Tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020: Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ

(Baonghean.vn) - Chiều nay (8/11), với 82,39% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nêu rõ sẽ xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới là giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 04 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN–4). Tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Anh Tuấn

Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu hằng năm có 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30-35%. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp,15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế đó là tập trung hoàn thành cơ cấu lại 3 trọng tâm gồm: cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ "xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp".

Quốc hội cũng đặt ra nhiệm vụ nâng cao năng lực của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để mua, bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền- Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội trường. Ảnh: Anh Tuấn.

Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đọc Tờ trình về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV).

Dự thảo Luật quy định: "Hàng năm, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV lập dự toán ngân sách đối với các nội dung, chương trình hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật này để tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN". Kinh phí thực hiện các nội dung, chương trình hỗ trợ sẽ được tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội để cân đối theo đúng quy định của Luật NSNN.

Tuy nhiên, Nhà nước hạn chế hỗ trợ trực tiếp, chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Vì vậy, NSNN dành cho hỗ trợ DNNVV mang tính chất hỗ trợ tạo ra những hạ tầng hỗ trợ chung (phát triển các cơ sở ươm tạo …) hoặc đầu tư ban đầu mang tính chất “vốn mồi”.

Thẩm tra về dự án luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.

Cũng trong chiều nay, các ĐBQH thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các Đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết một mặt vừa khuyến khích người dân, các tố chức tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác cũng hạn chế được tình trạng nông dân bỏ ruộng đang xảy ra hiện nay, đảm bảo, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội trường ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị Quốc hội cân nhắc và có thể chỉ nên miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp ở những vùng khó khăn, không có lợi thế về kinh tế./. 

Dương Gim - Huyền Thương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới