Tấm lòng thiện nguyện của cô giáo miền rẻo cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Gần 30 năm gắn bó với huyện rẻo cao Tương Dương (Nghệ An), cô Lê Thị Quang đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” nơi “vùng đất khó”. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, niềm vui của cô giáo vùng cao được nhân lên bội phần khi được tuyên dương giáo viên tiêu biểu toàn tỉnh.

Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non, cô giáo trẻ Lê Thị Quang (SN 1975) gói ghém hành trang từ Con Cuông lên Tương Dương nhận công tác. Cô Quang được phân công về Trường Mầm non Lưu Kiền, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đường sá đi lại còn rất đỗi gập ghềnh, đời sống người dân rẻo cao còn hết sức khó khăn. Trường cô lúc bấy giờ còn lợp bằng tranh, thưng bằng phên nứa.

Qua mấy năm bám trụ với những bản làng bên dòng khe Kiền, nhờ có chuyên môn vững, cô Lê Thị Quang được điều về làm chuyên viên Phòng Giáo dục. Suốt hơn 20 năm, cô Quang luôn bám sát hoạt động dạy học của các trường mầm non để tham mưu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và giúp đỡ, bồi dưỡng đồng nghiệp nâng cao năng lực chuyên môn. Công việc tuy thầm lặng nhưng hết sức quan trọng.

Gần 30 năm gắn bó với vùng rẻo cao Tương Dương, cô Lê Thị Quang đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bậc học mầm non. Ảnh: Đình Tuân

Gần 30 năm gắn bó với vùng rẻo cao Tương Dương, cô Lê Thị Quang đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của bậc học mầm non. Ảnh: Đình Tuân

Năm 2018, cô Lê Thị Quang được điều về làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Xá Lượng. Mọi việc bắt đầu lại từ đầu, điều khiến cô lo lắng nhất là sau 20 năm trở lại sẽ gặp những khó khăn, bỡ ngỡ. Nhưng rồi, bằng tấm lòng nhiệt huyết, tận tụy và được đồng nghiệp ủng hộ, cô giáo Quang đã khẳng định được năng lực bản thân, góp phần đưa ngôi trường mầm non đầu nguồn sông Lam đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Khi nhắc đến cô Lê Thị Quang, đồng nghiệp và nhiều học trò cũng như phụ huynh nghĩ ngay đến “cô giáo thiện nguyện”. Bởi từ khi làm Phó Hiệu trưởng, nhiều lần cô đã nỗ lực kêu gọi để giúp trò có bữa ăn ngon, có áo ấm trong mùa đông lạnh giá, để ngôi trường có đủ cơ sở vật chất cho trẻ học tập…

Cô Quang chia sẻ: “Ở đây còn thiếu thốn đủ bề, tôi đã đi xin từ chiếc máy bơm cũ về bơm nước để các cô đỡ phải khiêng từng can về dùng; xin những bộ quần áo cũ để học sinh mặc đủ ấm trong mùa đông; xin từng chiếc lốp cũ về kè trường chống sạt lở và vận động phụ huynh hỗ trợ thêm thức ăn để các cháu tăng nguồn dinh dưỡng. Khi hiểu được mục đích của mình, nếu có điều kiện, những người thân quen sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ”.

Cô Lê Thị Quang luôn suy nghĩ, tìm tòi để nâng cao chất lượng hoạt động dạy học ở trường mầm non. Ảnh: Đình Tuân

Cô Lê Thị Quang luôn suy nghĩ, tìm tòi để nâng cao chất lượng hoạt động dạy học ở trường mầm non. Ảnh: Đình Tuân

Điểm trường Na Bè và Hợp Thành cách điểm trường chính gần 15km, nằm chênh vênh bên dòng khe Ang nên mùa mưa thường bị sạt lở, đắp đất đến mùa mưa năm sau lại lở tiếp. Với quyết tâm giữ lớp, đảm bảo an toàn cho học sinh, cô Quang liên hệ bạn bè ở Vinh và thị xã Hoàng Mai, xin được 500 chiếc lốp ô tô cũ và nhờ vận chuyển miễn phí để kè ta-luy âm. Nhờ đó, mùa mưa vừa rồi khuôn viên điểm trường không còn sạt lở.

