Tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản Nghệ An

(Baonghean) - Với những lợi thế riêng, Nghệ An có nguồn hàng nông sản phong phú và đa dạng. Đứng trước xu thế hội nhập, làm gì để nâng cao chất lượng và giá trị nguồn hàng nông sản, tăng thế cạnh tranh trên thị trường đang là nỗi trăn trở của tỉnh cũng như của người nông dân.
Sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm manh mún
Với quy trình khép kín, bắt đầu từ con bò được nhập khẩu từ những nước chăn nuôi bò sữa nổi tiếng thế giới như New Zealand, Úc..., công thức nuôi tiên tiến, cùng dây chuyền chế biến hiện đại, sữa TH là một trong những sản phẩm ưu việt, được sản xuất theo chuỗi sản xuất khép kín hiện đại.
Ông Ngô Huy Hân - Giám đốc truyền thông Nhà máy sữa TH cho biết: Ngay từ khâu đầu tiên là thức ăn, đàn bò đã được phân loại theo nhóm đối tượng để có chế độ ăn phù hợp. Chuồng trại áp dụng các tiêu chuẩn, quy cách chuồng trại chăn nuôi tiên tiến nhất trên thế giới. Cùng với đó, TH áp dụng hệ thống phần mềm quản lý đàn, đeo chíp cho bò để giám sát chặt chẽ về tất cả các thông số sức khỏe, sự thoải mái và sản lượng sữa. TH còn có những ứng dụng hiện đại hỗ trợ cho việc sản xuất ra nguồn sữa sạch như máy đo sữa, kiểm tra chất lượng sữa tự động, phân loại sữa không đảm bảo chất lượng để loại thải ngay lập tức. 
Sản xuất rau vụ đông trong nhà lưới ở xã Hưng Đông (thành phố Vinh).
Sản xuất rau vụ đông trong nhà lưới ở xã Hưng Đông (thành phố Vinh).
Tuy nhiên, những dây chuyền sản xuất khép kín, theo chuỗi này chưa nhiều trên địa bàn tỉnh ta. Là sản phẩm xuất khẩu chủ lực một thời sang các thị trường Đông Âu, nhưng hiện nay nâng cao giá trị cây chè vẫn đang là nỗi trăn trở của những người có trách nhiệm. Với trên 4.300 ha chè công nghiệp, huyện Thanh Chương là vùng nguyên liệu tập trung tốt, sạch bệnh và an toàn; tuy nhiên ngoài tiêu thụ nội địa, chè chỉ mới được xuất khẩu sang các thị trường dễ tính như Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ theo dạng “bao bì” chứ chưa có các sản phẩm tinh để xuất sang các thị trường khó tính.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trăn trở: Không chỉ 54 xưởng chế biến chè tư nhân có thiết bị lạc hậu, nhỏ lẻ mà kể cả dây chuyền sản xuất của 2 xí nghiệp chè của Công ty Chè Nghệ An cũng còn cho ra sản phẩm chè đơn giản và ở dạng thô, đơn điệu. Đã có một số doanh nghiệp vào khảo sát để đầu tư dây chuyền hiện đại sản xuất sản phẩm cao cấp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng đều là những doanh nghiệp tư nhân, quy mô không lớn và không đáp ứng được kỳ vọng của địa phương cũng như đòi hỏi thực tế của sản xuất hiện đại.
Đứng trước quá trình hội nhập, có thể nói nông sản Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Chỉ mới một số ít sản phẩm như sữa, đường... được tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến thị trường. Do sản xuất manh mún, thủ công là chủ yếu nên giá thành cao, số lượng từng loại sản phẩm nhỏ lẻ, không tập trung, là một yếu thế bất lợi khi tham gia vào thương trường. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh với nước ngoài và thậm chí là các địa phương khác do cả khâu sản xuất và chế biến, bảo quản; số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, hiệu quả thấp. 
Tăng lợi thế cạnh tranh
Những năm gần đây, bằng việc xác định và phát triển các cây trồng chủ lực, từng bước đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như lúa, ngô, lạc, chè, mía,... chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm được nâng cao, nhiều cây trồng đã đem lại thu nhập lên tới trên 1 tỷ đồng/ha/năm như cam, quýt...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Lập: Để có thể nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Nghệ An trên thị trường trong nước và cả xuất khẩu, trước hết cần tiến hành rà soát lại tất cả các loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, phân nhóm theo hướng sử dụng và thị trường tiêu thụ để từ đó có định hướng sản xuất và các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
“Chúng tôi phân loại để xác định rõ từng loại sản phẩm xuất khẩu như chè, lạc, cao su, tinh bột sắn... sẽ được xuất sang thị trường nào; riêng gạo Nghệ An không phải là vùng tổ chức sản xuất để xuất khẩu, mà là vùng sản xuất tiêu thụ nội địa thì phải xác định rõ nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong nước là có độ đường, mùi thơm và dẻo, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cả về giống, kỹ thuật và tiếp cận thị trường”.- Phó GĐ Sở NN&PTNT nói.
Thu hoạch chè ở Thanh Chương.
Thu hoạch chè ở Thanh Chương.
Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực đầu tư của tỉnh và sự vào cuộc của doanh nghiệp còn hạn chế, ngành đã tham mưu tỉnh chọn một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh như lạc, cam, chè... để tập trung đầu tư, tạo đà tăng trưởng rõ cho nông nghiệp Nghệ An trước. Đồng thời, tiến hành rà soát lại khâu chế biến với những sản phẩm có qua chế biến như chè, cao su... để có giải pháp nâng cao năng lực chế biến theo hướng hiện đại. Dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ có thêm các dây chuyền chế biến cao su tiên tiến do Công ty ĐTPT cao su Nghệ An đầu tư xây dựng trên vùng nguyên liệu cao su đã có, tỉnh và các địa phương cũng đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp thực sự có tiềm lực vào đầu tư xây dựng các dây chuyền chế biến hiện đại với những sản phẩm khác như chè, mía...
Trong tổ chức sản xuất, hiện đang có hai xu thế là cho doanh nghiệp thuê đất để sản xuất lớn, tập trung và xu thế liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong điều kiện của mình, Nghệ An phải đi theo cả hai hướng đó, vừa dành diện tích đất đủ cho doanh nghiệp có thể chủ động được một phần nguyên liệu, từ đó đóng vai trò là trung tâm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; vừa tập trung nâng cao năng lực của các HTX, tổ hợp tác nhằm đại diện cho nông dân tham gia hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phú Hương
TIN LIÊN QUAN

Tin mới