Tân Kỳ giải quyết những bức xúc, nổi cộm trên địa bàn

(Baonghean) - Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tân Kỳ vẫn là địa phương có sự phát triển kinh tế thấp; tình hình an ninh, trật tự xã hội còn nhiều tồn tại. Nhưng với sự quyết tâm, đồng thuận, đổi mới cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, Tân Kỳ đã tạo ra những bước chuyển tích cực sau đại hội đảng các cấp.

Chuyển động ở cơ sở

Là xã miền núi đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%, Giai Xuân có điểm xuất phát kinh tế thấp; hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Để tạo ra bước phát triển mới trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng ủy xã xác định rõ 3 trọng tâm, đó là phát triển kinh tế – xã hội; chăm lo công tác xây dựng Đảng; giải quyết các vấn đề tồn tại gây bức xúc trong nhân dân. Trong phát triển kinh tế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người dân. Để làm được nhiệm vụ này, cấp ủy chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xây dựng kế hoạch, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, gắn với quy hoạch, chỉnh trang hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng. 

Lãnh đạo huyện Tân Kỳ tham quan thực tế việc sử dụng máy cày đa chức năng vào sản xuất mía ở xã Nghĩa Đồng. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ tham quan thực tế việc sử dụng máy cày đa chức năng vào sản xuất mía ở xã Nghĩa Đồng. Ảnh: Mai Hoa

Dẫn chúng tôi đi tham quan từng vùng đất sau dồn điền, đổi thửa được quy hoạch theo hướng chuyên canh lúa, ngô, mía, sắn, rau màu các loại, vùng xây dựng trang trại, gia trại..., Bí thư Đảng ủy xã Giai Xuân Nguyễn Duy Kết khoe: Nhờ quy hoạch từng vùng tập trung đã tạo điều kiện để bà con đầu tư thâm canh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Riêng cây mía hiện nay cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất đến khâu trồng. Giai Xuân cũng là địa phương đứng đầu diện tích và sản lượng mía so với các xã khác trong huyện, với tổng 1.165 ha (tăng 165 ha so với đầu nhiệm kỳ), năng suất gần 40.000 tấn/năm. Đối với 35 ha quy hoạch trồng rau xanh, gồm bầu, bí, su hào, bắp cải, rau cải... cũng được tập trung đầu tư thâm canh; nâng cao hệ số quay vòng đất; nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích lên 10%. 

Ngoài ra, địa phương đã triển khai được một số mô hình mới như cây gừng, cam; phát triển trang trại với 10 trang trại tổng hợp. Cùng với tích cực chỉ đạo dồn điền, đổi thửa gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, theo Bí thư Kết, Đảng ủy xã cũng tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, mạnh nhất là trâu, bò; tăng tổng đàn 10 – 12% so với cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015. Cùng với phát triển kinh tế, nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến công tác quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc đảm bảo chính sách chưa kịp thời, việc “phủ sóng” thẻ BHYT..., cũng được Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo xử lý. 

Còn với xã Tân An, thành công lớn nhất ở nhiệm kỳ 2015 – 2020 là đưa xã về đích nông thôn mới thành công. Đồng chí Chử Hoài Thanh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã chia sẻ: Trên cơ sở rà soát 19 tiêu chí nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện từng tiêu chí theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau; ưu tiêp tập trung thực hiện các tiêu chí “mềm”, đó là giảm hộ nghèo và tạo việc làm để nâng cao thu nhập, tăng mức sống  của người dân. Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đơn vị khối xóm chuyển đổi một số diện tích đất phù hợp, phục vụ cho phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất tập trung cho những cây, con chủ lực ở địa bàn như cao su, mía, cây ăn quả, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 485 ha cao su và 40 ha cây ăn quả có múi. Bên cạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân phát triển chăn nuôi với tổng đàn trâu, bò toàn xã là 1.823 con, địa phương cũng khuyến khích người dân tận dụng 120 ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 93,5%; cơ bản đã giải quyết được tình trạng “ly hương“, nhiều thanh niên đã yên tâm lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương. 