Khu vui chơi của các cháu có một số thiết bị xuống cấp hư hỏng, cô Quang lựa những vật liệu còn tốt và xin thêm một ít, rồi nhờ lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn cho công nhân cơ khí sửa chữa, làm mới. Cuối cùng, khu vui chơi được hoàn thiện, vừa đảm bảo tiêu chí trường chuẩn Quốc gia, vừa tiết kiệm cho nhà trường hàng chục triệu đồng.

Giữ bầu nhiệt huyết

Thông qua mạng xã hội Facebook và các mối quan hệ bạn bè, cô Lê Thị Quang đã kêu gọi các tổ chức, đoàn thiện nguyện và các nhà hảo tâm giúp đỡ nhà trường và các em học sinh những món quà và tiền mặt tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, đồng nghiệp và phụ huynh thường gọi cô Quang là “cô giáo thiện nguyện”, danh hiệu này đã nói lên tất cả tấm lòng của nữ nhà giáo miền rẻo cao.

Cô Lê Thị Quang luôn quan tâm tới học sinh, sẵn sàng giúp đỡ những em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Đình Tuân

Cô Lê Thị Quang luôn quan tâm tới học sinh, sẵn sàng giúp đỡ những em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Đình Tuân

Năm học 2020 - 2021, cô Lê Thị Quang đã vận động hỗ trợ tiền và hiện vật cho nhà trường trị giá hơn 456 triệu đồng, năm học 2021 - 2022 gần 300 triệu đồng; chưa kể vận động phụ huynh ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng các công trình nhỏ, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các điểm trường lẻ và mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt cho trẻ bán trú.

Đặc biệt, tháng 7/2021, dịch Covid-19 bùng phát ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh (Tương Dương), toàn bộ bản phải phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, cuộc sống của bà con Khơ mú nơi đây vốn khó khăn, vất vả nay càng thiếu thốn bội phần. Trước khó khăn của bà con dân bản, thông qua tài khoản Facebook cá nhân, cô Quang đã kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ tiền và hiện vật với tổng trị giá 150 triệu đồng.

Cô Lê Thị Quang (ngoài cùng bên phải) trao quà hỗ trợ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương để chuyển tới cho bà con bản Chăm Puông, xã Lượng Minh. Ảnh: Đình Tuân

Cô Lê Thị Quang (ngoài cùng bên phải) trao quà hỗ trợ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương để chuyển tới cho bà con bản Chăm Puông, xã Lượng Minh. Ảnh: Đình Tuân

Với số tiền mặt vận động được, cô Quang dùng mua nước sát khuẩn, khẩu trang, đồ bảo hộ và các vật tư y tế khác để tặng các lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Còn các hiện vật bàn giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện để chuyển đến cho người dân bản Chăm Puông đang gặp thiếu thốn, khó khăn trong những ngày phong tỏa.

Gắn bó với mảnh đất Tương Dương từ ngày mái tóc còn xanh, cô giáo Lê Thị Quang đã gặt hái được nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là 2 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 1 lần được Công đoàn Giáo dục Việt Nam và 5 lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Cô Lê Thị Quang nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982 - 2022. Ảnh: Công Khang

Cô Lê Thị Quang nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982 - 2022. Ảnh: Công Khang

Cô Quang tâm sự: “Đời sống kinh tế - xã hội đang từng bước khởi sắc nhưng so với mặt bằng toàn tỉnh, đời sống của người dân Tương Dương vẫn còn nhiều khó khăn, các em nhỏ vẫn đang chịu không ít thiệt thòi. Trong chặng đường tiếp theo, dù sức khỏe đã bắt đầu giảm sút nhưng tôi sẽ cố gắng giữ bầu nhiệt huyết với nghề, dành tất cả tình yêu thương cho con trẻ…”.

Tin mới