Tại sao lợn nái hay mắc dịch tả châu Phi?

(Baonghean.vn) - Thống kê tại các địa phương trên địa bàn Nghệ An cho thấy, trong số tổng lợn phải tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, thì có tới 40% là lợn nái.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tái bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An, do vậy, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch ngày càng nhiều hơn. Có một thực tế khiến người chăn nuôi thiệt hại lớn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi đó là phần lớn số hộ có dịch đều xuất phát từ lợn nái.

Người chăn nuôi thiệt hại nặng nề khi lợn nái là nguồn thu nhập chính của gia đình bị nhiễm dịch. Ảnh: Xuân Hoàng
Người chăn nuôi thiệt hại nặng nề khi lợn nái là nguồn thu nhập chính của gia đình bị nhiễm dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn ở xóm 8, xã Diễn Thái (Diễn Châu) vừa có con lợn nái đang mang thai gần đến ngày đẻ thì bị chết do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, cho biết năm 2019, đàn lợn của gia đình nuôi tại hệ thống chuồng trại này bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đầu năm 2020, gia đình tái chăn nuôi bằng 1 con lợn nái vì mong số lượng lợn giống đẻ ra, một phần bán ra thị trường, một phần để lại nuôi lợn thịt.

"Lợn nái hàng năm thường không được tiêm phòng chu đáo bởi vào kỳ tiêm phòng vắc-xin hàng năm của địa phương lại hay rơi vào giai đoạn lợn đang mang thai, nên gia đình không tiêm, vì sợ lợn sẩy thai. Có lẽ vì nguyên nhân đó nên con lợn nái dễ nhiễm bệnh" - bà Nhàn cho hay.

Bà Đinh Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho biết thêm, trong đợt này địa phương đã tiêu hủy 50 con lợn, trong đó, lợn nái 6 con, còn lại là lợn con theo mẹ và một ít lợn thịt.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu cho thấy, trong tổng số con lợn phải tiêu hủy tính đến ngày 13/4 là 640 con, trong đó, lợn nái 182 con, 126 lợn con theo mẹ, còn lại là lợn thịt, lợn đực giống. 
Theo ông Nguyễn Trọng Bốn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Diễn Châu, nguyên nhân số lượng lợn nái nhiễm dịch nhiều có thể do những hộ này trước đây đã từng xảy ra dịch, mầm bệnh trong chuồng trại chưa được xử lý triệt để trước khi tái đàn. Khi tái chăn nuôi, do lợn nái thường nuôi từ năm này qua năm khác, nằm một chỗ trong chuồng trại, đặc biệt sau khi đẻ, sức đề kháng yếu, cùng với ủ bệnh lâu ngày do vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, nên dễ phát bệnh dịch vào thời điểm sau khi đẻ con. 
Tại huyện Yên Thành, số xã tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi trong đợt này lên đến 28 xã, số lượng lợn phải tiêu hủy 1.320 con. Trong số lợn tiêu hủy thì có tới 40% là lợn nái, còn lại là lợn con theo mẹ và lợn thịt. 
Các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng trong hệ thống chuồng trại để phòng dịch được tốt hơn. Ảnh: Xuân Hoàng
Các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng trong hệ thống chuồng trại để phòng dịch được tốt hơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Lợn nái thường được nuôi kéo dài thời gian từ năm này sang năm khác, là điều kiện để mầm bệnh tồn lưu trong cơ thể. Khi gặp điều kiện thuận lợi bệnh sẽ bùng phát. Do vậy, các hộ có lợn nhiễm dịch phần lớn xuất phát từ lợn nái. Tính đến ngày 13/4, Nghệ An đã tiêu hủy gần 9.300 con lợn tại 17 huyện, thành, thị. Trong số lợn đã tiêu hủy, có khoảng 40% là lợn nái nuôi nhỏ lẻ trong dân.

Ông Quỳnh cũng khuyến cáo, để phòng, chống dịch bệnh cho lợn, đặc biệt là lợn nái, người dân cần nuôi theo quy trình an toàn sinh học và tiêu độc, khử trùng tốt trong quá trình chăn nuôi; khi xuất bán lợn con, tuyệt đối không cho người ngoài cầm các dụng cụ vào bắt lợn, vì những dụng cụ, nhất là sọt lợn dễ nhiễm dịch; đồng thời thường ngày có hố vôi sát trùng đề phòng người ngoài mang dịch vào./.

Tin mới