Tại sao trong nhà người Mông luôn có một chiếc cọc tre?

(Baonghean.vn) - Với đồng bào Mông nơi rẻo cao tỉnh Nghệ An, dù có ở đâu, làm gì, họ luôn phải nhớ đến chiếc cọc tre được trồng trong nhà.

Dọc theo nhiều chuyến công tác vào các bản đồng bào Mông nơi vùng rẻo cao miền núi xứ Nghệ đều thấy mỗi gia đình đều có một chiếc cọc tre cột ở trung tâm nhà chính. Qua tìm hiểu chúng tôi mới biết được đây chính là nơi quan trọng nhất trong gia đình và là nơi chôn nhau cắt rốn của những người con trai trong nhà.

vùngđồng bào Mông. Ảnh: Xuân Hòa

Trong mỗi ngôi nhà của đồng bào Mông ở Nghệ An đều có chiếc cọc tre giữa gian chính. Ảnh: Xuân Hòa

Để hiểu rõ hơn chúng tôi tìm đến già làng Lý Chà Giờ (SN 1936, trú tại bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn). Già làng Chà Giờ là người có tiếng nói được nhiều người tại bản tin tưởng. Bởi Già cũng đã nhiều năm làm cán bộ và giáo viên nay về nghỉ hưu. Già cũng là người luôn tìm cách lưu giữ những phong tục cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.

Nói về chiếc cọc tre được cột trang trọng giữa gian chính ngôi nhà, già làng Chà Giờ nói: “Đó là nơi quan trọng bậc nhất trong ngôi nhà đồng bào người Mông chúng ta. Nó là nơi chôn nhau cắt rốn của những người đàn ông trong gia đình. Dù có sinh ở đâu thì nhau thai con trai cũng phải đưa về đây chôn xuống, con gái thì mang về chôn ở chân giường trong buồng. Lớn lên có làm to làm bé hay đi xa đâu nữa cũng nhớ đến cái cột tre đó mà về với gia đình ông bà tổ tiên vì là nơi chôn nhau cắt rốn”.

Vì là vị trí quan trọng nên trong mỗi dịp lễ, Tết chiếc cọc tre thường là nơi làm lễ của đồng bào Mông. Đối với khách đến nhà không được tựa vào, không được chạm vào, nhất là tối kỵ không được đá vào chiếc cọc tre.

người Mông . Ảnh: Xuân Hòa
Già làng Chà Giờ giới thiệu về chiếc cọc tre trong gia đình. Ảnh: Xuân Hòa

“Chiếc cọc tre trong nhà thể hiện cho những người đàn ông trong nhà chính là những trụ cột trong gia đình. Nên nếu người lạ đến nhà không được chạm vào hay tựa vào chiếc cột này, đặc biệt không được đá vào chiếc cọc tre. Đó là thể hiện sự coi thường không tôn trọng người chủ trong gia đình. Trước đây, việc đó sẽ bị phạt vía với người vi phạm nhưng nay tôi đã tuyên truyền người dân bỏ việc đó. Bởi không ít khách là người nơi xa không phải đồng bào dân tộc Mông nên không biết đến việc đó nên lỡ phạm quy. Khi đó tốt nhất khách không biết chủ nhà cũng nên im lặng nhẹ nhàng lấy lý do hợp lý mời khách đến nơi khác trong nhà. Nếu không nên nhắc nhở những vị khách lỡ phạm quy hoặc từ khi họ mới bước chân vào nhà”, già làng Chà Giờ cho biết.

Với đồng bào dân tộc Mông mỗi khi dựng nhà mới hay sửa lại nhà cũ việc họ quan tâm đầu tiên là tìm nơi đặt chiếc cọc tre trong nhà, giữ gìn những chiếc cọc tre cũ và làm nghi lễ cẩn thận để xin một cọc tre mới thay thế cọc đã hư hỏng trong nhà.

Xuân Hòa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới