Tài khoản Zalo ‘tố’ người đàn ông trốn nã 26 năm

(Baonghean) - Lần theo tài khoản mạng xã hội Zalo của người con gái được đăng ký bởi số điện thoại của Kế, cảnh sát xác định được khu vực nơi đối tượng sinh sống. Cũng từ đây, cuộc trốn nã 26 năm trời của người đàn ông từng là quân nhân chuyên nghiệp kết thúc.

Trốn nã 26 năm

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An vừa bàn giao Nguyễn Văn Kế (SN 1967), hộ khẩu thường trú xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ; quê quán xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Kế là 1 trong 6 đối tượng truy nã vừa được Tổ truy nã, phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ tại khu vực Tây Nguyên, miền Nam vào cuối tháng 8/2019.

Năm 1991, đường dây điện của một nông trường trên địa bàn huyện Tân Kỳ bị kẻ gian cắt đứ lấy trộm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và an ninh, quốc phòng. Vụ việc được trình báo cho Công an Nghệ An, một tổ cảnh sát bắt đầu vào cuộc điều tra và sau đó phát hiện 1 nhóm 4 đối tượng là thủ phạm gây ra vụ trộm cắp trên, trong đó có Nguyễn Văn Kế.

Nguyễn Văn Kế (thứ 2 từ trái sang) bị dẫn giải về thi hành án sau 26 năm trốn nã. Ảnh: P.B
Nguyễn Văn Kế (thứ 3 từ trái sang) bị dẫn giải về thi hành án sau 26 năm trốn nã. Ảnh công an cung cấp

Kế lúc đó đang là quân nhân chuyên nghiệp, vừa hoàn thành khóa học ở ngoài Bắc và mới trở về đơn vị để tham gia làm kinh tế trồng rừng. Điều tra Kế, cảnh sát còn phát hiện, y đã cùng đồng bọn gây ra 2 vụ trộm xe đạp và tiêu thụ tài sản trộm được. Khi biết tin cảnh sát đang truy bắt mình, Kế nhanh chân bỏ trốn trong đêm, riêng 3 đồng bọn của Kế bị bắt giữ.

Sau quá trình truy bắt không thành công, năm 1993, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Văn Kế về 3 tội danh: Phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia; Trộm cắp tài sản; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đồng bọn của Kế bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử, riêng Kế sau đó còn bị khởi tố thêm tội danh trốn thi hành án. Đại úy Vũ Vinh Quỳnh – Tổ truy nã, Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, tổng 3 tội danh trên thì Kế bị tuyên án 5 năm tù giam.

Trong suốt nhiều năm, các trinh sát đã nhiều lần tỏa đi nhiều hướng, tổ chức tìm kiếm, phối hợp vận động gia đình, xác minh các mối quan hệ của Kế nhưng đều không có kết quả. Những manh mối duy nhất cứ trôi qua, có thời điểm tưởng chừng như cuộc truy tìm rơi vào bế tắc.

Thế nhưng, các trinh sát truy nã quyết không bỏ cuộc, kiên trì theo dõi, nhặt nhạnh, tìm kiếm những manh mối, thông tin dù là nhỏ nhất về Kế. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã lấy được số điện thoại mà Kế thường dùng để liên lạc với gia đình. Tuy nhiên, với sự ma mãnh, tinh ranh vốn có, Kế lập tức bỏ số di dộng này, chuyển sang dùng số khác.

Nhưng “người tính không bằng trời tính”, may mắn cho các trinh sát là một người con của Kế đã dùng chính số điện thoại này để đăng ký tài khoản mạng xã hội Zalo. Và từ đây, cảnh sát xác định được khu vực Kế đang sinh sống là ở Tây Nguyên.

Ly cà phê cuối

Một tổ công tác lập tức lên đường vào Tây Nguyên để xác minh thông tin về Kế. Nhưng với một khu vực rộng lớn, nhiều đồi núi, dân cư ở thưa thớt, mặc dù được công an các địa phương phối hợp giúp đỡ nhưng việc xác minh thông tin không đơn giản. Dù không tìm được Kế nhưng manh mối này giúp cho các trinh sát khoanh vùng được nơi đối tượng đang sinh sống.

