Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: 'Cái gai' trong mắt Trung Quốc?

(Baonghean) - Ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn bà Tomomi Inada làm Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Gen Nakatani hôm 3/8, Trung Quốc đã có những phản ứng thể hiện khó chịu.

Cụ thể là việc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã gọi bà Inada là “chính trị gia cánh hữu điển hình”. Vậy vì sao CCTV lại có những phản ứng như vậy? Liệu bà Tomomi Inada lên nắm quân đội có thể khiến quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc xấu thêm?

Tomomi Inada trả lời phỏng vấn trong lễ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Tomomi Inada trả lời phỏng vấn trong lễ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong cuộc điều chỉnh nhân sự nội các Nhật Bản ngày 3/8, Thủ tướng Shinzo Abe đã bổ nhiệm một nhân vật thân cận theo đường lối cứng rắn vào vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữa lúc căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng gia tăng.

Bà Tomomi Inada nhậm chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Trung - Nhật xung quanh tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông, chưa kể vụ Triều Tiên ngày 3/8 phóng một tên lửa đạn đạo rơi cách bờ biển Nhật chỉ 250 km.

Xuất thân là luật sư, sau đó trở thành nghị sỹ, bà Inada, 57 tuổi, là một trong những chính trị gia thân cận của ông Abe, và cũng là người ủng hộ kế hoạch xem xét lại hiến pháp hậu chiến của Thủ tướng Abe. Bà nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, không muốn nói là “diều hâu” trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Theo tờ Sankei, tại một cuộc họp của Đảng LDP vào năm 2015, ông Abe từng so sánh bà Inada với Joan of Arc, một nữ anh hùng trong cuộc chiến của nước Pháp chống lại quân Anh vào thế kỷ 15.

Trở thành tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật, bà Inada thay thế ông Gen Nakatani, người đã thất bại trong nỗ lực giành thỏa thuận cung cấp tàu ngầm cho Australia trong năm nay. Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ là hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên với nước ngoài của Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Abe nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí vào năm 2014.

“Vai trò của Inada sẽ phức tạp bởi quan điểm của bà ấy về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc vốn đã dè chừng với Nhật vì tranh chấp trên Biển Đông. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các phát biểu của bà Inada cũng như hoạt động của hải quân Nhật do quan điểm cứng rắn của bà ấy”, ông Jeff Kingston, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple, Nhật Bản, nhận xét.

Phát biểu sau khi nhậm chức, bà Inada cho biết sẽ nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh trên cơ sở liên minh Mỹ - Nhật và sự hợp tác với các quốc gia khác có chung lợi ích và giá trị với Nhật. Ông Bonji Ohara, nhà nghiên cứu thuộc Tokyo Foundation, cho rằng việc bổ nhiệm bà Yasukuni vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật ít có khả năng làm tổn hại thêm mối quan hệ vốn dĩ đã mong manh giữa Tokyo với Bắc Kinh.

Các Nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản thăm đền Yasukuni (tháng 10-2013).
Các Nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản thăm đền Yasukuni (tháng 10-2013).

Bà là một trong những nhân vật thường xuyên đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo - ngôi đền mà Trung Quốc và Hàn Quốc coi là một biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật Bản, làm cho Bắc Kinh hết sức tức giận. Không chỉ có vậy, điều làm họ lo lắng hơn cả là trong vài năm gần đây, Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe đã có sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng.

Cụ thể, Nhật Bản đã sửa đổi cách diễn giải Điều 9, Hiến pháp hòa bình đã tồn tại từ sau Thế chiến thứ 2. Điều 9 của Hiến pháp này quy định: Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh bằng quyền lực nhà nước, không duy trì lục quân, hải quân, không quân và các lực lượng chiến tranh khác, không thừa nhận quyền giao chiến của nhà nước.

Có thể nói, “Hiến pháp hòa bình” đã hạn chế đáng kể chính sách phát triển quốc phòng của Nhật Bản. Sau khi sửa đổi, nội dung Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình có những điểm mới những tính đột phá như cho phép Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài; nới lỏng, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động do Liên Hợp quốc tổ chức ở nước ngoài về hòa bình, cứu trợ...

Như vậy, sau 70 năm trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng vệ được quy định trong Hiến pháp, nước Nhật đã thực hiện những bước đi lịch sử, cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hoặc trợ giúp Mỹ và các nước đồng minh khi họ bị tấn công vũ trang.

Với sự cứng rắn của mình, khi đứng đầu Bộ Quốc phòng, nhiều khả năng bà Inada sẽ nỗ lực thực hiện chính sách quốc phòng mới, tăng cường quyền hạn, và vai trò của quân đội Nhật Bản ở bên ngoài, hiện thực hóa tham vọng địa chính trị của ông Abe và chính phủ Nhật Bản. Bởi khi bà Tomomi Inada đã là một đồng minh cùng chí hướng, chắc chắn sự thay đổi trong chính sách an ninh của Shinzo Abe sẽ càng thuận lợi. Đây là điều mà Trung Quốc hết sức lo lắng, nhất là trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền ngày càng gay gắt giữa Nhật Bản và nước láng giềng Trung Quốc.

Cảnh Nam

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới