Sức hút đặc biệt của Thành phố Vinh với các nhà đầu tư

(Baonghean) - Đô thị loại 1 Vinh có vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển luôn thể hiện sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; hiện đang hướng mạnh mục tiêu trung tâm vùng Bắc Trung bộ và phấn đấu là một trong những thành phố đáng sống nhất của cả nước.
Từ quá khứ đến hiện tại, Vinh luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Nghệ An và của vùng Bắc Trung bộ. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh có diện tích rộng lớn, có thế núi, dáng sông, giao thông hết sức thuận lợi, nằm trên tuyến giao lưu Bắc - Nam và Đông Tây, cách Thủ đô Hà Nội 295 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.424 km về phía Nam, cách Thủ đô Viêng Chăn (Lào) 456 km về phía Tây.
Vinh là đầu mối giao thông quốc gia về đường sắt, đường bộ, đường hàng không; là trung tâm phân phối, luân chuyển hàng hóa và cung ứng các dịch vụ về thương mại, tài chính, du lịch… đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung. Vinh cũng được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. 
Hạ tầng giao thông của Thành phố Vinh đã có những phát triển nhanh và đồng bộ trong thời gian qua. Ảnh: L.T -  Tư liệu
Hạ tầng giao thông của thành phố Vinh đã có những phát triển nhanh và đồng bộ trong thời gian qua. Ảnh tư liệu L.T

Dấu mốc quan trọng nhất đó là ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26, trong đó giao nhiệm vụ Nghệ An xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ vào năm 2020 trên các mặt tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với TX. Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, ngày 29/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2468 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng thành phố Vinh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An; trung tâm vùng Bắc Trung bộ”.
Đây là yếu tố hết sức quan trọng mở ra cơ hội thay đổi tầm nhìn, vai trò, vị thế của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An, đồng thời tạo ra động lực phát triển mới cho thành phố Vinh là đô thị trung tâm, thủ phủ vùng Bắc Trung bộ.
Thành phố Vinh được hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ . Ảnh: Thành Cường
Thành phố Vinh được hướng đến trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ . Ảnh: Thành Cường

Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52 chấp thuận đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với phạm vi rộng tới 250 km2.

Phạm vi điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ diện tích của TP. Vinh hiện tại và TX. Cửa Lò, một phần của huyện Nghi Lộc và của huyện Hưng Nguyên. Thành phố Vinh sẽ được giới hạn phía Bắc đến đường Nam Cấm và sát Biển Đông, phía Nam đến sông Lam và đường tránh thành phố Vinh, phía Tây đến xã Nam Giang (Nam Đàn) và sông Kẻ Gai, phía Đông giáp sông Lam đến Cửa Hội và Biển Đông.

Thành phố Vinh cũng được chia thành 4 phân vùng, trong đó có 3 phân vùng phát triển đô thị và 1 phân vùng là khu vực liên kết. Trên cơ sở quy hoạch, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND thành phố Vinh triển khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các phường, xã trên địa bàn nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung. 
Thành phố Vinh . Ảnh: Lâm Tùng
Thành phố Vinh có sự phát triển kinh tế khá. Ảnh: Lâm Tùng

Về kinh tế, hiện nay thành phố Vinh đóng góp khoảng 33,52% ngân sách của tỉnh Nghệ An; thu nội địa năm 2018 đạt 2.426,3 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hết tháng 7/2019, thành phố có 6.173 doanh nghiệp và 22.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Kinh tế tăng trưởng khá, dự ước đạt 9,12%/KH là 9 - 10%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 15.965 tỷ đồng, đạt 100,1%KH. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt gần 85 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách thành phố quản lý đạt 2.330 tỷ đồng, đạt 111% dự toán tỉnh giao. Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 69,5 tỷ đồng/55 - 60 tỷ đồng so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,41%.
Việc công bố quy hoạch Đại lộ Vinh - Cửa Lò theo Quyết định số 3228/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An là một điểm nhấn quan trọng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư hiện nay. Quy hoạch này bao gồm một phần diện tích đất tại các xã Nghi Phú, Nghi Đức, Nghi Ân (TP. Vinh); các xã Nghi Phong, Nghi Xuân, Nghi Thạch (Nghi Lộc) và các phường Nghi Hòa, Nghi Hương (TX. Cửa Lò).
Phối cảnh một phân khu thuộc quy hoạch Đại lộ Vinh - Cửa Lò.
Phối cảnh một phân khu thuộc quy hoạch Đại lộ Vinh - Cửa Lò.

