Tăng giá bán điện cần đi đôi với tăng chất lượng phục vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trước việc Điện lực Việt Nam điều chỉnh tăng giá bán điện, người dân băn khoăn về áp lực thu nhập, việc làm để trang trải cuộc sống; đồng thời bày tỏ mong muốn ngành Điện lực cần tăng chất lượng phục vụ song song với việc điều chỉnh tăng giá bán điện.

Lo lắng tăng chi phí chi tiêu

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm ở Nghệ An, nhiệt độ ngoài trời có nơi lên đến 44 độ C khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt là tần suất bật máy điều hoà không khí ở các hộ gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh, các cơ quan, công sở. Chị Phan Thị Vinh có ốt bán hàng tạp hoá tại chợ Hưng Dũng, TP Vinh cho biết, những đợt nắng nóng ở Nghệ An từ đầu năm 2023 đến nay không chỉ gia đình chị tăng tần suất sử dụng các thiết bị điện, mà ngay cả ở ốt kinh doanh ở chợ cũng phải tăng cường thêm quạt điện.

Chị Vinh cho biết, với đặc điểm quầy hàng đồ gia vị, đồ chế biến phơi khô nên ốt chị không thể lắp điều hoà. Song nắng nóng, lượng người ra vào mua hàng thường xuyên nên chị phải lắp thêm 2 chiếc quạt ở hai bên cửa, vừa để khách hàng hạ nhiệt khi nào mua, cũng là để người bán hàng bớt mệt nhọc khi phải đi lại, vận động thường xuyên.

Một ốt kinh doanh cạnh chợ Hưng Dũng mỗi tháng trung bình hết 1 triệu đồng tiền điện, tháng cao điểm hơn 2 triệu đồng. Ảnh: HT

Một ốt kinh doanh cạnh chợ Hưng Dũng mỗi tháng trung bình hết 1 triệu đồng tiền điện, tháng cao điểm hơn 2 triệu đồng. Ảnh: HT

“Bình thường thời tiết mát mẻ thì mỗi tháng cửa hàng chi phí khoảng 400 ngàn đồng tiền điện. Còn ở gia đình, với 2 máy điều hoà nhiệt độ và các thiết bị sử dụng điện khác, mỗi tháng tiền điện chị phải trả khoảng 1,8 triệu đồng. Nay giá điện tăng 3% thì nhà ở mỗi tháng sẽ phải chi trả khoảng 2 triệu đồng tiền điện, cộng với ở ốt kinh doanh khoảng 500 ngàn đồng, trong khi thu nhập từ buôn bán hai năm nay chưa phục hồi lại như trước. Không chỉ giá điện, mà xăng dầu, giá tiêu dùng, rồi lãi suất ngân hàng cũng tăng khiến gánh nặng càng thêm nặng” - chị Vinh bày tỏ.

Dù là địa bàn vùng nông thôn nhưng gia đình anh và nhiều hộ khác nhiều năm nay ngoài nấu cơm bằng nồi điện, thì cũng đã chuyển sang sử dụng bếp từ trong nấu nướng thức ăn hàng ngày. Chưa kể các thiết bị làm mát, làm lạnh, máy sưởi, máy sấy đồ áo…Vì vậy, mùa Đông hay mùa Hè thì hầu hết lượng điện tiêu thụ hàng tháng có xu hướng tăng, ít khi giảm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình khu vực thành phố Vinh dao động tương đương số tiền từ 500 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng/hộ gia đình/tháng tuỳ khu vực và khả năng kinh tế từng trường hợp. Song số hộ tiêu thụ điện năng trung bình 1 - 2 triệu đồng/tháng chiếm số lượng phổ biến.

Chia sẻ về lượng tiêu thụ điện năng của gia đình mình, anh Nguyễn Thế Nghĩa ở xã Hưng Đông, TP Vinh cho biết, trung bình mỗi tháng anh nộp tiền điện sinh hoạt khoảng 1,5 triệu đồng. Những tháng cao điểm nắng nóng có thể lên đến 2 -2,5 triệu đồng/tháng, đặc biệt là khi có con nhỏ và các thành viên gia đình ở xa về cùng sinh hoạt. Anh Nghĩa còn cho biết, hiện nay các thiết bị điện, điện tử ngày càng hiện đại và đa dạng về chủng loại, và hầu hết đều là thiết bị sử dụng điện.

Mỗi phòng học ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 lắp đặt nhiều thiết bị sử dụng điện. Ảnh: HT

Mỗi phòng học ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 lắp đặt nhiều thiết bị sử dụng điện. Ảnh: HT

“Tôi làm nghề kinh doanh, sửa chữa xe ô tô, xe máy đã qua sử dụng, nhưng 2 năm nay buôn bán ế ẩm, thu nhập bấp bênh. Vợ tôi làm công nhân song hai năm nay cũng nghỉ việc do dịch covid-19, nên hiện nay vợ chồng đang phải cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết. Nay giá bán điện lại điều chỉnh tăng, giá các mặt hàng, dịch vụ tiêu dùng tăng, trong khi thu nhập giảm nên cũng khá lo lắng nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện”- anh Nghĩa bày tỏ.

