Tại sao 5G không thể thay thế Wi-Fi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  5G và Wi-Fi đều là các công nghệ cho phép cung cấp các mạng truyền thông tốc độ cao, độ trễ thấp và dung lượng người dùng lớn, đặc biệt cả hai công nghệ này đều cần thiết để tận dụng tối đa tiềm năng của mạng Internet trong tương lai.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù, công nghệ 5G đang được thử nghiệm cũng như triển khai thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng nó cũng không thể thay thế công nghệ Wi-Fi đang được sử dụng phổ biến hàng thập kỷ qua. Mỗi công nghệ đều có những điểm mạnh khác nhau và cung cấp cho người dùng các tuỳ chọn kết nối khác nhau. Việc cùng tồn tại song song cả 2 công nghệ này được xem là lý tưởng để cải thiện hiệu suất mạng thông tin vô tuyến của người dùng.

Công nghệ 5G sẽ mang lại rất nhiều tính năng hữu ích cho người dùng, đặc biệt là các ứng dụng cần tốc độ cao và độ trễ thấp. Trong khi đó, công nghệ Wi-Fi vẫn đang được phát triển và liên tục cập nhật các phiên bản mới như Wi-Fi 6, Wi-Fi 6E và Wi-Fi 7 để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của người dùng về tốc độ truy cập dữ liệu.

Xét tổng thể thì công nghệ 5G và Wi-Fi đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Cả hai đều có thể đáp ứng tốc độ cao (tốc độ gigabit) với độ trễ thấp phù hợp để chơi trò chơi và các ứng dụng khác. Tuy nhiên, công nghệ 5G và Wi-Fi vẫn có một số điểm khác nhau cơ bản như sau:

Phổ tần số sử dụng

Các mạng thông tin di động 5G hoạt động dựa trên phổ tần số được cấp phép ở các băng tần như 700 MHz, 2.600 MHz, 3.500 MHz, 26 GHz… Để sử dụng các băng tần này, các nhà mạng di động phải được các cơ quan chức năng cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua các phương thức cấp phép khác nhau hoặc cấp trực tiếp hoặc thi tuyển hoặc đấu giá và phải trả một khoản tiền cho nhà nước tuỳ vào giá trị của từng băng tần. Để mở rộng vùng phủ sóng, các nhà mạng di động phải xây dựng một mạng lưới các trạm gốc di động (hay còn gọi là trạm BTS) để cung cấp dịch vụ di động cho người dùng. Để thu lại các khoản đầu tư và tìm kiếm nguồn lợi nhuận, các nhà mạng di động sẽ thu phí từ người dùng di động.

Trong khi đó, mạng Wi-Fi hoạt động dựa trên phổ tần số được miễn cấp phép ở các băng tần như 2,4 GHz, 5 GHz và 6 GHz, có nghĩa là các băng tần này không cần giấy phép và hoàn toàn miễn phí, mỗi người có thể có mạng Wi-Fi của riêng mình mà không cần xin giấy phép sử dụng. Người dùng mạng Wi-Fi chỉ cần trả tiền cho một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) để cung cấp internet đến tận nhà, sau đó người dùng sử dụng bộ định tuyến để phủ sóng tín hiệu Wi-Fi trong nhà. Tuy nhiên, tín hiệu Wi-Fi chỉ phủ sóng trong một phạm vi hẹp (trong toà nhà, quán cà phê, hội trường…), khi người dùng ra khỏi vùng phủ sóng này thì sẽ không sử dụng được nữa.

Tính linh hoạt, dung lượng và khả năng mở rộng mạng lưới

Ưu điểm của mạng Wi-Fi là chi phí triển khai, bảo trì và mở rộng mạng thấp hơn, đặc biệt là khi các điểm truy cập cần phục vụ nhiều người dùng, trong một phạm vi hẹp. Nên công nghệ này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế cho môi trường gia đình và doanh nghiệp. Mạng Wi-Fi cung cấp hỗ trợ tuyệt vời cho hàng loạt thiết bị cần truy cập dữ liệu như máy tính cá nhân (PC), máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị phát trực tuyến, TV, máy in...

