Tân Tổng Giám đốc WTO: ‘Làn gió mới’ cho kỷ nguyên cải cách

(Baonghean.vn) - Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala, người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được kỳ vọng mang đến khởi đầu mới cho một tổ chức đang tìm cách phục hồi ảnh hưởng đối với các quy tắc kinh tế toàn cầu.

Đam mê thương mại

“Việc xuyên thủng trần nhà bằng kính đã khó chứ đừng nói đến trần nhà bằng thép. Đó là điều không bao giờ xảy ra ở Geneva - trụ sở chính của cơ quan thương mại đa phương lớn nhất thế giới - WTO”. Cách ví von bóng bẩy đầy hàm ý của tờ The Africa Report ám chỉ đến việc người phụ nữ da màu Ngozi Okonjo-Iweala trở thành Tổng Giám đốc WTO - điều chưa từng có tiền lệ ở tổ chức này. Tuy nhiên, với bà Okonjo-Iweala, đây không phải lần đầu tiên bà làm nên lịch sử.

Ngozi Okonjo-Iweala, sinh năm 1954, là một nhà kinh tế nổi tiếng người Nigeria. Bà từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ) vào năm 1976. Sau đó, bà giành học vị Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts. Khoảng 17 năm trước, Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala thách thức chế độ nam quyền của Nigeria bằng cách trở thành Bộ trưởng Tài chính tại vị lâu nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và quan trọng nhất là người phụ nữ đầu tiên từng giữ các chức vụ đó.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo WTO. 	Ảnh: Keystone
Bà Ngozi Okonjo-Iweala đã trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo WTO. Ảnh: Keystone

Tên tuổi nhà kinh tế người Nigeria này cũng được chú ý ở Washington D.C khi có quãng thời gian 25 năm làm cho Ngân hàng Thế giới (WB). Trên cương vị Giám đốc điều hành, bà Okonjo-Iweala có nhiều đóng góp cho hàng loạt dự án phát triển ở châu Phi, châu Âu và Trung Á. Năm 2012, bà tranh cử chức Chủ tịch WB với sự ủng hộ của châu Phi và các nước đang phát triển, nỗ lực phá vỡ sự thống trị của người Mỹ đối với vị trí này. Dù nỗ lực này không thành công nhưng danh tiếng bà Okonjo-Iweala một lần nữa được củng cố và giành thêm nhiều sự ủng hộ.

Vào tháng 10/2020, sau khi ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc WTO, bà được ủng hộ của hầu khắp các nước thành viên, trừ Mỹ, bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó ủng hộ ứng cử viên Hàn Quốc. Tuy nhiên, cơ hội cho bà Okonjo-Iweala trở nên rộng mở khi chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức với tuyên bố ủng hộ bà làm người đứng đầu WTO. “Bà ấy được mọi người kính trọng vì khả năng lãnh đạo hiệu quả và đã chứng minh được kinh nghiệm quản lý ở một tổ chức quốc tế lớn với số lượng thành viên đa dạng”, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ đánh giá.

Bà Okonjo-Iweala sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị cao nhất ở tổ chức đa phương này vào ngày 1/3 tới - đánh giấu mốc lịch sử trên con đường sự nghiệp đầy huy hoàng nhưng không ít chông gai. Năm ngoái, khi được hỏi lý do bà ứng cử vào vị trí cao nhất WTO - một công việc nhiều người đánh giá là khó khăn và gai góc, người phụ nữ 66 tuổi chỉ mỉm cười: “Bởi vì tôi thực sự đam mê thương mại”.

 “Tôi là người chịu khó. Tôi có thể ngủ trên sàn nhà lạnh giá bất cứ lúc nào”. 

Bà Okonjo-Iweala

Okonjo-Iweala được mô tả là người phụ nữ chăm chỉ, khiêm tốn, cứng cỏi và có thể chịu đựng mọi khó khăn. Bà từng trải qua cuộc nội chiến tàn bạo ở  Nigeria trong những năm niên thiếu khiến gia đình trí thức của bà lâm vào tình trạng kiệt quệ. “Tôi là người chịu khó. Tôi có thể ngủ trên sàn nhà lạnh giá bất cứ lúc nào”. Bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012. Khi làm Bộ trưởng Tài chính Nigeria, những kẻ bắt cóc yêu cầu Okonjo-Iweala từ chức sau khi bắt mẹ bà làm con tin. BBC đưa tin, bà từ chối và chúng buộc phải thả người mẹ 83 tuổi của bà vài ngày sau đó.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala nói chuyện với các nhà báo tại Geneva, vào ngày 15/7/2020.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala nói chuyện với các nhà báo tại Geneva, vào ngày 15/7/2020.

Cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định bà Okonjo-Iweala có đủ tầm vóc, kinh nghiệm, mối quan hệ và sự nỗ lực để hoàn thành công việc. “Tôi nghĩ bà ấy là sự lựa chọn tốt. Chìa khóa cho thành công của bà ấy sẽ là năng lực vận hành giữa tam giác Mỹ-EU-Trung Quốc”, ông Lamy nói. Người dân Nigieria cũng tự hào và bày tỏ tin tưởng vào bà Okonjo-Iweala bởi những thành tựu bà đạt được là nguồn cảm hứng cho mọi phụ nữ ở quốc gia này.

Tầm nhìn đối với WTO

WTO đang ở “ngã ba đường” sau khi nhiều quốc gia dường như đã lùi một bước trong việc tuân thủ các chuẩn mực của thương mại quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại diễn ra khó kiểm soát. Ngoài ra, cơ quan phúc thẩm của tổ chức này đã bị tê liệt trong nhiều tháng sau khi Mỹ - dưới chính quyền Trump - ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán mới, khiến cơ quan này không thể ra phán quyết về bất kỳ tranh chấp thương mại nào. Trong một phiên điều trần hồi tháng 7/2020, Okonjo-Iweala nói với các thành viên WTO: “Tầm nhìn của tôi là một WTO được trẻ hóa và củng cố, có thể tự tin giải quyết các vấn đề đang diễn ra một cách hiệu quả”. Trong số những ưu tiên lớn nhất của tân lãnh đạo WTO là nối lại các cuộc đàm phán thương mại về trợ cấp thủy sản đang bị đình trệ, làm “hồi sinh” Cơ quan Phúc thẩm của WTO.

Bà Okonjo-Iweala đang được kỳ vọng sẽ mang “luồng gió mới” cho kỷ nguyên cải cách của WTO.

Bà cũng khẳng định WTO cần được cải tổ và cập nhật từ những thay đổi của thế kỷ XXI như thương mại điện tử, kinh tế kỹ thuật số, các nền kinh tế xanh. Các quan chức ở Liên minh châu Âu và Mỹ trước đây cũng nhận thấy nhu cầu phải cải tổ WTO nhưng không thể đạt được sự nhất trí về cách thức thực hiện. Với kinh nghiệm và uy tín của mình, bà Okonjo-Iweala đang được kỳ vọng sẽ mang “luồng gió mới” cho kỷ nguyên cải cách của WTO bằng kỹ năng ngoại giao và khả năng thuyết phục.

Trụ sở chính WTO tại Geneva. Ảnh: AFP
Trụ sở chính WTO tại Geneva. Ảnh: AFP

Đối với WTO, việc khôi phục lại hoạt động bình thường của tổ chức này trở nên cấp thiết và quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm xáo trộn các hoạt động thương mại trên khắp thế giới. Tân Tổng Giám đốc WTO bày tỏ hy vọng cơ quan này sẽ đóng một vai trò nào đó trong việc chống lại đại dịch Covid-19, đặc biệt là bằng hỗ trợ Cơ chế Covax - một chương trình toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine ngừa đại dịch cho các nước nghèo hơn. Dựa trên 25 năm kinh nghiệm trong vai trò là nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch của liên minh vaccine Gavi từ năm 2016, bà Okonjo-Iweala cũng muốn các nước đang phát triển tự sản xuất thêm vaccine để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Có thể nói, tầm nhìn và ưu tiên của của tân Tổng Giám đốc WTO là đúng hướng, nhưng để đưa những mục tiêu đó đến thành công là một chặng đường đầy thách thức và sức ép. Đơn cử như việc hồi sinh hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Joe Biden, vốn “ủng hộ hết mình” cho ứng cử viên của Okonjo-Iweala, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về việc khôi phục Cơ quan Phúc thẩm WTO hay không.

Ngoài ra, nhiệm vụ khởi động các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ cũng được cho là gai góc. Trong nhiều năm qua, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn do những bất đồng của các thành viên như Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ. Tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang tăng cao. Washington và Brussels đang thúc giục WTO xem xét lại vị thế của Trung Quốc trong tổ chức này, cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng định danh “nền kinh tế đang phát triển” để tạo ưu thế tăng trưởng.

Bối cảnh này buộc WTO phải là một trọng tài công tâm nhất. Xa hơn, dù hành động ở lĩnh vực nào, nhiệm vụ cao nhất của tân Tổng Giám đốc WTO là tìm cách khôi phục niềm tin toàn cầu vào cơ quan thương mại đa phương lớn nhất hành tinh và chèo lái tổ chức này sang một kỷ nguyên mới, hiệu quả và thành công hơn./.

Tin mới