Tái diễn nạn khai thác cát trái phép trên sông Lam

(Baonghean) - Tháng 6/2017, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND (Quy chế 47).Nhưng qua nắm bắt thực tế khai thác, kinh doanh cát sỏi sông Lam dịp đầu năm 2018 cho thấy Quy chế 47 dường như bị lãng quên…
Vẫn còn " cát tặc"
Trung tuần tháng 1/2018, từ đơn thư của người dân xóm 12, xã Thanh Tiên, phóng viên Báo Nghệ An đã có chuyến xâm nhập thực tế và phản ánh nạn khai thác cát trái phép hoành hành trên sông Lam, đoạn qua các xã Thanh Lĩnh, Thanh Tiên và Thanh Hưng (Thanh Chương).
Trở lại khu vực này trong sáng ngày 6/3/2018, đoạn sông qua xã Thanh Tiên đã bình yên; hai bến bãi kinh doanh cát sỏi ở địa phương này (tại xóm 12) cũng đã dừng hoạt động, các cần cẩu cát đã được hạ xuống. 
Bến khai thác cát trái phép tại xóm 12, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) đã bị dừng hoạt động. 	Ảnh: P.V
Bến khai thác cát trái phép tại xóm 12, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) đã bị dừng hoạt động. Ảnh: P.V
Theo cán bộ xã Thanh Tiên, từ sau có thông tin phản ánh trên báo, UBND huyện Thanh Chương có Công văn số 133/UBND-TNMT ngày 25/1/2018 về việc kiểm tra và xử lý các trường hợp có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 29/1/2018 về việc thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các bến, bãi tập kết cát sỏi trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Thanh Tiên đã chỉ đạo lực lượng công an xã, địa chính làm biển báo cấm khai thác cát sạn tại hai bến cát ở xóm 12 và phối hợp với ban chỉ huy xóm 12 thường xuyên giám sát, theo dõi việc khai thác, vận chuyển cát sạn trái phép. Đối với hai chủ bến cát, yêu cầu hạ cẩu, dọn dẹp cát sạn, ngừng việc khai thác, kinh doanh cát sạn khi chưa được cấp thẩm quyền cấp đầy đủ giấy phép hoạt động theo quy định…
Tuy nhiên, cán bộ xã Thanh Tiên bày tỏ sự băn khoăn, vì ở các xã lân cận, hoạt động khai thác trái phép cát sỏi lòng sông Lam vẫn còn; cùng với đó, các bến bãi kinh doanh cát sỏi không đủ điều kiện vẫn hoạt động bình thường. Phản ánh của cán bộ xã Thanh Tiên cũng là nội dung mà chủ bến bãi kinh doanh cát sỏi tại xóm 12 là ông Nguyễn Xuân Ngà cho rằng “đang bị đối xử mất công bằng”. Vì bến bãi tập kết của ông Ngà tại xóm 12 xã Thanh Tiên đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch thì bị đình chỉ, trong khi hầu hết các bến bãi cát sỏi trên địa bàn huyện Thanh Chương chưa làm một thủ tục nào mà vẫn hoạt động.
Ông Ngà nói: “Nếu đã đình chỉ, thì tất cả các bến bãi chưa đủ điều kiện hoạt động đều phải bị đình chỉ. Vậy nhưng tại sao chỉ đình chỉ hoạt động của bến chúng tôi, trong khi các bến khác vẫn hoạt động? Chúng tôi dù chưa được cấp phép, nhưng hồ sơ thủ tục đã cơ bản đầy đủ, đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch, trong khi nhiều bến khác người ta chưa có gì… Làm như vậy khác gì triệt đường sống của chúng tôi?...”
Thực tế địa bàn xã Thanh Lĩnh trong sáng ngày 6/3, thông tin của cán bộ xã Thanh Tiên và ông Nguyễn Xuân Ngà là chính xác. Các bến cát nằm trong khu dân cư (thuộc xóm 1, xóm 2) ở xã Thanh Lĩnh vẫn hoạt động bình thường từ vận chuyển đến khai thác. Một số người dân xóm 2, xã Thanh Lĩnh đang sản xuất bức xúc nói rằng: “Nhờ có đoàn cảnh sát môi trường lên kiểm tra, địa bàn sông Lam đoạn qua Thanh Lĩnh đã yên được vài tháng. Nhưng thời gian gần đây thì đâu lại vào đấy. Cứ khoảng 4 - 5 giờ sáng, các tàu hút cát lại hoạt động. Họ hoạt động từ mờ sáng đến 8 – 9 giờ. Hôm nay, hơn 10h vẫn còn hoạt động. Cứ hút cát thế này thì lở hết đất sản xuất của dân…”.
