“Sức mạnh mềm” của Việt Nam qua Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Việt Nam hoàn thành trọng trách dù chỉ có khoảng 10 ngày chuẩn bị. Hà Nội thân thiện, hòa bình ấn tượng với bạn bè quốc tế dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Trong hai ngày qua, Hà Nội – Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, là “điểm nóng” truyền thông khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vượt qua hàng nghìn kilomet đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần thứ hai (diễn ra từ 27-28/2).

Với Việt Nam, sự kiện này không còn là “chuyện của người ta”, bởi những nỗ lực đóng góp của nước chủ nhà cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều không chỉ mang ý nghĩa về đối ngoại chính trị đơn thuần, mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người và niềm năng của Việt Nam.

“Sức mạnh mềm” của Việt Nam qua Thượng đỉnh Mỹ - Triều ảnh 1
Người dân Hà Nội đứng bên đường vẫy cờ chào mừng Thượng đỉnh Mỹ Triều.

Con số khoảng 2.600 phóng viên quốc tế có mặt tại Việt Nam để đưa tin về sự kiện vô cùng quan trọng này đồng nghĩa với việc hai chữ “Hà Nội”, “Việt Nam” liên tục xuất hiện trong các bản tin, bài viết, hình ảnh trên các hãng thông tấn lớn, nổi tiếng trên thế giới. Và chắc hẳn, mỗi phóng viên cũng như quan khách khi đến đây đều có sự tìm hiểu về đất nước Việt Nam như một phần không thể thiếu trong khâu chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ. Giá trị từ quảng bá hình ảnh Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là vô cùng lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - một nhân vật nổi tiếng không chỉ vì lãnh đạo quốc gia siêu cường, mà trên mạng xã hội, những “tweet” của ông luôn “hot” khi lượng người theo dõi rất “khủng”, trong đó có không ít phóng viên báo chí bám sát để đưa tin. Trong hai ngày dự Thượng đỉnh, thông điệp mà người đứng đầu Nhà Trắng truyền đi luôn chất chứa một sự yêu mến dành cho Hà Nội - Việt Nam.

“Vừa đặt chân đến Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Đám đông thật hoành tráng, và thật nhiều yêu thương", ông Trump viết trên tài khoản Twitter của cá nhân mình khi từ sân bay Nội Bài về khách sạn. Và chỉ hơn nửa tiếng sau, tweet này nhận được hơn 5.000 trả lời, hơn 5.000 lượt tweet lại và gần 30.000 "tim" yêu thích. Đúng một ngày sau, Hà Nội – Việt Nam lại tiếp tục được ông tweet khi nói về "cuộc gặp và bữa tối tuyệt vời với Kim Jong Un”.

Những điều trên có ý nghĩa rất lớn nếu xét ở góc độ kinh tế - du lịch, song chưa phải là quan trọng nhất. Hà Nội - Việt Nam sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ được nhắc đến với giá trị cao hơn nhiều. “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” đón lãnh đạo hai nước đối đầu cùng đến để thương thảo. Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước, sẽ mang ý nghĩa quan trọng trong cải thiện quan hệ hai nước cũng như cho sự hòa bình khu vực và trên thế giới.

Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác của Việt Nam như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng chắn chắn được nhắc đến với ấn tượng của sự thân thiện, mến khách, an toàn. Một Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, giờ đây cho bạn bè quốc tế cảm nhận “thật nhiều yêu thương” như dòng tweet của Tổng thống Donald Trump - người đứng đầu quốc gia từ cựu thù trở thành Đối tác toàn diện.

Hà Nội sẽ là cái tên thân thương với các bạn Triều Tiên khi Chủ tịch Kim Jong-un trải qua hàng nghìn kilomet đến Việt Nam - quốc gia có quan hệ truyền thống và đang tiếp tục được tăng cường, trên chuyến tàu mang hy vọng hòa bình, thịnh vượng. Tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói rất cảm ơn Việt Nam đã tổ chức đón tiếp chu đáo, nồng hậu và tỏ ra xúc động khi bước ra khỏi tàu thấy xung quanh là cờ hoa với hàng trăm người vẫy tay chào. Ông Kim Jong-un đã hạ cửa kính ô tô vẫy tay chào người dân bên đường.

“Sức mạnh mềm” của Việt Nam qua Thượng đỉnh Mỹ - Triều ảnh 2
Hà Nội sẽ được nhớ đến không chỉ là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai mà còn thực sự là "Thành phố vì hòa bình".

Việc Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên lần thứ hai là một minh chứng rõ nét cho thấy vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Sự kiện này góp phần hiện thực hóa phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã được Đảng ta triển khai từ Đại hội Đảng XI (2011).

Với sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao từ các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách của mình, dù chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị từ công tác hậu cần, viễn thông, giao thông, an ninh và nghi lễ giữa các bên... Nhiều phóng viên quốc tế đánh giá công tác chuẩn bị của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trên thế giới và rất chuyên nghiệp. Cảm ơn Việt Nam vì sự hiếu khách chính là điều mà ông Trump đã nói trong cuộc họp báo, trước khi trở về Mỹ.

Khi luôn là thành viên có trách nhiệm, tận tâm, tận lực với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều vấn đề quốc tế, hội nghị quốc tế lớn của khu vực và toàn cầu trong tương lai. Hà Nội – Việt Nam sẽ được nhớ tới với giá trị như thế. Điều đó nhân lên “sức mạnh mềm” Việt Nam!

Tin mới