Tân Kỳ tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án

(Baonghean.vn) - Những năm qua, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã thu hút được nhiều dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, vì vậy, huyện đã rà soát, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Xã Giai Xuân là địa phương có diện tích đất tự nhiên rộng, những năm qua đã có nhiều dự án nông, lâm nghiệp vào khảo sát chọn địa điểm đầu tư và đã được UBND huyện cho chủ trương. Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn còn chưa thực hiện được, vì chưa giải phóng được mặt bằng.

Huyện Tân Kỳ luôn chú trọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phương Thảo
Huyện Tân Kỳ luôn chú trọng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phương Thảo

Gia đình ông Nguyễn Văn Liên ở xóm Vạn Xuân, xã Giai Xuân có gần 1,7 ha đất đồi nằm trong vùng quy hoạch của dự án chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Nghĩa Bình. Ông Liên cho biết, do đây là dự án thu hút đầu tư của địa phương, nên gia đình đã chấp thuận đền bù mặt bằng với doanh nghiệp giá 38,5 triệu đồng, sau khi bàn giao đất, gia đình được tận thu toàn bộ số cây keo đã trồng trên diện tích đất đó.

“Biết rằng không có đất sản xuất nhưng vì việc chung nên gia đình chấp nhận để doanh nghiệp vào đầu tư dự án, sau này sẽ mang lại những lợi ích khác cho địa phương và người dân”.

Ông Nguyễn Văn Liên - nông dân xã Giai Xuân

Tại khu vực đồi keo Hầm Chu - địa điểm quy hoạch lập dự án của  Công ty CP Đầu tư và Chăn nuôi Nghĩa Bình vào thời điểm này cho thấy, bên cạnh một số diện tích đất đang để trống, thì phần lớn là rừng keo từ 2 - 4 năm tuổi. Theo người dân cho biết, nhiều diện tích đã bàn giao đất cho công ty nhưng do keo chưa đủ năm tuổi nên chưa thu hoạch. Tuy nhiên, khi công ty vào thực hiện dự án thì bà con sẽ tận thu để bàn giao đất. Qua tìm hiểu được biết, dự án có quy mô hơn 24 ha, trong đó, có diện tích đất rừng của 34 hộ.

Ngoài ra, trên địa bàn xã Giai Xuân còn 5 dự án có quy mô từ hơn 22 đến 330 ha, chủ yếu đã đo đạc, lập trích lục bản đồ địa chính; lấy ý kiến cộng đồng về tác động môi trường.

Khu vực đồi Hầm Chu của xã Giai Xuân chưa hoàn thành việc bàn giao đất cho dự án. Ảnh: Xuân Hoàng
Khu vực đồi Hầm Chu của xã Giai Xuân chưa hoàn thành việc bàn giao đất cho dự án. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Vũ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết, trên địa bàn xã hiện có 6 dự án phát triển nông, lâm nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 501,96 ha. Trong đó, dự án trồng tỏi hàng hóa 33 ha; Công ty CP Đầu tư và Chăn nuôi Nghĩa Bình 24,89 ha; Công ty TNHH Nhật Hà 40 ha; Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam 52,07 ha; Công ty GREENFOODS Tân Kỳ 22 ha; Tập đoàn Thiên Minh Đức 330 ha. Tổng số vốn cam kết đầu tư 1.231 tỷ đồng. Toàn bộ các dự án liên quan ảnh hưởng đến 312 hộ dân. Hiện nay các dự án đang vướng đền bù, giải phóng mặt bằng; trong khi đó, ảnh hưởng của dịch bệnh và một số doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chậm, thay đổi quy hoạch nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Kỳ cho thấy, đến thời điểm này trên địa bàn huyện Tân Kỳ có 16 dự án đã có chủ trương đầu tư, trong đó, có 14 dự án chậm tiến độ so với dự án được phê duyệt.

Bao gồm: Dự án Nhà máy gạch không nung xã Kỳ Tân; Dự án trung tâm tổ chức sự kiện khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ; Dự án khu vui chơi, giải trí và tổng hợp; Dự án đầu tư phát triển vùng sản xuất tỏi hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm; Dự án khu chế biến, văn phòng khu phụ trợ và xưởng sản xuất gạch không nung tại mỏ đá thung Bà Định, xã Nghĩa Hoàn; Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng Tân Kỳ; Dự án trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại xã Nghĩa Dũng; Dự án trang trại chăn nuôi theo mô hình trại lạnh khép kín ở xã Nghĩa Bình và 6 dự án trang trại chăn nuôi tại các xã Giai Xuân và Tân Hợp.

Những diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch của các dự án trên địa bàn huyện Tân Kỳ chủ yếu là rừng keo. Ảnh: Xuân Hoàng
Những diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch của các dự án trên địa bàn huyện Tân Kỳ chủ yếu là rừng keo. Ảnh: Xuân Hoàng

Nguyên nhân chậm tiến độ là do một số hộ dân không phối hợp trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, sự vào cuộc của các cấp, ngành địa phương có lúc chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa bám sát vào kế hoạch và chưa có báo cáo thường xuyên. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài và chưa nhận định đúng tình hình, chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương các dự án. Năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế và một số chủ đầu tư chưa phối hợp để thực hiện các thủ tục đầu tư. Một số ngành chưa chủ động tham mưu kịp thời cho lãnh đạo UBND huyện để có hướng tháo gỡ khó khăn.

Sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án

Ông Phan Văn Giáp – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025, bởi vậy, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án và thu hút các nhà đầu tư lớn vào địa bàn.

Một số diện tích đất trên địa bàn xã Giai Xuân sau khi đã bàn giai cho dự án, người dân không trồng keo nữa. Ảnh: Xuân Hoàng
Một số diện tích đất trên địa bàn xã Giai Xuân sau khi đã bàn giao cho dự án, người dân không trồng keo nữa. Ảnh: Xuân Hoàng

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc và vai trò của tổ công tác tuyên truyền cấp huyện để thực hiện các dự án. Những dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, các phòng, ban liên quan làm việc với nhà đầu tư và giao mốc thời gian cụ thể để thực hiện dự án; đồng thời các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp thuận mức giá đền bù đất, sớm bàn giao đất cho doanh nghiệp.

Được biết, sau khi đồng ý bàn giao đất cho các dự án, thì các hộ được tận thu tài sản trên đất. Ảnh: Xuân Hoàng
Được biết, sau khi đồng ý bàn giao đất cho các dự án, thì các hộ được tận thu tài sản trên đất. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với một số dự án quá chậm tiến độ, không còn khả thi như Dự án Trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Kỳ, thì huyện sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

“Đối với các dự án trang trại chăn nuôi gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các hộ dân, huyện giao cho Hội đồng GPMB phối hợp với nhà đầu tư có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, làm cơ sở cho việc thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời có văn bản yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”.

 Ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ
 

Tin mới