Tăng cường kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Dù giá xăng, dầu đã giảm 4 lần liên tiếp nhưng nhiều loại hàng hóa, thực phẩm,... sau khi tăng theo giá xăng vẫn không hạ nhiệt. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp “ăn theo ” giá xăng, dầu để trục lợi.

Xăng giảm, hàng hóa vẫn "neo cao"

Từ 15h 2/8, mỗi lít xăng giảm thêm gần 500 đồng, các mặt hàng dầu cũng hạ 710-950 đồng (trừ dầu mazut). Như vậy, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng RON 95 giảm về mức 25.600 đồng (giảm 470 đồng); E5 RON 92 có giá mới là 24.620 đồng (giảm 450 đồng). Đây là lần giảm giá thứ 4 liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, đưa giá mặt hàng này về tương đương hồi tháng 2.

Người tiêu dùng kỳ vọng giá cả hàng hóa giảm sau nhiều lần liên tục giá xăng hạ. Ảnh: Thu Huyền

Người tiêu dùng kỳ vọng giá cả hàng hóa giảm sau nhiều lần liên tục giá xăng hạ. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, mặc dù giá xăng giảm khá mạnh so với thời điểm tháng 6 nhưng giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn đang neo cao. Khảo sát tại một số khu chợ trên địa bàn thành phố Vinh là chợ Phong Toàn, chợ Hưng Dũng, chợ Quán Lau… cho thấy giá thịt bò, thịt lợn khá cao.

Chị Huệ, tiểu thương bán thịt lợn chợ Phong Toàn, phường Hà Huy Tập cho biết, giá bán của thịt sườn, ba chỉ hiện là 120.000 - 130.000 đồng/kg; nạc vai 140.000 đồng/kg, tăng khá cao so với thời điểm cách đây 2 tháng, chỉ khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg. Lý giải vì sao giá xăng giảm nhưng giá thịt lợn vẫn không giảm, chị cho hay: Do mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào giá thịt lợn hơi. Từ đầu tháng 7 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi lên cao và thị trường Trung Quốc tăng mua thịt lợn khiến nguồn cung trong nước bị hạn chế. Tôi không rõ như thế nào, chỉ biết giá nhập cao nên bán ra như vậy.

Giá cả thị trường vẫn neo cao dù giá xăng giảm 4 kỳ liên tục. Ảnh: Thu Huyền
Giá cả thị trường vẫn neo cao dù giá xăng giảm 4 kỳ liên tục. Ảnh: Thu Huyền

Chị Nguyễn Thu Hà - chủ một cửa hàng tiện lợi ở phường Hưng Phúc cho biết: Xăng lên giá hàng hóa lên, xăng giảm thì chưa thấy giảm. Bia Sài Gòn, Hà Nội, Huda… vẫn lên đều, hàng tháng tăng 5.000 - 10.000 đồng/thùng; Giấy vệ sinh, mỳ tôm tăng 5-7%; dầu ăn tăng mạnh (chẳng hạn dầu ăn Simply loại chai 2 lít trước chỉ 85.000 đồng nay lên 130.000 đồng) và chưa có dấu hiệu giảm. “Tôi bán tạp hóa vài ba năm nay, nhìn chung giá chỉ tăng chứ không thấy giảm. Thắc mắc thì các đơn vị nhập hàng cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên giá sản phẩm tăng” - chị Hà xác nhận.

Tương tự đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ khác. Một số hàng ăn sáng như bún bò, bún cá vẫn giữ giá cao; quán bún cá HB ở phường Hà Huy Tập từ 30.000 đồng, năm ngoái lên 35.000 đồng, tăng lên 40.000 đồng/suất thời điểm xăng tăng cao và đến nay xăng đã giảm nhưng giá bún cá vẫn “đứng im”. Không ít khách hàng tỏ ra bất ngờ khi nghe chủ quán vẫn tính tiền giá đó.

Giá gas bán lẻ đã được điều chỉnh giảm từ 1.500 - 1.542 đồng/kg. Ảnh: Thu Huyền
Giá gas bán lẻ đã được điều chỉnh giảm từ 1.500 - 1.542 đồng/kg. Ảnh: Thu Huyền

Việc giá xăng, dầu giảm mạnh được kỳ vọng sẽ góp phần hạ nhiệt giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vì đây là nguồn nhiên liệu đầu vào sản xuất và đóng vai trò quyết định giá thành vận chuyển. Tuy nhiên, trái với tính toán, nhiều loại hàng hóa trên thị trường vẫn giữ nguyên giá hoặc chỉ giảm nhỏ giọt; ngoại trừ một số mặt hàng như giá sắt thép giảm, giá gas bán lẻ được điều chỉnh giảm từ 1.500 - 1.542 đồng/kg, tương ứng với mỗi bình gas 12 kg giảm thêm 18.000 - 18.500 đồng, từ ngày 1/8.

Tăng cường kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ

Lý giải về mặt bằng giá cả hiện nay, nhiều chủ cơ sở sản xuất, cung ứng hàng hóa cho rằng, giá xăng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành của đơn vị, trong khi mọi thứ đầu vào khác đều tăng giá nên không thể giảm giá bán khi giá xăng giảm. Một số cơ sở chăn nuôi cho rằng, giá thịt, trứng tăng cao chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh so với năm trước. Tuy vậy, lý giải đó chưa thực sự thuyết phục bởi giá xăng tăng luôn được lấy cớ đầu tiên để “té nước theo mưa” tăng giá hàng hóa, dịch vụ!?

Thời gian qua, giá trứng gia cầm tăng cao được lý giải do giá thức ăn tăng. Ảnh: Thu Huyền
Thời gian qua, giá trứng gia cầm tăng cao được lý giải do giá thức ăn tăng. Ảnh: Thu Huyền

Trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hiện nay, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ. Thực hiện Thông báo số 209 ngày 18/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Công văn số 5515/UBND-KT ngày 22/7/2022 giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đồng thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện theo quy định. Sở Công Thương cũng đã văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh khảo sát, bình ổn giá cả thị trường.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Nguyên nhân giá thịt lợn vẫn tăng cao được lý giải là do thức ăn chăn nuôi tăng, nguồn cung lợn hơi hạn chế. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Yên Thành. Ảnh: Thu Huyền
Nguyên nhân giá thịt lợn vẫn tăng cao được lý giải là do thức ăn chăn nuôi tăng, nguồn cung lợn hơi hạn chế. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Yên Thành. Ảnh: Thu Huyền

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic: tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng, dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định…

Công văn của Thủ tướng cũng đề nghị, đối với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

Trong thời gian tới, áp lực lạm phát vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng, dầu hiện diễn biến khó lường, giá lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải... đặt ra những thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt các giải pháp, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Tin mới