó, từ cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, tăng cường tuyên truyền, vận động gắn với giải thích để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng chung tay đóng góp tiền của, hiến đất đai, tài sản để thực hiện các tiêu chí NTM.

Một số công trình trọng điểm được triển khai trong nhiệm kỳ, trong đó có hệ thống giao thông. Ảnh: Minh Chi
Một số công trình trọng điểm được triển khai trong nhiệm kỳ, trong đó có hệ thống giao thông. Ảnh: Minh Chi

Kết quả trong nhiệm kỳ đã hoàn thành thêm 4 tiêu chí, nâng tổng tiêu chí đạt lên 15/19 tiêu chí và các tiêu chí còn lại cũng được nâng cao thêm các nội dung. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 4 tỷ đồng.

Kết quả xây dựng NTM ở Thanh Thủy không chỉ làm thay đổi diện mạo của xã biên giới mà còn khẳng định sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh biên giới, an ninh nông thôn và xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng chí Phan Duy Trinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy

Hiện tại, xã có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia và trường THCS phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2020 này. Phong trào văn hóa, thể dục - thể thao tại Thanh Thủy rất phát triển. Xã quan tâm tuyên truyền gắn với đảm bảo các điều kiện về nâng cấp nhà văn hóa và các sân vận động ở xã và các thôn. Công tác giảm nghèo được chăm lo với nhiều giải pháp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 12,5% (năm 2015) giảm còn 4,28% (năm 2019) và dự kiến năm 2020 giảm tỷ lệ còn 2,2%...

Cơ sở vật chất trường học ở xã Thanh Thủy tiếp tục được đầu tư nâng cấp trong nhiệm kỳ. Ảnh: M.H
Cơ sở vật chất trường học ở xã Thanh Thủy tiếp tục được đầu tư nâng cấp trong nhiệm kỳ. Ảnh: M.H

Nỗ lực cho nhiệm kỳ mới

Yếu tố để đảm bảo tạo ra những thay đổi sau 5 năm ở Thanh Thủy được đồng chí Nguyễn Văn Dần - Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh, trước hết là cấp ủy, chính quyền đã bám sát các chủ trương, nghị quyết, đề án của cấp trên để ban hành các nghị quyết, kế hoạch,chương trình hành động sát đúng, kịp thời; phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo tập trung, dứt điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, gia đình đảng viên.

Cùng với đó là làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là nhận thức về sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, hội nhập; đặc biệt là ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận trong việc tạo ra sự phát triển của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của xã hội và của huyện. Gắn với đó, cấp ủy, chính quyền luôn chủ động nắm bắt thông tin, đi sâu, đi sát cơ sở để kịp thời phát hiện và khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như giải quyết các vướng mắc, bức xúc phát sinh trong nhân dân.

Lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy rà sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Minh Chi
Lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy rà sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: Minh Chi

Chia sẻ về những định hướng trong 5 năm tới, đồng chí Phan Duy Trinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Bước vào nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, bên cạnh những khó khăn, thách thức đặt ra thì xã biên giới Thanh Thủy cũng đang có những cơ hội mới để chủ động đi tắt, đón đầu nhằm tạo ra sự phát triển cao hơn.

Đáng quan tâm là tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Pạc Xan - Thanh Thủy - Hà Nội sẽ được triển khai trong thời gian tới mà cửa khẩu Thanh Thủy được làm điểm qua và đi qua địa bàn Nghệ An 65 km. Bởi vậy, tư duy và định hướng mang tính chiến lược của Đảng ủy, Đảng bộ xã Thanh Thủy cho giai đoạn 5 năm tới là phấn đấu xây dựng Thanh Thủy trở thành trung tâm phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ của huyện vào năm 2023, tạo cơ sở đến năm 2025 cơ bản trở thành một xã phát triển mạnh trong huyện.

Phát triển nông nghiệp tính đến các giải pháp mang tính bền vững, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất bằng việc quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lấy nhu cầu của thị trường để chỉ đạo nhằm giảm thiểu tình trạng được mùa - mất giá, được giá - mất mùa; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, nhất là trong khâu chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó là tập trung đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM, phấn đấu về đích vào năm 2024. Xây dựng cả hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương đặt ra trong suốt cả nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền đã tậo trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển cam V2 với hơn 28 ha (Trong ảnh: Lãnh đạo xã kiểm tra hiệu quả cây cam tên đồng đất Thanh Thủy). Ảnh: Minh Chi
Trong nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cam V2 với hơn 28 ha . Trong ảnh: Lãnh đạo xã kiểm tra diện tích cam trên địa bàn. Ảnh: Minh Chi

Với một tư duy, định hướng đúng và cách làm chủ động, sáng tạo, quyết liệt của Đảng ủy, Đảng bộ, chính quyền và huy động sức mạnh đoàn kết, đồng thuận, chung tay của nhân dân trong nhiệm kỳ mới, chắc chắn Thanh Thủy sẽ sớm trở thành một điểm sáng mới của khu vực biên giới Việt Lào.

Tin mới