Cũng vào thời điểm này, trinh sát báo về vừa phát hiện một thông tin hết sức quan trọng. Đó là thời gian gần đây, tại nhà bố đẻ của Kế ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ thỉnh thoảng xuất hiện 1 bé gái lạ. Cháu bé này tên là Oanh, không phải là con của người em nào của Kế nhưng lại gọi bố đẻ của Kế là ông nội. Nhận định đây là con đẻ của Kế nên các trinh sát chuyển hướng điều tra.

Đối tượng Nguyễn Văn Kế thời điểm bị bắt giữ. Ảnh công an cung cấp
Đối tượng Nguyễn Văn Kế thời điểm bị bắt giữ. Ảnh công an cung cấp

Với manh mối nhỏ là cháu bé, các trinh sát tiếp tục lên đường vào Tây Nguyên, đặc biệt tập trung vào 2 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông để xác minh thông tin về Kế. Tại đây, được sự phối hợp, giúp đỡ của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đăk Lăk, các trinh sát xác định có 1 cháu bé tên là Oanh (trú ở xã Ea Bar, huyện Ea Sup), nhưng bố cháu lại mang tên Nguyễn Duy Thành, chứ không phải là Nguyễn Văn Kế.

Khi cảnh sát về tại xã Ea Bar, xác minh hồ sơ lý lịch của Nguyễn Duy Thành thì hồ sơ thể hiện, Thành có quê quán ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu và phần khai quan hệ gia đình thì được ghi tên 2 người anh trùng với tên 2 người anh của Kế. Nhưng khi tra cứu tàng thư, những thông tin về Kế không tồn tại, bởi thời điểm năm 1993, Kế chưa làm chứng minh nhân dân.

Theo công an địa phương, Nguyễn Duy Thành vào đây làm thuê từ những năm 1993, sau đó được một người phụ nữ đem lòng yêu mến. 2 người lập gia đình và sau đó sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai). Thành được đánh giá là con người hiền lành, chăm chỉ. Thành tham gia tích cực vào các phong trào sản xuất, bảo vệ an ninh, trật tự của địa phương nên được người dân và chính quyền tin tưởng, yêu quý.

Năm 2011, đối tượng được công an địa phương xác nhận, làm được chứng minh nhân dân dưới cái tên Nguyễn Duy Thành (SN 1964). Xâu chuỗi nhiều chứng cứ, các trinh sát có đủ cơ sở khẳng định, Nguyễn Duy Thành và Nguyễn Văn Kế là một người.

Kế đưa tay vào còng số 8 sau 26 năm trốn thi hành án.
Kế đưa tay vào còng số 8 sau 26 năm trốn thi hành án.

Tháng 7/2019, Ban chuyên án được lệnh bắt Nguyễn Văn Kế. Thời điểm đó, tại xã Ea Bar, huyện Ea Sup, tỉnh Đăk Lăk mưa lớn, gây ngập lụt nên kế hoạch bắt giữ không thực hiện được. Đến ngày 20/8, các trinh sát lại tiếp tục lên đường vào Đăk Lăk với quyết tâm bắt giữ Kế về quy án. Nhưng dường như Kế đánh hơi biết mình đang chuẩn bị bắt giữ nên nhanh chân bỏ trốn vào Vườn Quốc gia Yok Đôn, khu vực huyện Ea Sup, làm thuê trồng rừng.

Không thể vây bắt được Kế trong rừng, các trinh sát đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để “dụ” Kế ra khỏi rừng. Ngày 23/8/2019, khi Kế đang ngồi uống cà phê tại trung tâm huyện Ea Sup, một trinh sát bất ngờ cất tiếng: “Anh Kế, lâu rồi anh có về quê không ?”. Lúc này, mặt Kế trắng bệch, miệng lí nhí: “Em biết, em có tội rồi!”. Ngay sau đó, cảnh sát đọc lệnh bắt Kế, tra tay đối tượng vào còng số 8.

Trên đường áp giải về Nghệ An, Kế cho biết rằng, cứ 3 - 4 năm, y về thăm gia đình một lần, lần nào cũng về vào ban đêm rồi tờ mờ sáng lại ra đi, riêng 2 người con gái đầu thì hầu như năm nào cũng về. Mỗi lần về quê, bố đẻ của Kế đều vận động con trai ra đầu thú, thi hành án, nhưng vì lo lắng cho người vợ tâm thần và đứa con gái út, Kế không đủ mạnh mẽ để thực hiện nguyện vọng của bố.

Tin mới