Tân Kỳ xây dựng 4 sản phẩm chủ lực cho chương trình OCOP

(Baonghean) - Năm 2019, huyện Tân Kỳ đã lựa chọn 4 sản phẩm chủ lực của địa phương để chấm điểm, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tiến tới gắn sao. Những sản phẩm đó gồm: Cam sông Con (Tân Phú), trứng gà sạch Cao Cường (xã Nghĩa Hoàn), mật mía Tân Kỳ (Tân Hương), mật ong Nghĩa Bình.
Thay đổi tư duy người sản xuất
Lựa chọn và đăng ký xây dựng sản phẩm trứng gà sạch thành sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thời gian qua, chính quyền xã Nghĩa Hoàn đã hỗ trợ tích cực, đồng hành cùng người chăn nuôi mở rộng quy mô, nâng chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho biết: “Xã đã tạo điều kiện về thủ tục thuê đất, chuyển đổi ruộng đất, quy hoạch thành các vùng chăn nuôi, cho người dân mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Khi xác định đăng ký trứng gà là sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương, xã đã tìm cách để xúc tiến quảng bá sản phẩm: tham gia hội chợ, hội nghị, triển lãm...”. 
Chú thích
Trứng gà được đăng ký là sản phẩm đặc trưng, chủ lực của xã Nghĩa Hoàn. Ảnh: T.P

Về phía hộ chăn nuôi, ngoài đầu tư mở rộng quy mô trang trại đã chú trọng đến nuôi gà sạch, an toàn theo hướng sinh học để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm (xã Nghĩa Hoàn), chủ trang trại gà an toàn sinh học cho biết: “Trứng gà của trang trại tôi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP. Tôi luôn nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, nuôi gà theo đúng quy trình an toàn sinh học; thức ăn, nước uống cho gà đều qua kiểm định, bổ sung chất xơ cho gà bằng các loại thức ăn tự nhiên... Tuy nhiên, hiện trứng gà của trại vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ trên thị trường trong tỉnh, chưa được nhiều người biết đến.

Hy vọng, khi tham gia Chương trình OCOP, được “gắn sao”, được quảng bá, thương hiệu trứng gà sạch của trang trại chúng tôi được biết đến nhiều hơn, tiêu thụ rộng rãi hơn, mang lại thu nhập cao cho gia đình”.
Chú thích
Trang trại chú trọng đến nuôi gà sạch, an toàn theo hướng sinh học. Ảnh: T.P

Nằm trong 4 sản phẩm chủ lực của huyện tham gia Chương trình OCOP, vùng trồng cam Xuân Lý (xã Tân Phú) đã được quy hoạch với diện tích 37 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, sinh thái hữu cơ. Nhằm tạo mối liên kết trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, thay đổi hình thức sản xuất theo hướng tập trung, huyện, xã đã xúc tiến thành lập tổ hợp tác cam sạch sông Con. Hiện cam Sông Con đã được cấp chỉ dẫn địa lý cam Vinh, đang thẩm định để công nhận đạt chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Tấn Phượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sạch sông Con cho biết: “Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, 25 hộ trồng cam trong tổ đã được tập huấn, tuyên truyền về các tiêu chí của sản phẩm OCOP, từ đó, trong quá trình sản xuất luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định, quy trình để đạt chuẩn sạch, an toàn, chất lượng. Chẳng hạn như trong trồng, chăm sóc cam sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu thảo dược, phân bón hữu cơ vi sinh, nước tưới được lọc qua máy để đảm bảo tiêu chí cam sạch. Đồng thời, các nhà vườn chỉ “mở trại” bán khi cam chín đủ độ, đảm bảo ngon, ngọt để giữ thương hiệu”.
Các hộ trồng cam ở Xuân Lý hy vọng rằng, sau khi được đánh giá của huyện, của tỉnh, sản phẩm cam sạch của địa phương được dán tem truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu, thương hiệu thì sẽ có đầu ra ổn định, giá thành cao và người trồng có lãi.
Vùng cam sạch sông Con (xã Tân Phú) được xác định là 1 trong 4 sản phẩm chủ lực của địa phương theo lộ trình thực hiện Chương trình OCOP 2019.
Vùng cam sạch sông Con (xã Tân Phú) được xác định là 1 trong 4 sản phẩm chủ lực của địa phương theo lộ trình thực hiện Chương trình OCOP 2019.

