Tầm nhìn của Nhật về trật tự an ninh Đông Á

(Baonghean.vn) - Trật tự khu vực tại Đông Á thường xuyên thay đổi. Sự giảm sút tương đối trong sức mạnh của Mỹ tại châu Á đã dẫn tới những thách thức mới. Các nguyên tắc, quy định, thông lệ và phương pháp để quản lý chương trình nghị sự quốc tế đang đặt ra nhiều dấu hỏi.

Đô đốc Hải quân Mỹ Harry B. Harris Jr., chỉ huy lực lượng của Mỹ tại Thái Bình Dương trò chuyện cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Văn phòng Thủ tướng hôm 16/2. Ảnh: AP.
Đô đốc Hải quân Mỹ Harry B. Harris Jr., chỉ huy lực lượng của Mỹ tại Thái Bình Dương trò chuyện cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Văn phòng Thủ tướng hôm 16/2. Ảnh: AP.

Mức độ sẵn sàng duy trì vai trò tích cực tại Đông Á của Mỹ, cùng với thái độ của Trung Quốc và các nhóm nước chủ chốt như ASEAN sẽ định hình tương lai khu vực này. Cách thức các chủ thể chính phản ứng trước môi trường an ninh đang biến đổi sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định tương lai trật tự an ninh tại Đông Á.

Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với Nhật Bản?

Nhật Bản hiện đang là quốc gia trong khu vực ủng hộ mạnh mẽ nhất việc duy trì trật tự do Mỹ dẫn dắt trên cả khía cạnh an ninh lẫn kinh tế. Sau nhiệm kỳ ngắn ngủi của cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama (9/2009-6/2010), Nhật Bản đã đánh mất khát vọng trở thành “người kiến tạo” trật tự khu vực. Thay vào đó, nước này lại chú tâm vào việc hợp nhất chính sách về châu Á của mình với mối quan hệ song phương với Mỹ.

Không phải lúc nào Nhật Bản cũng dành sự tin tưởng vào vị thế ưu việt của Mỹ tại châu Á. Trong quá khứ, nước này từng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức khu vực, bao gồm các cơ chế như ASEAN+3 và ASEAN+6. Nhật cũng tích cực theo đuổi ngoại giao song phương với các nước Đông Nam Á theo học thuyết Fukuda được đưa ra từ năm 1977, tập trung xây dựng các quan hệ hòa bình và hợp tác với các thành viên ASEAN.

Nhưng trong 1 thập niên trở lại đây, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Nhật Bản ngày càng có thiên hướng nhìn nhận các quan hệ của nước này với Đông Nam Á thông qua lăng kính liên minh của Mỹ. Dù đảng nào nắm quyền, chính sách đối ngoại của đất nước hoa anh đào rõ ràng đều nhắm tới việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.

Nhật Bản luôn tập trung xây dựng các quan hệ hòa bình và hợp tác với các thành viên ASEAN. Ảnh: Internet.
Nhật Bản luôn tập trung xây dựng các quan hệ hòa bình và hợp tác với các thành viên ASEAN. Ảnh: Internet.

Để ủng hộ khuôn khổ liên minh của Mỹ, Nhật Bản đã đề cao quan hệ hợp tác an ninh với hầu hết các nước ASEAN, cải thiện thực chất quan hệ song phương với các quốc gia ASEAN để có thêm nhiều trao đổi về mặt quốc phòng. Lập trường của Nhật về các đàm phán xuyên Thái Bình Dương - vốn nhận được sự ưu tiên hơn các quan hệ đối tác kinh tế khác của nước này trong khu vực - cũng cho thấy cam kết mạnh mẽ nhằm đảm bảo Mỹ tiếp tục can dự trong khu vực. Giới hoạch định chính sách của Tokyo tính toán, nước này sẽ có thêm các lợi ích chiến lược nếu tăng vị thế của Mỹ trong khu vực. Quan điểm này có lẽ bén rễ sâu tại Nhật hơn bất cứ nơi đâu, kể cả tại Australia hay ngay cả tại Mỹ.

