Suýt chết khi chữa răng sâu

Ngay sau khi tiêm thuốc tê, bà Y. ở Phú Thọ rơi vào tình trạng tăng huyết áp phi mã, nôn liên tục và khó thở.

Bà Phạm Thị Hải Y, 50 tuổi ở Phú Thọ bị sâu răng nặng, bác sĩ răng hàm mặt chỉ định điều trị tủy răng. Để giảm đau, bác sĩ tiêm 1 đơn vị thuốc tê Lidocain. Tuy nhiên chỉ ít phút sau tiêm, bà Y. có cảm giác khó chịu, đau đầu, khó thở, buồn nôn và nôn, tình trạng huyết áp tăng đến 190/100 mm/Hg (huyết áp nền của bệnh nhân là 110/70mm/Hg).

Xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê lidocain và đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm, BS Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, BV đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ đã phát động báo động đỏ trong toàn bệnh viện, nhiều bác sĩ và điều dưỡng hồi sức cấp cứu cùng lúc được huy động, ra y lệnh tiêm bolus Lipofundin 200ml và truyền thành dòng nhũ dịch Lipofundin 20% với mục đích cấp cứu giải độc nhanh.

Người phụ nữ 50 tuổi ở Phú Thọ suýt chết khi chữa răng sâu
Loại thuốc gây tê Lidocain.


May mắn, bệnh nhân sau đó đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, huyết áp giảm dần về 160/90mm/Hg, liều dùng nhũ dịch Lipofundin tiếp tục được duy trì và sau khi truyền hết 3 chai Lipofundin 20%, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không còn cảm giác buồn nôn, đau đầu, khó thở. Sau vài giờ, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đã trở lại bình thường.

BS Hải cho biết, thuốc tê Lidocain là thuốc được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, các chuyên khoa răng hàm mặt, sản khoa... cũng như các phòng khám tư nhân.

Ngộ độc Lidocain là một biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, khi bị ngộ độc nếu không được xử trí kịp thời thì tỉ lệ tử vong là rất cao.

Khi đưa thuốc tê vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu vào mạch máu. Tính độc của thuốc tê sẽ ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể, ít hay nhiều tùy thuộc vào nồng độ thuốc tê trong máu, cũng như phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh.

Hầu hết các trường hợp sử dụng thuốc tê đều an toàn nếu thầy thuốc tôn trọng những nguyên tắc gây tê như liều lượng, kỹ thuật gây tê, có tính đến yếu tố cơ địa của người bệnh.

Nguy cơ ngộ độc thuốc tê sẽ cao hơn khi dùng thuốc tê ở vùng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng như đầu mặt cổ, khoang miệng, niêm mạc, cơ quan sinh dục. Những người có thể trạng gầy, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh suy gan, thận, tim, trẻ em, người già là những người có cơ địa dễ ngộ độc thuốc tê hơn.

Do đó BS Hải khuyến cáo, khi người dân thực hiện các thủ thuật cần sử dụng thuốc tê Lidocain, nên đến bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ nhân viên y tế nhanh nhạy, có chuyên môn để nhanh chóng xử trí.

Tin mới