Sức trẻ trên những con đường Miền Tây

(Baonghean) - Bây giờ về các bản Mông ở xã Tri Lễ (Quế Phong), sẽ không còn phải cuốc bộ trên lối mòn độc đạo cheo leo bên sườn núi như trước nữa. Người bản cũng như khách xa đã được đi lại trên các con đường dẫu chưa khang trang nhưng xe máy đã có thể phóng vào tận trung tâm bản. Đó là những con đường mang dấu ấn màu áo xanh của tuổi trẻ miền rẻo cao này...
Nhắc đến xã vùng cao dưới chân đỉnh Pha Cà Tún này, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến những đồi mía, vườn chanh leo xanh tốt, các lũng ruộng lúa nước thơ mộng với phiên chợ Tri Lễ không kém bản sắc độc đáo. Nhưng còn đó một Tri Lễ của những bản đồng bào dân tộc Mông như Huồi Mới, Huồi Xái, Mường Lống... gợi xa xôi, chia cách. 
Đoàn viên, thanh niên huyện Quế Phong và xã Tri Lễ mở đường giúp dân.
Đoàn viên, thanh niên huyện Quế Phong và xã Tri Lễ mở đường giúp dân.
Sáng sớm, từ khắp nẻo đường, thanh niên các bản nô nức mang theo cuốc, xẻng... sẵn sàng cho chiến dịch mở đường. Anh Lô Văn Thuận, Bí thư Đoàn xã Tri Lễ cho biết: “Điểm nhấn của chiến dịch lần này chính là con đường đất độc đạo nối từ bản Kẽm Ải và bản Huồi Mới 1 dài hơn 5 km đường rừng. Lực lượng lao động chính có hơn 400 đoàn viên, thanh niên của 27 bản vùng ngoài của xã Tri Lễ về tham gia”. 
Thanh niên xã Tri Lễ (Quế Phong) làm đường  vào bản Huồi Mới 1.
Thanh niên xã Tri Lễ (Quế Phong) làm đường vào bản Huồi Mới 1.
Khuôn mặt chưa ráo mồ hôi, anh Hà Văn Thoại, Bí thư Chi đoàn bản Noọng 2, xã Tri Lễ cho biết: “Chi đoàn mình có 13 đoàn viên tham gia chiến dịch lần này. Đang vào vụ thu hoạch lúa, nhưng khi nghe triển khai làm đường, mọi người đều nhiệt tình tham gia. Mùa mưa đến rồi, nếu không đào đắp, tu sửa kịp thời thì bà con người Mông ở các bản vùng trong muốn ra trung tâm xã để buôn bán, mua sắm rất khó khăn”.
Nữ đoàn viên Lỳ Y Chớ, 18 tuổi, dân tộc Mông ở bản D1, Khu kinh tế mới Minh Châu cho biết: “Em muốn góp một phần công sức để làm đường, giúp cho bà con các bản Mông vùng sâu có điều kiện đi lại dễ hơn; có ông bà, nhiều người thân của gia đình em vẫn còn ở trong bản Huồi Mới 1 mà!...”.
Trong “đoàn quân” trẻ ấy, còn có nhiều đàn ông, phụ nữ trung niên cùng tham gia làm đường. Ông Hà Văn Tiến, dân tộc Thái ở bản Chiềng, xã Tri Lễ là một trong số đó.  Ông Tiến nói: “Hôm nay, đúng ra là con trai ta tham gia làm đường nhưng nó bận việc. Thấy chuyện làm đường có ý nghĩa với cuộc sống của bà con người Mông mấy bản vùng trong, nên ta tự thấy phải có trách nhiệm đi thay con trai. Mình góp một ít công sức nhưng bà con, các thầy giáo cắm bản trong đó lại vơi bớt đi phần nào khó khăn”.
Vợ chồng anh Và Bá Dinh, bản Huồi Mới 1 cùng vợ đi xe máy đi chợ Tri Lễ về. Thấy không khí tu sửa tuyến đường sôi nổi, anh dừng lại phấn khởi: “Bản Mông ta từ trước tới nay muốn buôn bán gì cũng phải gùi, gánh trên lưng, đi bộ đường rừng. Hai năm lại đây, có con đường của thanh niên mở mới đi được xe máy thuận tiện, không vất vả như xưa. Giờ đi ra xã làm giấy tờ, đi chợ chỉ trong buổi sáng, không còn mất cả ngày đi đường như trước đây”. 
Anh Mạc Văn Tuất, Phó Bí thư Huyện đoàn Quế Phong trải lòng: đồng bào người Mông là những người lao động rất chăm chỉ, mỗi gia đình đều có nương rẫy và hàng chục con trâu, bò. Ấy nhưng cuộc sống vẫn cứ khó khăn do không đường, không điện. Vậy nên, thanh niên Quế Phong quyết tâm đồng hành, giúp đồng bào trước mắt là làm đường đủ để xe máy có thể đến được tất cả các bản.
“Đây là chiến dịch ra quân đợt 2. Cách đây mấy hôm, chúng tôi đã huy động đoàn viên và phối hợp nhân dân 6 bản Mông vùng sâu triển khai đợt 1, làm con đường dài 15 km nối từ bản Huồi Mới 1 đi bản Mường Lống. Trong đó, sửa chữa, đào đắp, mở rộng 6km; mở mới được 5 km đường và làm mới 3 chiếc cầu gỗ qua khe. Tuyến đường này kết nối với tuyến Kẽm Ải - Huồi Mới 1 tạo điều kiện cho nhân dân các bản Mông đi lại được bằng xe máy thuận lợi hơn. Hy vọng, đời sống của bà con người Mông nhờ thế cũng được nâng lên” - anh Tuất tâm sự.
Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, Nậm Tột, Huối Xái 1, Huồi Xái 2, Mường Lống... những bản của đồng bào dân tộc Mông lâu nay cách trở trên cheo leo núi xa, nay đã được gần lại nhờ những con đường mang dấu ấn “áo xanh” như thế. Sức trẻ và sự cống hiến của đoàn viên thanh niên rẻo cao đã góp phần làm sâu sắc hơn tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cộng đồng các dân tộc trên miền biên cương Quế Phong.
Nhật Lệ

Tin mới