Còn đối với các cơ quan, đơn vị, việc tăng giá bán điện cũng kèm theo những băn khoăn tăng chi phí chi tiêu, trong khi nguồn thu không tăng như chia sẻ của lãnh đạo một số trường học trên địa bàn thành phố Vinh. Ví như tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, lượng tiền điện tiêu thụ phục vụ hoạt động dạy học và ăn uống, ngủ nghỉ bán trú cho học sinh hàng tháng trung bình khoảng 8-9 triệu đồng. Những tháng cao điểm nắng nóng như tháng 4, tháng 5 số tiền điện phải trả có khi lên đến 15 triệu đồng/tháng.

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu sử dụng điều hoà không khí của người dân tăng cao hơn bình thường gấp nhiều lần. Ảnh: HT

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu sử dụng điều hoà không khí của người dân tăng cao hơn bình thường gấp nhiều lần. Ảnh: HT

“Nguồn tiền chi trả cho chi phí sử dụng điện được trích từ ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị, cộng với nguồn thu từ hoạt động dạy học bán trú, hoạt động dạy học ngoại khoá, steam. Những nguồn thu này được thực hiện theo quy định và được phê duyệt của cấp trên và ổn định từ đầu năm. Vì vậy, khi giá điện tăng thì chi phí tăng thêm nhà trường phải cân đối giảm các khoản chi khác để bù vào” - cô Hoàng Thị Thuỷ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Theo thống kê số liệu năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp đang bán điện tới 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng. EVN cũng đang có 1,822 triệu hộ sản xuất. Bình quân mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng. Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, khách hàng nhóm này sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, căn cứ Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Tập đoàn này đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Tăng giá đi đôi với tăng chất lượng phục vụ

Tại xóm 1, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, đợt nắng cuối tháng 4/2023 kéo dài hàng tuần liền, nhất là đợt nắng đầu tháng 5 vừa qua, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Ở địa bàn cách khá xa trung tâm xã, những lúc cao điểm nắng nóng vào cuối giờ chiều, người dân lại phải tắt các thiết bị sử dụng điện khác để “ưu tiên” nguồn điện cho máy điều hoà nhiệt độ. Nguyên nhân, người dân nơi đây cho biết do đường dây tải điện chưa đủ “rộng” để truyền tải trong những thời điểm nhu cầu sử dụng cao.

“Mới đây, Công ty Điện lực đã lắp thêm một trạm truyền tải, song ở các xóm “cuối nguồn” cách xa trạm thì điện vẫn yếu. Mong rằng thời gian tới chất lượng đường dây tải điện sẽ được tăng cường để việc sử dụng điện của người dân không bị gián đoạn. Những lúc thời tiết nắng nóng, gia đình nào cũng sử dụng ít nhất 1 máy điều hoà nhiệt độ, chưa kể các thiết bị làm mát khác nên vẫn còn xảy ra hiện tượng điện yếu, không đủ vận hành máy móc phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Chúng tôi mong rằng tăng giá điện thì cũng cần tăng chất lượng phục vụ” - anh Lê Văn Anh, xóm 1 cho biết.

Còn tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, việc mất điện, điện yếu vẫn thường xảy ra, nhất là những thời điểm người dân có nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Chị Cao Thị Lưu ở xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) cho biết, Quỳ Hợp là một trong những địa phương có nhiệt độ cao gần nhất tỉnh Nghệ An trong đợt nắng diễn ra từ mồng 5-7/5, có lúc lên trên 42 độ C. Thế nhưng, đúng thời điểm nắng gay gắt, người dân cần có điện năng để chạy máy điều hoà, quạt điện, máy làm đá lạnh thì lại mất điện.

Lắp đặt hệ thống truyền tải điện ở Quỳ Hợp. Ảnh: HT
Lắp đặt hệ thống truyền tải điện ở Quỳ Hợp. Ảnh: HT

“Cứ giờ cao điểm là mất điện, điện nhảy thất thường làm đồ điện trong nhà nhanh hư hỏng, làm tốn kém thêm khi phải mua thiết bị mới, phải sửa chữa. Chưa kể sắp tới giá điện lại tăng, nếu lượng điện không ổn định thì chúng tôi không hài lòng, mong nhà cung cấp dịch vụ đầu tư chăm sóc khách hàng tốt hơn” - chị Lưu bày tỏ.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Nghệ An, hiện nay mức tăng trưởng phụ tải điện trên địa bàn Nghệ An bắt đầu tăng cao. Sản lượng điện thương phẩm tháng 4/2023 ước tính khoảng 345 triệu kWh, tăng 5,5% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do đây là thời điểm bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, các dịch vụ kinh doanh du lịch bắt đầu hoạt động mạnh nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng theo, các thiết bị làm mát trong gia đình hoạt động hết công suất dẫn đến lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt cũng tăng cao. Vì vậy, người dân mong muốn được cải thiện chất lượng phục vụ truyền tải điện song song với sự điều chỉnh tăng giá điện của doanh nghiệp.

Tin mới