Tăng cường công tác thanh tra, bảo vệ quyền lợi người lao động để hạn chế đình công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Từ tháng 9/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 6 vụ đình công của công nhân với quy mô từ 200 - 5.000 công nhân tham gia tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành và thành phố Vinh.

Ngày 26/9, UBND tỉnh Nghệ An có báo cáo sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh.

Từ tháng 9/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 6 vụ đình công của công nhân với quy mô từ 200 - 5.000 công nhân tham gia tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành và thành phố Vinh. Các vụ đình công xuất phát từ các nguyên nhân như do dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các điều kiện làm việc, ổn định thu nhập của người lao động. Người lao động cho rằng quyền lợi chưa bảo đảm (như yêu cầu tăng tiền lương, thưởng, các loại phụ cấp, chế độ hỗ trợ Covid-19, thái độ ứng xử của bộ phận quản lý...). Các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Lao động….

Khi có thông tin về đình công, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan và các địa phương xảy ra việc đình công tổ chức làm việc, đối thoại, thương lượng, giải quyết, không để tình hình diễn biến phức tạp thêm.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành cấp huyện nhanh chóng tiếp cận và tổ chức làm việc, thương lượng, hỗ trợ các bên giải quyết. Trực tiếp tổ chức tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động; đồng thời đối thoại, tuyên truyền, giải thích cụ thể với người lao động từng nội dung cụ thể để người lao động hiểu rõ các quy định của pháp luật và chia sẻ với doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự để từng bước đưa doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Trên cơ sở đối thoại, thương lượng và làm việc với doanh nghiệp, các kiến nghị của người lao động cơ bản đã được giải quyết và tất cả người lao động đã quay trở lại làm việc, tình hình sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường.

Một vụ đình công ở TP Vinh. Ảnh tư liệu: TL

Một vụ đình công ở TP Vinh. Ảnh tư liệu: TL

Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trực tiếp làm việc với Ban giám đốc các công ty, trực tiếp đối thoại với người lao động để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đồng thời đối thoại, tuyên truyền, giải thích với người lao động từng nội dung cụ thể để người lao động hiểu rõ các quy định của pháp luật và chia sẻ với doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình, bảo đảm an ninh trật tự, vận động công nhân quay trở lại làm việc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, lao động, từng bước đưa doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Đối với các vụ đình công kéo dài, số lượng công nhân tham gia nhiều, có dấu hiệu lây lan, phức tạp về an ninh, trật tự, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo kịp thời, các tổ liên ngành đã vào cuộc giải quyết nhanh chóng, ổn định tình hình.

UBND tỉnh cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đó là tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình để chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, đấu tranh, không để bất ngờ, bị động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật lao động của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Ngoài ra, phải tập trung, xây dựng, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò duy nhất của các tổ chức công đoàn cơ sở, nhất là tại các doanh nghiệp đông công nhân, tổ chức công đoàn tạo điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp. Chỉ đạo hệ thống công đoàn thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công nhân, người lao động; chủ động đề xuất với doanh nghiệp kịp thời giải quyết, không để xảy ra đình công như thời gian vừa qua.

Tỉnh Nghệ An cũng sẽ tập trung hoàn thành Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế các cuộc đình công không đúng trình tự pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người lao động và người sử dụng lao động…

Tin mới