Tác nghiệp ở Trường Sa

(Baonghean.vn) - Năm nào cũng vậy, Báo Nghệ An vẫn được Bộ Tư lệnh Hải Quân gửi lời mời cử phóng viên theo những con tàu đến với Trường Sa. Lời mời đó là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của một toà báo Đảng địa phương trong công cuộc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Vậy nên với mỗi phóng viên Báo Nghệ An khi được tòa soạn cử đi tác nghiệp tại quần đảo thiêng liêng này đều xem đây là một vinh dự, một “món quà” đặc biệt. Trong tâm niệm của người làm báo, ai cũng luôn mong mỏi được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều điều. Ở Báo Nghệ An đã có rất nhiều người được vinh dự đó, như: Nhà báo Công Sáng, Đức Chuyên, Ngô Kiên, Nguyên Sơn, Trần Hải, Đào Tuấn, Nguyên Khoa, Thành Duy, Phạm Bằng....

Phóng viên tạc nghiệp tại Trường Sa.
Phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa.

Đến với Trường Sa, tâm thế của mỗi người phóng viên Báo Đảng luôn xác định: Bản thân mình sẽ là một mạch máu chuyển tải tin yêu, mang hơi ấm đất liền cho trái tim lớn Trường Sa và ngược lại là phản ánh đầy đủ, sinh động cuộc sống của cán bộ chiến sĩ, người dân nơi quần đảo bão tố miền Cực Tây cho mọi người được biết, được rõ....Ý thức trách nhiệm lớn lao, người phóng viên báo Đảng ai cũng quyết tâm song cũng không kém phần lo lắng bởi những khó khăn “chủ quan” và “khách quan”.

Tác nghiệp “Nơi đầu tiên của tổ quốc đón bình minh” thuận lợi lắm mà trăn trở cũng nhiều. So với những lớp phóng viên “tiền bối”, lớp phóng viên “hậu sinh” thường gặp khó trong việc tìm kiếm các đề tài mới. Thứ đến là kinh nghiệm tác nghiệp, đặc biệt Trường Sa luôn trong tình trạng “thời chiến”, chứa đựng nhiều bí mật quân sự, nên khá nhiều khía cạnh, góc nhìn vướng vào quy định bảo mật thông tin...

Bên cạnh đó còn là những thử thách về thời tiết, nỗi lo sức khỏe liệu có đảm đương nổi những cơn say sóng hay không. Rồi áp lực chuyển tải thông tin bài vở về tòa soạn trong điều kiện Trường Sa mới chỉ phủ sóng 2G.

Thế nhưng dường như tất cả những lo lắng, băn khoăn đều tan biến khi bước chân của những người phóng viên đặt lên tảng đá san hô của đảo chìm, lên cát trắng, cầu cảng của đảo nổi: Các sự kiện liên tục diễn ra và dòng cảm xúc cứ cuộn trào dâng lên trong mỗi người trước hiện thực cuộc sống ngồn ngộn cứ cuốn phóng viên vào công việc. Ai cũng tìm cách khắc họa, phản ánh, miêu tả cuộc sống rèn luyện và chiến đấu của những người lính, những cán bộ làm công tác dân sự, của những người dân bám biển, giữ đảo một cách rõ nét, chân thực.

khắc họa, phản ánh, miêu tả cuộc sống rèn luyện và chiến đấu của những người lính, những cán bộ làm công tác dân sự, của những người dân bám biển, giữ đảo một cách rõ nét, chân thực.
Các phóng viên luôn nỗ lực khắc họa, phản ánh, miêu tả cuộc sống rèn luyện và chiến đấu của những người lính, những cán bộ làm công tác dân sự, của những người dân bám biển, giữ đảo một cách rõ nét, chân thực.

Trường Sa đón những người con đất liền với tất cả yêu thương: Các phóng viên luôn được cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo yêu quý và dành nhiều tình cảm đặc biệt. Đi đến bất cứ hòn đảo chìm đảo nổi nào, phóng viên luôn được chăm sóc hết sức nhiệt tình.

Ở đảo nổi, các chiến sỹ thường xuyên “tặng cho cho các anh nhà báo” những sản vật quý của đảo như dừa, đu đủ. Ở đảo chìm, người lính ưu tiên cho phóng viên những con ốc, con cá ngon nhất và cả thứ quý nhất là rau xanh, nước ngọt. Hơn ai hết người làm báo hiểu đây là tình cảm của hải đảo dành cho đất liền. Vậy nên, cánh phóng viên luôn cố gắng đi sâu, tìm hiểu xem lính đảo có khó khăn gì không để góp phần giúp sức, đặc biệt là cuộc sống hậu phương của họ.

Với lăng kính chân thực, những phóng viên Báo Nghệ An khi đến với Trường Sa đã kịp thời phản ánh đầy đủ cuộc sống ở Trường Sa để bạn đọc trong tỉnh thêm hiểu biết, cảm nhận rõ hơn: Đó là tinh thần quyết giữ biển trời của quân và dân các đảo. Họ vẫn âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư, giành về phần mình những khó khăn, gian khổ, bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn của tổ quốc. Là đảo đá hoang vu chỉ có cát vàng và cây dại đang ngày một xanh tươi, hiện đại hơn dưới bàn tay chăm sóc, giữ gìn. Là những người ngư dân trên những con thuyền đánh cá đại dương ngày ngày ra biển trở thành cột mốc sống....

 

Trường Sa là máu thịt không thể tách rời. Nơi đây có những người lính đảo chìm khi hy sinh vẫn ôm lấy lá cờ Tổ quốc ngã xuống nơi bãi đá san hô, đánh dấu chủ quyền; Có những người lính vừa kết hôn mới được 5 - 6 ngày đã lên đường ra đảo. Ngày con chào đời, họ không có mặt. Ngày bố mẹ mất, họ nuốt nước mắt vào trong, khi đêm xuống lặng lẽ ra bờ biển, hướng về Tây, quỳ cúi đầu tạ tội. Có những thế hệ người lính vẫn nối tiếp nhau giữ đảo, em nối bước anh, con nối tiếp cha. Và có cả nghĩa trang nhỏ nơi cuối đảo Nam Yết – Nơi yên nghỉ của các chiến sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa những năm gần đây.

Trường Sa đang có nhiều đổi thay kỳ diệu. Sự phát triển, sinh sôi của huyện đảo luôn được Báo Nghệ An theo sát với hàng trăm bài viết, phóng sự ảnh, video clip mỗi năm. Tờ Báo Đảng đã là sợi nhớ, sợi thương mang tình hậu phương, hơi ấm đất liền truyền ra biển đảo; là cánh én mang tin xuân về nơi đầu sóng ngọn gió cho người hậu phương biết, chính máu, mồ hôi, tuổi thanh xuân của những người lính đã và đang góp phần quan trọng làm nên những đổi thay đó và cũng như giữ sự bình yên cho biển đảo Tổ quốc hôm nay./.

Thành Chung

TIN LIÊN QUAN

Tin mới