Hồi tháng 4/2015, Nhật và Mỹ đã đưa ra tuyên bố chung và cập nhật các bản hướng dẫn về quan hệ hợp tác phòng thủ Mỹ-Nhật, nhấn mạnh sự cộng tác song phương và cộng tác 3 bên trong các nỗ lực xây dựng năng lực an ninh cho các nước Đông Nam Á. Chính quyền Abe cũng đã thành công làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác an ninh Mỹ-Ấn, đặc biệt là liên quan tới hợp tác phòng thủ và hạt nhân dân sự. Đây chính là biểu hiện cho thấy cách Nhật “Bảo đảm” đường lối ngoại giao của mình tại châu Á.

Hành vi của Nhật nhằm bổ trợ cho cái gọi là chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” sang châu Á của Mỹ, song sự thay đổi trong chính sách của Nhật Bản thực tế đã có trước chiến lược xoay trục của Mỹ. Những dấu hiệu đầu tiên của định hướng chính sách đối ngoại mới mẻ này đã bắt đầu dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe hồi năm 2006-2007.

Chính quyền Abe cũng đã thành công làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác an ninh Mỹ-Ấn. Ảnh: Internet.
Chính quyền Abe cũng đã thành công làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác an ninh Mỹ-Ấn. Ảnh: Internet.

Và các căng thẳng vẫn còn tồn tại giữa đường hướng của Mỹ và Nhật đối với an ninh tại Đông Á. Nhật Bản tỏ ra quả quyết hơn các đối tác, mong muốn chống lại tầm ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc và muốn giải quyết các thách thức hàng hải bằng việc thực thi các cơ chế dựa trên các quy tắc, quy định. Lập trường này xuất phát từ cách Nhật Bản nhìn nhận Trung Quốc, vốn đã đổi thay khi tầm ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và các cuộc khủng hoảng về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tăng lên.

Đến nay một số yếu tố ngoại giao châu Á truyền thống của Nhật Bản vẫn còn sót lại trong quan hệ song phương, song trong thập niên qua chủ yếu nước này dành vai trò trọng tâm cho vấn đề an ninh. Sức nặng của các quan ngại an ninh trong chính sách đối ngoại đã khiến các nhà ngoại giao Nhật Bản thúc đẩy một lập trường chung với ASEAN về các tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Vai trò được nhiều kỳ vọng của ASEAN trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của Nhật Bản nhìn chung không hề thay đổi. Nhật Bản muốn khuyến khích ASEAN mạnh lên và thúc đẩy quá trình xây dựng cộng đồng chung. Ngay cả ngoài giới cầm quyền, nhiều chuyên gia Nhật Bản vẫn đánh giá cao vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Chừng nào mà đa số các nước ASEAN còn kháng cự trước sức ép bên ngoài từ bất cứ bên thứ 3 nào, thì khi đó việc thúc đẩy ASEAN vẫn sẽ làm lợi cho Nhật. Đó là bởi ASEAN có thể giúp Nhật Bản xúc tiến chủ nghĩa khu vực, đồng thời theo đuổi các cơ chế kinh tế và an ninh bao gồm cả nước Mỹ.

Động thái của Nhật cho thấy trong quá trình tái tính toán chiến lược của mình, duy trì tầm ảnh hưởng của Mỹ là chìa khóa để bảo vệ trật tự khu vực. Tokyo nhận thấy rằng chỉ riêng sức mạnh của họ không đủ để định hình trật tự đó, bởi vậy cần phải xây dựng các liên minh với các đối tác khu vực có những tương đồng về mục tiêu chính trị, chẳng hạn như Australia.

Đến nay, ngoại giao của Nhật Bản đối với Đông Á đã trải qua sự biến đổi đáng kể. Trong đó, tầm nhìn chiến lược nâng đỡ liên minh Mỹ-Nhật đã được kéo giãn để làm trụ cột cho chính sách ngoại giao đối với toàn bộ Đông Á của Tokyo. Việc nới rộng lô-gích liên minh Mỹ-Nhật vô hình trung ảnh hưởng đến khả năng theo đuổi trật tự khu vực thực sự bao quát của Nhật. Đã đến lúc chính sách đối ngoại của nước này phải nắm lấy những lợi thế của chủ nghĩa đa phương tổng thể.

Thu Giang

(Theo EAF)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới