Sưu tầm, biên dịch về thư tịch cổ Hán Nôm về huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Việc nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch tư liệu Hán Nôm về huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò cung cấp nguồn tư liệu giá trị, quý hiếm cho việc biên soạn địa chí, lịch sử; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tư liệu địa phương.

Sáng 30/12, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo công bố kết quả khoa học nhiệm vụ: Khảo sát, sưu tầm, biên dịch thư tịch cổ Hán Nôm trên địa bàn huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò.

a

Đồng chí Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo. Cùng dự có lãnh đạo huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò. Ảnh: Lê Thanh

Huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò là hai địa phương thuộc khu vực đồng bằng ven biển của tỉnh Nghệ An, có nhiều trầm tích lịch sử, nhiều danh nhân lịch sử, mang đậm đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ và đất nước.

Với vị trí chiến lược quan trọng của vùng đất Nghệ An qua các thời kỳ lịch sử, nhiều triều đại phong kiến ghi chép, mô tả, nhận định và khảo luận đầy đủ, chi tiết trong nhiều bộ chính sử, phương sử, cũng như dư địa chí của nhiều học giả nổi tiếng trong và ngoài nước.

Chính vì vậy nơi đây cũng từng để lại một di sản văn hóa thành văn Hán Nôm vô cùng đồ sộ và phong phú, song vì nhiều lẽ, nhất là do hậu quả của chiến tranh qua các thời kỳ và thiên tai khắc nghiệt đã làm hư hại và mất mát khá nhiều. Vì vậy, những tư liệu Hán Nôm trên địa bàn hiện còn là di sản văn hóa cần được thu thập, bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ mới.

Nguyễn Mạnh Cường báo cáo kết quả
Ông Trần Mạnh Cường - Nghiên cứu viên Phòng Lịch sử - văn hóa
Trung tâm KHXH&NV, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu. Ảnh: Lê Thanh

Tư liệu Hán Nôm trên địa bàn là di sản vô cùng quý giá. Nội dung tư liệu hết sức phong phú, đa dạng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong các thế kỷ trước; cung cấp những thông tin giá trị về chính trị, kinh tế, hành chính, pháp luật, tôn giáo, y học.…; giúp cho các nhà sử học, xã hội học, dân tộc học… có thêm tư liệu quý để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa - xã hội của địa phương trong quá khứ.

Việc nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch tư liệu Hán Nôm về huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò sẽ cung cấp nguồn tư liệu giá trị, quý hiếm cho việc biên soạn địa chí, lịch sử; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị tư liệu địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của hai địa phương nói riêng và Nghệ An nói chung.

Tư liệu Hán Nôm ở Cửa Lò và Nghi Lộc được các tác giả sưu tầm. Ảnh TL
Tư liệu Hán Nôm ở Cửa Lò và Nghi Lộc được các tác giả sưu tầm. Ảnh TL
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lê Thanh
Trao đổi tại hội thảo, ý kiến các đại biểu nhà khoa học đánh giá cao đề tài được nghiên cứu công phu sưu tầm, biên dịch được nhiều tài liệu quý giá. Đồng thời  phân tích góp ý bổ sung để nhóm nghiên cứu tiếp thu bổ sung hoàn thiện báo cáo đề tài./.

Tin mới