Trong khi đó, mạng 5G sẽ linh hoạt hơn, vùng phủ sóng rộng hơn, được sử dụng cho các kết nối di động, chẳng hạn như điện thoại thông minh, kết nối các phương tiện, triển khai thành phố thông minh và hoạt động sản xuất. Một khi đã có cơ sở hạ tầng, 5G có thể hỗ trợ một lượng lớn người dùng và ứng dụng phân tán trên nhiều thiết bị khác nhau và có thể duy trì mức hiệu suất ổn định hơn ngay cả khi có một số lượng lớn người dùng được kết nối cùng một lúc. Tuy nhiên, để triển khai mạng di động 5G và cung cấp vùng phủ sóng rộng khắp cho người dùng thì các nhà mạng di động cần phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn.

Quyền riêng tư và bảo mật

Mạng Wi-Fi xác thực quyền truy cập của người dùng, trong khi mạng di động 5G xác thực quyền truy cập của thiết bị; cả 2 công nghệ này đều có thể được cấu hình để đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật. Mặc dù cách tiếp cận theo phương thức phân đoạn mạng và xác thực quyền truy cập thiết bị của công nghệ 5G có những ưu điểm riêng, nhưng hiện nay các phiên bản tiếp theo của công nghệ Wi-Fi như Wi-Fi 6, Wi-Fi 6E và Wi-Fi 7 cũng đã cải thiện vấn đề bảo mật. Do đó, thật khó để xác định công nghệ nào an toàn hơn.

Tốc độ, độ trễ và khả năng phục hồi mạng

Liên quan đến trải nghiệm người dùng, tốc độ mạng 5G và Wi-Fi là tương đương nhau, (theo lý thuyết tốc độ của mạng 5G có thể lên tới 10 gigabits/giây, tốc độ mạng Wi-Fi 6 khoảng 9,6 gigabits/giây) và độ trễ của cả 2 công nghệ này cỡ mili giây. Trong khi đó, khả năng phục hồi mạng là một trong những điểm mạnh được những người ủng hộ công nghệ 5G thúc đẩy nhờ khả năng chia băng thông di động thành các sóng mang thành phần. Điều này đã khiến nhiều người coi 5G là một giải pháp mạng linh hoạt và rất quan trọng đối với việc triển khai các mạng Internet vạn vật trong tương lai.

Wi-Fi hay 5G là tốt nhất cho doanh nghiệp?

Hầu hết các doanh nghiệp đang sử dụng kết hợp cả công nghệ 5G và Wi-Fi, bao gồm mạng cục bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) một cách an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn của công nghệ Wi-Fi. Ngày nay, các mạng cục bộ Wi-Fi vẫn được khuyến khích hoạt động đồng thời với công nghệ 5G cho hầu hết các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động rộng vì chúng linh hoạt, đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí.

Hiệp hội băng thông rộng vô tuyến (WBA) coi Wi-Fi là một phần rất quan trọng của hệ sinh thái 5G và đã thúc đẩy những người chơi trong hệ sinh thái hợp tác với nhau để tích hợp Wi-Fi liền mạch hơn vào mạng 5G.

Chẳng hạn, trong quá trình tự động hoá nhà máy, việc giao tiếp giữa máy với máy đóng một vai trò hết sức quan trọng nên việc sử dụng đồng thời cả Wi-Fi và 5G sẽ mang lại hiệu suất kết nối cao cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khuôn viên rộng lớn. Hay trong trường hợp ô tô được kết nối thì ô tô sẽ tự kết nối với mạng di động 5G, sau đó nhờ vào mạng Wi-Fi trong xe để cung cấp kết nối cho các thiết bị người dùng như điện thoại thông minh, máy tính bảng…

Theo Báo cáo di động của Ericsson xuất bản tháng 11/2022, đến cuối năm 2022, thuê bao di động 5G trên toàn cầu sẽ đạt 1 tỷ thuê bao. Dự báo đến cuối năm 2028, trên toàn cầu sẽ có 5 tỷ thuê bao 5G, chiếm 55% tổng số thuê bao di động của thế giới.

Về việc triển khai mạng 5G, số liệu công bố tháng 12/2022 của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, sau gần 4 năm kể từ khi Hàn Quốc triển khai mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới vào tháng 4/2019, đến nay trên toàn cầu đã có 243 mạng 5G thương mại và 514 nhà khai thác di động đang đầu vào mạng 5G.

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu MarketsandMarkets, quy mô thị trường Wi-Fi toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 12,3 tỷ USD trong năm 2022 lên 31,3 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 20,4% trong giai đoạn dự báo 2022-2027.

Tin mới