Đừng quên Quy chế 47!
Theo thông tin từ tổ công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản (cát sỏi) trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP. Vinh, tổng trữ lượng cát, sỏi thuộc lưu vực sông Lam được ước tính khoảng 40 triệu m3; tổng công suất khai thác được cấp thẩm quyền cấp phép ở thời điểm hiện tại là trên 380 nghìn m3/năm.
Tuy nhiên qua kiểm tra tại các bến thuộc địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên cho thấy, tổng khối lượng cát, sỏi kinh doanh đã được kê khai thuế lên đến trên 1,16 triệu m3, gấp 3 lần công suất cấp phép, chiếm 1/7,5 trữ lượng cấp phép khai thác.
Cụ thể khối lượng cát, sỏi đã kê khai thuế ở Thanh Chương là 135.859m3; Nam Đàn 332.377m3; Hưng Nguyên 469.153m3; TP.Vinh 225.635m3. Xác minh nguồn gốc, xác định có hơn 382.000 m3 cát, sỏi lòng sông Lam bị khai thác trái phép, trong đó riêng huyện Thanh Chương là trên 135.000 m3 (17 bến thuộc Công ty CP khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương khai thác 92.800 m3; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Trung Thành khai thác 5.654 m3; Công ty TNHH cát sỏi Cầu Rộ khai thác 37.405 m3).
Bến khai thác cát  trái phép tại xã Thanh Hưng (huyện Thanh Chương), đoạn dưới chân cầu Rạng. Ảnh: P.V
Bến khai thác cát trái phép tại xã Thanh Hưng (huyện Thanh Chương), đoạn dưới chân cầu Rạng. Ảnh: P.V
Tổ công tác cũng thông tin, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 21 bến bãi tập kết kinh doanh cát sỏi. Tuy nhiên, qua kiểm tra mới chỉ có 2 bến (của ông Nguyễn Viết Thành ở xóm 5, xã Xuân Tường và của hai ông Nguyễn Đình Định và Nguyễn Doãn Đức ở TT Dùng) có Giấy phép bến thủy nội địa; chỉ có 3/21 bến có hồ sơ cho thuê đất, số còn lại không có hồ sơ thủ tục đất đai.
Và, các bến chưa có Giấy phép bến thủy nội địa, chưa có hồ sơ thủ tục đất đai… đã từng bị Đoàn liên ngành thành lập theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND-NC đình chỉ, niêm phong hoạt động, nhưng nay đều hoạt động trở lại bình thường…
Cán bộ phụ trách tổ công tác trao đổi: Thực tế cho thấy, việc khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lam vẫn đang là một vấn nạn. Bởi vậy, chúng tôi sẽ đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các Chủ tịch UBND xã, thị trấn có liên quan trong việc để các bến cát sỏi đi vào hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép…”.
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, ngày 1/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 47/QĐ-UBND. Tại Quy chế này, UBND tỉnh đã chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan. Riêng đối với địa bàn có cát sỏi lòng sông, Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê, kiểm kê, quản lý toàn bộ số tàu, thuyền, bến bãi, số lao động tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn, phát hiện xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Triển khai ký quy chế phối hợp bảo vệ cát, sỏi vùng giáp ranh chưa cấp phép khai thác; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã giáp ranh ký quy chế phối hợp quản lý nhằm đảm bảo công tác xử lý vi phạm hiệu quả đồng bộ; Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép…
Riêng Chủ tịch UBND cấp huyện, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng cố tình chậm trễ không kịp thời triển khai nhiệm vụ.
Các thuyền có lắp đặt hệ thống bơm hút cát vẫn ngang nhiên rút ruột sông Lam. Ảnh: P.V
Các thuyền có lắp đặt hệ thống bơm hút cát vẫn ngang nhiên rút ruột sông Lam. Ảnh: P.V
Nhắc lại những nội dung này, đồng thời nêu lên thực trạng vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép lòng sông, và tình trạng bến bãi kinh doanh cát sạn khi chưa được cấp thẩm quyền cấp phép để các cán bộ có trách nhiệm ở các địa phương có cát sỏi lòng sông cần lưu ý, như vậy là chưa hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước, chưa thực hiện nghiêm Quy chế 47!.