Tại sao du khách 'một đi không trở lại'?

(Baonghean) - Chúng ta làm du lịch còn 'amateur' và 'ăn xổi' lắm, vì khách chỉ đến một lần chứ hiếm khi muốn quay trở lại lần hai, lần ba. Mà nếu như thế thì còn lâu du lịch mới là ngành kinh tế mũi nhọn được. 

Tôi nhớ lần đầu tiên đến Singapore theo một tour du lịch. Đồ ăn dở tệ, lịch trình chạy đua với thời gian và chi phí dịch vụ đắt đỏ khiến tôi có một trải nghiệm không thể nào quên và bị định kiến nặng nề với đất nước này. Một thời gian dài sau đó, nếu có ai hỏi cảm nhận của tôi về Singapore, tôi đều khẳng định ngay tắp lự: Có cho tiền tôi cũng không bao giờ quay trở lại!

Ấy thế mà tôi không chỉ quay trở lại Singapore lần thứ hai, mà còn có lần thứ ba, và rồi lần sau đó nữa. Tôi được ăn những món ngon tuyệt, thong dong đi khắp mọi nơi với giá rẻ rề bằng tàu điện ngầm hoặc xe bus. Một số dịch vụ vẫn đắt đỏ như là điện thoại, internet, mua sắm… nhưng định kiến của tôi về Singapore thì đã hoàn toàn thay đổi! Singapore vẫn cứ là Singapore mà tôi đã đến lần đầu tiên và đã ghét cay ghét đắng. Vậy, điều gì đã khiến tôi thay đổi?

Những lần sau này tôi đi Singapore theo hình thức du lịch tự túc. Khá tiện vì tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở đất nước này và người dân cũng rất thân thiện với khách nước ngoài. Có lẽ bởi Singapore luôn là mảnh đất hội tụ nhiều sắc tộc nên sự cởi mở và hướng ngoại là một phần tính cách đặc trưng của người dân nơi đây. Thoát được khỏi lịch trình cứng nhắc của các tour du lịch, tôi không còn phải chịu đựng những bữa ăn dở tệ tại các nhà hàng ký hợp đồng với hãng lữ hành.

Thành thực mà nói, đó là nguyên nhân chính phá hỏng chuyến đi đầu tiên đến Singapore của tôi. Thử tưởng tượng bạn phải ăn những món ăn nguội ngắt và nhạt nhẽo, giữa một biển du khách ồn ào và lộn xộn, liệu đó có phải là chuyến du lịch nghỉ dưỡng, hưởng thụ mà bạn mơ ước? Chắc chắn là không rồi. Tệ hại hơn nữa, những trải nghiệm kiểu đó sẽ cho bạn một cái nhìn hoàn toàn lệch lạc về đất nước bạn đến. Khi tôi đến Singapore lần thứ hai và tự mình khám phá văn hoá ẩm thực Singapore chân chính, tôi mới vỡ lẽ mình đã bị các tour du lịch “bịt mắt” như thế nào. 

Những điều tưởng như rất đơn giản - đồ ăn, thức uống, dịch vụ đi lại và ngủ nghỉ - lại quyết định cảm nhận của du khách về vùng đất mà họ lần đầu đặt chân đến. Du khách nước ngoài thường sẽ tạo dựng một ấn tượng khá phiến diện sau chuyến đi đầu tiên và lựa chọn quay trở lại hay là không dựa trên cái nhìn chưa đầy đủ đó. Điều đáng buồn là những tour du lịch thường đem lại cho du khách trải nghiệm nghèo nàn, tẻ nhạt, hoặc tồi tệ đến mức khiến họ “một đi không trở lại”. Thật đáng tiếc, bởi đôi khi một góc nhìn lệch lạc có thể khiến bạn bỏ lỡ những điều tuyệt vời còn chưa kịp khám phá. 

Hàn Quốc là một đất nước cực kỳ biết cách làm du lịch, mặc dù tôi xin khẳng định rằng cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo ở đó còn thua xa nhiều quốc gia khác, thậm chí thua cả Việt Nam. Nhưng họ quảng bá về đất nước mình cực kỳ thành công nhờ biết chọn những góc nhìn đẹp nhất để “mời chào” khách du lịch. Du khách đến Hàn Quốc có thể có cảm giác “bị lừa”, nhưng là một “cú lừa” rất êm ái và dễ chấp nhận. Bởi dịch vụ của họ tốt, chỉ vậy thôi.

Người ăn xin ở lối vào đền Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh(Hưng Nguyên). 	Ảnh: Phan Nguyễn
Người ăn xin ở lối vào đền Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên). Ảnh: Phan Nguyễn

Điều gì sẽ khiến khách du lịch muốn quay lại Việt Nam? Chắc chắn không phải là giao thông rồi. Tiếng Anh chưa phổ biến cũng là một điểm trừ. Vệ sinh thực phẩm lại càng không. Giá cả thì cứ thấy khách nước ngoài là “chặt chém” vô tội vạ. Để thấy chúng ta làm du lịch còn “amateur” và “ăn xổi” lắm, vì khách chỉ đến một lần chứ hiếm khi muốn quay trở lại lần hai, lần ba. Mà nếu như thế thì còn lâu du lịch mới là ngành kinh tế mũi nhọn được. 

Hải Triều

TIN LIÊN QUAN

Tin mới