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm

Bước vào nhiệm kỳ 2015 – 2020, bên cạnh những thuận lợi, Đảng bộ huyện Tân Kỳ cũng đối diện với nhiều khó khăn, nhất là quy mô kinh tế còn nhỏ, hạ tầng kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, vấn đề tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn đánh bạc gây ảnh hưởng đến tình hình tư tưởng trong Đảng bộ. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XX, ngoài 24 nghị quyết, đề án ở nhiệm kỳ trước tiếp tục thực hiện, BTV Huyện ủy đã ban hành thêm 15 nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình mới. 

Ở mỗi nghị quyết, đề án, BTV Huyện ủy Tân Kỳ yêu cầu UBND huyện, các ban, ngành và cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể ở cấp mình; gắn với kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Ví dụ, sau khi ban hành Chỉ thị 02/CT-HU, ngày 3/11/2015  về “Tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tệ nạn đánh bạc trên địa bàn huyện”, BTV Huyện ủy giao trách nhiệm cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình, biểu mẫu, đồng thời chỉ đạo các khối, xóm tiến hành ký cam kết đến tận người dân không vi phạm tệ nạn đánh bạc.

Huyện ủy cũng ban hành mẫu cam kết riêng dành cho đối tượng là cán bộ, đảng viên; công khai điện thoại của các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện, sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến đánh bạc... Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đó, tệ nạn đánh bạc trên địa bàn huyện từ sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 giảm mạnh. Nếu như trước đây, bình quân mỗi năm phát hiện, bắt giữ 100 vụ và trên 500 đối tượng, thì trong vòng 1 năm rưỡi lại nay (từ tháng 11/2015 – 4/2017) chỉ phát hiện 93 vụ với 438 đối tượng. 

Nhờ sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gắn trách nhiệm cụ thể cho tổ chức và cá nhân trên từng mũi, nội dung, từ sau đầu nhiệm kỳ lại nay, Tân Kỳ đã tạo ra nhiều bước chuyển trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Huyện đã thu hút được một số dự án như Nhà máy ngói lợp và gạch ốp lát Cotto Hoàng Nguyên, có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng (đã đi vào hoạt động từ năm 2016), Showroom ô tô và dịch vụ thương mại Trường Hải, có tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng (chuẩn bị đi vào hoạt động)...

Ngoài ra, nhiều dự án đang tập trung giải phóng mặt bằng như trung tâm thương mại với diện tích 7.000 m2; trung tâm hội nghị, nhà hàng cao cấp với diện tích 8.000 m2 tại thị trấn; điểm dừng - đậu và tiếp nhận nguyên liệu trên đường Hồ Chí Minh... Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo đưa cây cam trở lại trồng ở một số địa phương thuộc Nông trường An Ngãi và Sông Con trước đây như Tân Hợp, Tân An, Tân Phú, Tân Long, với diện tích trồng được 300 ha... 

Đồng chí Bùi Thanh Bảo - Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ cho biết: Ngoài xác định rõ những chương trình, lĩnh vực trọng tâm cả nhiệm kỳ thì trong từng năm, BTV Huyện ủy đều xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, những bức xúc, nổi cộm trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, đốc thúc quyết liệt. Cụ thể năm 2016, BTV Huyện ủy đề ra 7 nhiệm vụ và năm 2017 đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc phải tập trung giải quyết liên quan đến việc xóa lò gạch thủ công, giải quyết dứt điểm tranh chấp mặt bằng khu công nghiệp tại làng ngói Cừa; tranh chấp đất rừng, đất lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa huyện Tân Kỳ và huyện Yên Thành; không để công trình xây dựng trái phép tại xóm 14 xã Tân Hương; giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, gồm chợ trung tâm thương mại thị trấn gần 7.000 m2; trung tâm hội nghị nhà hàng cao cấp thị trấn 8.000 m2; xây dựng  trạm điện xã Kỳ Tân, khoảng 5.000 m2...

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới