Sỹ tử lớp 12 'tăng tốc' cho nhiều kỳ thi cuối cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi minh họa lớp 12 dành cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây là cơ sở để các nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh sát với chương trình, định hướng thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên vẫn còn “băn khoăn” về đề thi minh họa

So với các năm trước, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa cho tất cả các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT sớm hơn. Điều này tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong các chương trình ôn tập. Nhiều giáo viên cũng cho rằng, đề thi năm nay các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi nằm ngoài chương trình và sẽ giúp học sinh bớt áp lực.

Tuy nhiên, qua chia sẻ, nhiều giáo viên mong muốn, ngoài kiến thức cơ bản, đề thi cần có sự phân hóa để phân loại được thí sinh và làm cơ sở cho việc xét tuyển vào các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp.

GIờ học của học sinh lớp 12 - Trường THPT Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

GIờ học của học sinh lớp 12 - Trường THPT Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Qua nhiều năm giảng dạy bộ môn Toán tại Trường THPT Quế Phong, thầy giáo Nguyễn Văn Khai cho biết: "Đề thi minh họa môn Toán về cơ bản vẫn giữ ổn định về độ phân hóa. Tuy nhiên, so với nhận định của tôi thì mức độ có khó hơn, nhất là ở phần vận dụng và vận dụng cao với độ phân hóa cao hơn dành cho học sinh khá, giỏi. Với đề này, tôi cũng khá lo lắng đối với học sinh miền núi và ở trường chúng tôi. Với mức độ nhận biết và thông hiểu, khả năng học sinh đạt điểm 7 là khá dễ. Nhưng với học sinh miền núi, để chiếm được phần này là một vấn đề không nhỏ và đòi hỏi học sinh phải chịu khó, thầy cô phải ôn luyện thường xuyên và học sinh phải thực luyện nhiều lần".

Với môn Sinh học, thầy giáo Trần Văn Lai – giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng, đề cơ bản vẫn như mọi năm và câu phả hệ nhẹ nhàng hơn. Phần bài tập đã không còn các dạng tính toán phức tạp, phi sinh học, thay vào đó là tư duy nhiều hơn. Đề có những câu hỏi phát triển năng lực phân tích bảng số liệu, đọc đồ thị.

Tuy nhiên, thầy giáo Trần Văn Lai còn những băn khoăn bởi có những vấn đề như một số câu chưa đúng với thực tế, chưa có trích nguồn cụ thể loài nào, vẫn chung chung như giống vật nuôi A, B, C, D (câu 111), ở 1 loài thực vật (câu 113). Với các câu hỏi này, thầy Lai cũng cho rằng nếu có dẫn chứng kết quả nghiên cứu cụ thể nào đó thì đề thi sẽ thú vị hơn.

Hay như, có những câu hỏi như câu 113 có các nội dung nhận định còn khó hiểu như “quần thể không tiến hóa”, “quần thể từ ngẫu phối sang tự phối”. Các ý của câu hỏi có từ “chỉ” hoặc “luôn” đều là những ý sai, điều này rất kị khi ra đề trắc nghiệm, học sinh không cần hiểu, chỉ cần nhìn các từ này là chọn sai.

Các sỹ tử lo lắng khi kỳ thi đã gần kề. Ảnh: Mỹ Hà

Các sỹ tử lo lắng khi kỳ thi đã gần kề. Ảnh: Mỹ Hà

Chạy đua với các kỳ thi

Cùng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn sớm phân tích đề, xây dựng hệ thống câu hỏi, hệ thống đề và trên cơ sở đó có kế hoạch dạy học, ôn tập sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Liên quan đến các kỳ thi trong năm học này, nhiều học sinh cũng chia sẻ các em quá áp lực bởi hiện nay, học sinh lớp 12 đang phải đối diện với rất nhiều kỳ thi. Em Nguyễn Ngọc Anh - học sinh lớp 12D1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng dù đã có chứng chỉ IELTS 6.5, nhiều năm liên tục là học sinh giỏi và có đủ điều kiện để tuyển thẳng vào một số trường đại học nhưng em vẫn chưa thể yên tâm.

Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách. Ảnh: Mỹ Hà

Giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách. Ảnh: Mỹ Hà

Để chuẩn bị cho đợt vượt vũ môn quan trọng này, Ngọc Anh đang chuẩn bị 4 phương án khác nhau, đó là chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và phương án cuối là cố gắng có một học bạ đẹp để xét tuyển cùng với chứng chỉ Ngoại ngữ.

