Tân Kỳ: Cây mía được chú trọng đầu tư vì đầu ra bền vững

(Baonghean.vn) - Nông dân Tân Kỳ và các vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Sông Con đang tập trung chăm sóc mía sau thu hoạch để có một vụ mía bội thu. Trong khi cam, quýt và nhiều nông sản xuống giá cây mía vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
Trên cánh đồng quýt PQ ở xã Tân Long, anh Võ Hồng Điểm, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Sông Con chia sẻ: Năm nay cam và quýt của Công ty thất thu vì khó bán, 1 kg quýt tại ruộng chỉ có 2.000 đồng vẫn không có người mua. Những tháng gần đây, trên địa bàn các nông sản từ cam, quýt, bí xanh, rau màu, trứng gà... đều rất khó bán thì cây mía đầu ra vẫn bền vững nên mang lại thu nhập cao cho cán bộ công nhân viên công ty nhận đất sản xuất. 
Chia sẻ về lợi ích của cây mía, anh Điểm cho biết: Để có hiệu quả cao, Công ty thực hiện nghiêm túc việc thâm canh tăng năng suất cho mía theo chỉ dẫn của Nhà máy đường Sông Con. Việc trồng mía được tiến hành trên những cánh đồng rộng lớn liền vùng liền thửa để cơ giới hóa toàn bộ các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch. Bên cạnh đó đưa nhiều giống mía mới cho năng suất cao vào trồng như: LK3, Du Mông, LK92-11...
Vùng mía của Công ty CP Nông nghiệp Sông Con phát triển tốt. Ảnh: Trân Châu
Vùng mía của Công ty CP Nông nghiệp Sông Con phát triển tốt. Ảnh: Trân Châu 
Năm 2021, Công ty CP NN Sông Con có 376 ha mía, năng suất bình quân 85 tấn/ha.Theo tính toán, hiện chỉ có mía và cao su là cho thu nhập ổn định, tuy nhiên cao su phải có thời gian chờ đợi và nhiều lúc còn bị gãy đổ. Công ty hiện tiếp tục phát triển diện tích mới đạt 800 ha mía theo quy hoạch/tổng 2119 ha đất sản xuất của Công ty. 
1 ha mía trồng mới hết 10 tấn giống, 5 tạ vôi, phân NPK, 1 ha hết 20 triệu đồng chi phí, năm đầu trừ hết chi phí sản xuất, người sản xuất còn lãi khoảng hơn 20 triệu đồng/ha, nhưng những năm sau lợi nhuận đạt hơn 50 triệu đồng/ha. Đây là thu nhập bền vững nhất trong các cây trồng hiện nay ở Tân Kỳ. Đặc biệt không phải lo đầu ra vì có nhà máy bao tiêu. 
Để đạt được mục tiêu đó, những năm gần đây, Công ty đã thực hiện nhiều mô hình thâm canh mía năng suất cao, áp dụng cơ giới hóa 100%, bằng giống mía mới. 
Nhiều hộ nhận đất của Công ty sản xuất mía lớn như Hoàng Văn Việt xóm Hồ Thành vụ này trồng 3,3 ha mía mới, bên cạnh đó có 0,6 ha mía lưu gốc. Năm qua mía của gia đình của anh đạt 70 tấn/ha, với diện tích đó thu nhập trừ chi phí năm nay ước còn hơn 100 triệu đồng.   
Nhiều hộ khác như chi Lương Thị Xuân, đơn vị Hồ Thành, trồng 1,5 ha, sản lượng mía đạt trên 90 tấn ha, hộ Nguyễn Văn Hòa, có 1,9 ha, năng suất đạt 85 tấn/ha, hộ chị Mai Thị Thành, có 1,7 ha đạt năng suất mía 90 tấn/ha. 
Với mức thu nhập đó cùng với các cây trồng khác như cao su, ngô... các hộ dân có nguồn thu ổn đình hàng năm.
Cơ giới các khâu sản xuất mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Hoàng - Châu
Cơ giới các khâu sản xuất mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Hoàng - Châu

Anh Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng ban sản xuất nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Niên vụ 2019 - 2020 và năm nay, Công ty tiếp tục thêu đất của người dân trồng cây kém hiệu quả để triển khai cánh đồng liền thửa. Hiện đã thuê 17 ha đất nông nghiệp của người dân xã Nghĩa Đồng để trồng thâm canh mía, bằng giống mía mới LK 92-11. Bên cạnh đó có nhiều mô hình khác ở các xã Giai Xuân, Tân Xuân, Đồng Văn...

Việc thực hiện các mô hình liên vùng, liền thửa và ứng dụng cơ giới hóa trăm phần trăm cùng với những nhà trồng mía chuyên nghiệp như các công ty, HTX, chủ hợp đồng lớn là xu hướng sản xuất chuyên nghiệp giúp Công ty giảm bớt các thủ tục và giúp người dân có sự kết nối nhanh hơn với nhà máy. Trong đó Nhà máy đường là nhà đầu tư chiến lược và các bên tiến hành các hợp đồng kinh tế sản xuất mía. 
Hiện Nhà máy đường Sông Con có hơn 6.000 ha mía và nhờ thời tiết thuận lợi mía đang phát triển tốt, mía cắt bằng máy lên đều, người dân chăm sóc cẩn thận hứa hẹn một vụ mía năng suất cao. Cây mía vẫn có hiệu quả cao nếu thâm canh, giống mới năng suất cao và sạch bệnh.  

Tin mới