Tổng diện tích khu vực lập quy hoạch 1.752,0 ha; quy mô dân số khoảng 46.023 người. Tổng chiều dài đại lộ này là 11,2 km (điểm đầu tại Đại lộ Lê Nin - TP. Vinh, điểm cuối giao với trục đường Bình Minh - TX. Cửa Lò). Chiều rộng quy hoạch tính từ tim đại lộ ra 2 phía, mỗi bên rộng khoảng 680m và mở rộng thêm tại các phường Nghi Hòa, Nghi Hương của TX. Cửa Lò và xã Nghi Thạch của huyện Nghi Lộc. Đây là trục trục hành lang Đông - Tây lớn nhất của thành phố Vinh và nối với TX. Cửa Lò.

Đại lộ trong tương lai quy hoạch các cơ quan hành chính của thành phố Vinh, của tỉnh và các công trình, dự án quan trọng. Với ý nghĩa quan trọng của tuyến này như vậy, tỉnh Nghệ An yêu cầu thành phố Vinh quản lý chặt quy hoạch và “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn các nhà đầu tư có dự án lớn, quan trọng vào dọc hai bên đại lộ. 
Quy hoạch toàn tuyến Đại lộ Vinh - Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu
Quy hoạch toàn tuyến Đại lộ  Vinh - Cửa Lò. Ảnh: Trân Châu

Không chỉ Đại lộ Vinh - Cửa Lò đang gấp rút xây dựng, thành phố Vinh đang mở mang thêm nhiều tuyến đường mới, đầu tư hạ tầng bài bản tạo quỹ đất mới để thu hút các nhà đầu tư. Đường 35m nối đường ven sông Lam, đường Lê Mao kéo dài, Quốc lộ 46B đi qua địa bàn, các dự án nâng cấp, mở rộng Sân bay Vinh, Bến xe Bắc Vinh, Bến xe Nam Vinh, Tiểu Dự án phát triển đô thị Vinh đã và đang triển khai tích cực tạo đòn bẩy động lực mạnh mẽ cho đô thị Vinh. 

Trong thực tế hiện nay, thành phố Vinh đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư khi tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Nghệ An, nhất là các nhà đầu tư về bất động sản, KHCN, công nghệ thông tin.
hành Vinh về đêm đẹp lung linh và hiện đại, đầy sức sống. Ảnh: Devi Nguyễn
Thành Vinh về đêm đẹp lung linh và hiện đại. Ảnh: Devi Nguyễn

Dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, nguồn nhân lực tiềm năng từ các trường đại học trên địa bàn cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư; trên địa bàn thành phố có 6 trường đại học (trong đó Trường Đại học Vinh là trường trọng điểm Quốc gia); có 13 trường cao đẳng và nhiều phân hiệu, cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề với quy mô đào tạo hàng năm trên 90.000 sinh viên. 

Trường Đại học Vinh là trường trọng điểm Quốc gia. Ảnh: Sách Nguyễn.
Trường Đại học Vinh là trường trọng điểm Quốc gia. Ảnh: Sách Nguyễn.

Thành phố Vinh là thành phố động lực của tỉnh, để thành phố phát triển theo hướng đô thị thông minh, đáng sống, là trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trước hết thành phố phải là trung tâm thu hút người tài, doanh nghiệp mạnh để làm động lực cho phát triển; có giải pháp xây dựng chất lượng con người thành phố, từ đội ngũ cán bộ, công chức đến từng người dân cùng chung tay xây dựng thành phố làm sao để Vinh phải là nơi cung ứng dịch vụ tốt, là thành phố “đáng sống”.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH  tỉnh

Tin mới