Nói về điều này, Ngọc Anh cho biết: Em dự kiến thi vào Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và buộc phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường. Đây là năm thứ 2 nhà trường tổ chức kỳ thi này nên tài liệu để tham khảo không nhiều và em phải tự tìm tài liệu trên mạng. Hiện em đang phải mua chung một gói với các bạn trong lớp theo đề thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, em tự học, tự ôn tập 2 môn thi đánh giá năng lực là Ngữ văn, tiếng Anh theo như thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức vào cuối tháng 6, nhưng trước đó, tháng 4 em phải ra Hà Nội tham dự kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5 em tiếp tục ra Đại học Sư phạm để tham dự kỳ thi thứ 2…

Việc cùng một lúc có nhiều phương án thi và nhiều kỳ thi, tưởng sẽ thuận lợi nhưng thực chất lại tạo thêm áp lực và tốn kém cho thí sinh. Điều này lại càng thiệt thòi cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa và vùng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Tại Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, thầy giáo Ngô Sỹ Hoàng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nói thêm: Học sinh lớp 12 hiện nay chịu khá nhiều áp lực cả về thời gian, về khối lượng kiến thức. Các em cùng một lúc phải tham gia nhiều kỳ thi. Ở trường chúng tôi, do điều kiện kinh tế khó khăn nên trước mắt mới có 45/405 học sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Còn lại, đang dùng hình thức phổ biến là sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp.

Qua tham khảo đề án tuyển sinh của các nhà trường đại học, chúng tôi thấy xu hướng xét tuyển qua bài đánh giá năng lực ngày càng nhiều. Do đó, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, nghiên cứu cấu trúc đề thi và có phương án tổ chức dạy học thích hợp. Về phía học sinh cũng phải thay đổi cách học, thay vì chỉ ôn tập theo khối mà phải học đều tất cả các môn.

Học sinh lớp 12 đang phải đối diện với nhiều kỳ thi để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh: Mỹ Hà

Học sinh lớp 12 đang phải đối diện với nhiều kỳ thi để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường đại học. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THPT Quế Phong đang trong thời điểm tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 12, nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa. Khác với nhiều trường học khác trên toàn tỉnh, qua thống kê hiện nay, nhà trường không có một học sinh nào tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực. Thay vào đó, học sinh tập trung cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và hiện đã hoàn thành 2 kỳ thi thử trên hệ thống LMS do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khai – giáo viên dạy môn Toán cho biết: Với xuất phát điểm đầu vào khá thấp và chất lượng học sinh còn chưa đồng đều, quả thực tôi khá lo lắng sau khi các em đã tham gia kỳ thi thử môn Toán do Sở triển khai theo ma trận của các kỳ thi trước. Tuy vậy, theo đánh giá của các giáo viên đang phụ trách môn Toán thì kết quả chưa cao, nhiều em còn làm bài qua loa, chưa đúng với năng lực, số học sinh điểm cao không nhiều.

Chính vì thế, từ nay đến khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra chúng tôi sẽ tiếp tục phân hóa đối tượng, dạy cho các em kiến thức cơ bản, kỹ năng làm bài và rèn luyện thêm bài tập ở nhà để học sinh làm quen với các dạng đề.


Năm học này, Trường THPT Quế Phong có hơn 400 học sinh lớp 12 và chỉ có gần 30 học sinh chọn tổ hợp môn KHTN, còn lại các em chọn tổ hợp môn KHXH và số học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp khá đông. Với đặc thù học sinh của trường hầu hết là xa gia đình, ở trọ tập trung nên điều kiện học cũng như ôn tập gặp rất nhiều khó khăn và không ít em chểnh mảng.

Từ thực tế này, thầy giáo Nguyễn Tiến Trung – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi có kết quả thi thử, chúng tôi yêu cầu tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn rà soát và đánh giá, phân loại từng học sinh; trên cơ sở đó, có kế hoạch ôn tập phù hợp. Song song với đó, nhà trường sẽ phân công giáo viên phụ đạo, bồi dưỡng, dạy thêm miễn phí cho học sinh vào buổi chiều. Thời điểm tăng tốc, nhà trường có thể mở cửa thêm buổi đêm để học sinh đang ở trọ xung quanh đến tập trung ôn tập và giáo viên có thể hỗ trợ thêm cho các em ngoài giờ lên lớp.

Để hỗ trợ cho các sỹ tử, từ nay đến khi kỳ thi chính thức được diễn ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức các kỳ thi thử cho học sinh trên hệ thống LMS để học sinh thử sức và đánh giá năng lực bản thân. Các trường và một số cụm trường sắp tới cũng sẽ tổ chức các kỳ thi thử giúp học sinh có cơ hội cọ xát, làm quen với kỳ thi và đây cũng là căn cứ để các em điều chỉnh việc học và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và trình độ.

Tin mới