Năm 2019, huyện xác định tiêu chuẩn hóa cho 4 sản phẩm chủ lực gồm: Trứng gà sạch Nghĩa Hoàn; Cam sạch sông Con (Tân Phú); Mật ong Nghĩa Bình và mật mía Tân Hương. Theo đó, huyện dành kinh phí 1,25 tỷ đồng để tổ chức đánh giá và công nhận các sản phẩm; xây dựng sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp tốt; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Điều đáng ghi nhận là, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP chính chủ thể (Hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân) đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô và đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Người sản xuất đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Chú thích?
Để sản xuất cam sạch theo chuẩn VietGAP, cam được chăm sóc hoàn toàn chế phẩm sinh học; người trồng cam ở Tân Phú đầu tư hệ thống máy lọc nước để tưới cho cam.
Cơ hội để nông sản địa phương vươn xa
Thực hiện Đề án OCOP, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành kế hoạch thực hiện; thành lập Ban điều hành, Tổ giúp việc triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, huyện sẽ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có của địa phương.
Cụ thể, nhóm thực phẩm có: bánh, bún, miến của các làng nghề xã Nghĩa Thái; cam Tân Kỳ; gà thả vườn; nấm, tinh bột nghệ, mật mía, dê, trứng gà, thịt trâu, thịt bò...; nhóm đồ uống có: rượu cần, rượu men lá, chè vằng...; nhóm thảo dược có giảo cổ lam, cây đinh lăng, cà gai leo...; nhóm may mặc có dệt thổ cẩm; nhóm hàng lưu niệm có đồ mộc; nhóm dịch vụ và du lịch nông thôn có du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tại xã Tiên Kỳ...
Mật mía, mật ong đang được Tân Kỳ lựa chọn để tiêu chuẩn hóa theo các tiêu chí của chương trình OCOP. Ảnh: T.P
Mật mía, mật ong đang được Tân Kỳ lựa chọn để tiêu chuẩn hóa theo các tiêu chí của chương trình OCOP. Ảnh: T.P

Tuy nhiên, các sản phẩm đó chưa thực sự thương mại hóa, khó tiêu thụ; tính sáng tạo thấp, chất lượng không ổn định, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng; việc phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương còn tự phát, quy mô nhỏ, lực lượng lao động tay nghề thấp, khó tiếp nhận và ứng dụng KHKT vào sản xuất; thiếu sự liên kết, chủ động trong tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ thúc đẩy phát triển...

Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường, phấn đấu đến năm 2030 mỗi xã của huyện có ít nhất từ 1 - 2 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường, với những đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên.
Theo đó, huyện đã đề ra các nhóm giải pháp gồm: Tuyên truyền; quy hoạch; kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển tổ chức sản xuất; phát triển các sản phẩm; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ; huy động nguồn vốn; xây dựng cơ chế, chính sách.

“Thực hiện Đề án OCOP, huyện có một số lợi thế như các sản phẩm chất lượng thực sự, được thị trường và người tiêu dùng đánh giá tốt, tư duy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của các chủ thể đã rõ nét hơn, hướng đến mục tiêu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn OCOP. Tuy nhiên, công tác quản lý, quản trị, tư duy sản xuất, kinh doanh và tính chủ động tìm kiếm thị trường của các chủ thể còn hạn chế. Huyện đang tìm cách khắc phục khó khăn trên để Đề án OCOP tiếp tục được triển khai hiệu quả”.

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban trực Ban Điều hành Chương trình OCOP huyện Tân Kỳ.

Tin mới