Tầm nhìn xa trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”

Từ ngày đó, tròn 75 năm đã qua, đất nước ta vượt qua hai cuộc trường chinh, đã giành được độc lập, hòa bình và thống nhất – mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong “Lời kêu gọi”. Công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đang diễn ra lại tuân theo một cơ chế mới: Cạnh tranh thị trường không kém phần quyết liệt giữa các đơn vị, các địa phương, các quốc gia và giữa những con người với nhau. Tất cả đều nhằm đạt hiệu quả cao nhất, quyết giành phần thắng cho mình, đơn vị mình. Vì thế, đến nay, các ban thi đua ở địa phương đã giải thể, cách phát động, tổ chức các phong trào thi đua cũng thưa vắng, không rầm rộ như trước.

Điều đó là hợp lý, khi hoạt động kinh tế – xã hội theo quy luật cạnh tranh là chủ yếu, thì cách kêu gọi thi đua “suông”, ít quan tâm đến lợi ích con người, lại nặng về hình thức “cờ – đèn – kèn – trống” với các khẩu hiệu có vần vè dễ nhớ không còn mấy hiệu quả.

Tuy vậy, đọc lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 75 năm trước, bỗng nhận ra vẫn còn nhiều nội dung có giá trị, cần được hiểu một cách thấu đáo, khi vận dụng vào điều kiện cụ thể hiện nay.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước hết, ngay từ tên gọi “Thi đua ái quốc” đã mang một mục đích, một vẻ đẹp cao cả, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Một đơn vị, một địa phương nhờ cạnh tranh quyết liệt, giành được dự án sản xuất thu lợi nhuận cao nhưng sản xuất càng phát triển, môi trường càng bị suy thoái, bị đầu độc (như xả khói, xỉ than chứa nhiều độc tố) thì không thể gọi là “ái quốc – yêu nước” được. Cuộc sống không thể thiếu vật chất, hầu như ai cũng gắng sức bươn chải để đạt tới sự giàu sang, nhưng xã hội càng tiến bộ, con người càng chú trọng đến những giá trị tinh thần, đạo đức. Đặt mục đích thi đua là “ái quốc – yêu nước”, chứ không phải để giành được danh hiệu này nọ với những món tiền thưởng lớn – sẽ làm cho mọi hoạt động tầm thường hàng ngày của con người mang ý nghĩa mới cao thượng hơn, hạn chế mặt tiêu cực trong cạnh tranh – khi mà con người ta chỉ biết tới chuyện “hơn – thua” và lợi ích phe nhóm. Chính với tinh thần “ái quốc”, đã có địa phương từ chối dự án “khủng” để bảo vệ môi trường, sinh thái; đã có khách sạn không nhận loại du khách cư xử trịch thượng, thiếu văn hóa, xúc phạm truyền thống dân tộc, mặc dù như thế thu nhập bị giảm sút.

Chúng ta cũng cần lưu ý, ngay giữa lúc khói lửa bom đạn bời bời, trong “Lời kêu gọi” từ 75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng các nhà buôn, doanh nghiệp. Điều đó thể hiện, trong 7 lớp người mà Người kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới lực lượng “công thương” trước cả công nông, trí thức, nhân viên Chính phủ và bộ đội dân quân: “Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp”. Thật tiếc là đã có những thời kỳ, có thể do sức ép của một “đường lối” nào đó, một số ban, ngành đã “quên” cách nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương ngay từ thời kháng chiến gian lao, nên vội vàng ban hành các chính sách gây thiệt hại nặng nề cho các nhà buôn, doanh nghiệp, khiến cả nền kinh tế lao đao. Cũng may là gần đây Nhà nước đã nhìn nhận “giới công thương” là lực lượng quan trọng góp phần làm nên sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Cần nhìn lại như thế để thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng như thế nào trong “Lời kêu gọi” từ 75 năm trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công thương Hà Nội tại Bắc Bộ phủ năm 1945. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công thương Hà Nội tại Bắc Bộ phủ năm 1945. Ảnh: Tư liệu

Cũng với cái nhìn viễn kiến như thế, sau khi nêu các kết quả cụ thể của thi đua ái quốc là dân đủ ăn, đủ mặc, biết đọc, biết viết, bộ đội đủ lương thực khí giới để giết giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục tiêu cao đẹp hơn, có giá trị nhân văn hơn là “thực hiện Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Gọi là viễn kiến, vì cho đến nay, chúng ta ngày càng nhận ra những mục tiêu “Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc” còn khó thực hiện hơn cả việc đánh đuổi quân xâm lược. Điều dễ thấy là hơn 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh rồi, mặc dù đất nước đã có những đổi thay không thể phủ nhận, nhưng nhiều vùng sâu, vùng xa còn thiếu việc làm, đời sống rất nhiều khó khăn, con em ở nhiều địa phương còn phải đi làm thuê vất vả (được gọi là xuất khẩu lao động) ở những nước xa xôi, thời tiết khắc nghiệt…

Rồi một số quyền cơ bản mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đến nay, Quốc hội vẫn chưa xây dựng thành luật được… Cả mục tiêu “Dân tộc độc lập” vẫn đang thường xuyên bị thách thức khi một phần lãnh thổ trên Biển Đông chưa thu hồi và chúng ta vẫn phải thường nêu cao tinh thần “độc lập tự chủ” trong bang giao quốc tế hay khi quyết định các chính sách cần sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế… Chính vì thế, tinh thần chủ đạo “ái quốc – yêu nước” trong “Lời kêu gọi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948 vẫn là “kim chỉ nam” trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Trong “Lời kêu gọi”, mặc dù với tư cách là lãnh tụ tối cao của dân tộc, sau khi chỉ ra 3 mục tiêu đã nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời tới 7 lớp người (phụ lão, thiếu nhi, công thương…) với một thái độ khiêm tốn rất mực, đúng tinh thần “dân vi quý” chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có:

“Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin…

Các cụ phụ lão…

Đồng bào phú hào…”

Xin được nhấn mạnh “tôi xin”, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn có quyền “ra lệnh”, ít ra thì cũng “kiến nghị”. Hôm nay, nhìn một số cán bộ chỉ là cấp phường, khu phố mà đã cửa quyền với dân và đơn cử những tấm biển “cho phép rẽ phải” bên một số ngã tư đường, gây cảm tưởng là lớp cán bộ đơn vị, cơ sở dường như đang chỉ biết hô khẩu hiệu suông, không noi gương (hoặc không biết) đạo đức Hồ Chí Minh cụ thể ra sao!

Bác Hồ thăm lò cao, Khu Gang Thép Thái Nguyên, năm 1964 và Nhà máy diêm Thống Nhất, năm 1956. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm lò cao, Khu Gang Thép Thái Nguyên, năm 1964 và Nhà máy diêm Thống Nhất, năm 1956. Ảnh: Tư liệu

Cũng vì vậy, xin nhắc lại điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “xin” các cấp cán bộ Nhà nước như sau: “Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân”. Đó cũng chính là điều mà hiện nay toàn dân đang hy vọng cán bộ các cấp sẽ thực hiện được, nhất là khi Đảng, Quốc hội và Nhà nước ta vừa mạnh mẽ đặt lên bàn nghị sự việc cải tổ và chấn chỉnh bộ máy phục vụ nhân dân cho phù hợp với yêu cầu của công cuộc Đổi Mới và xu thế mới của thời đại.

“Lời kêu gọi” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ 75 năm trước, vì thế, vẫn nóng hổi tính thời sự./.


| Ảnh minh họa: Tư liệu
| Thiết kế – Kỹ thuật: Thục Linh