"Tăng lương 5% mới gọi là động viên, khuyến khích"

Ngày 11/11, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở khoảng 5% đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, nguồn tăng lương này gọi là động viên, khuyến khích chứ chưa đảm bảo mức sống…
+ Sau nhiều năm “lỗi hẹn”, kỳ họp này Quốc hội đã quyết định điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng từ ngày 1/5/2016. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Tôi rất đồng tình với quyết định của Quốc hội. Sau mấy năm, điều kiện kinh tế khó khăn chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức thì nay cũng tăng được rồi. 
Mức tăng khoảng 5% như vậy dù chưa đáp ứng được mức sống yêu cầu của người lao động, nhưng cũng là quyết tâm lớn của Chính phủ. Tôi nghĩ người lao động nên thông cảm vì Chính phủ rất quyết tâm trong điều kiện thu ngân sách còn nhiều khó khăn. 
Nhưng tôi xin nhắc lại, nguồn tăng lương này gọi là động viên, khuyến khích chứ chưa đảm bảo được mức sống. Bộ Tài chính là “người gác cổng” về tài chính - ngân sách cho Chính phủ đã phải cân đối tính toán rất kỹ để đảm bảo được nguồn tăng lương.
Bà Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nghĩ, người lao động nên thông cảm vì Chính phủ rất quyết tâm trong điều kiện thu ngân sách còn nhiều khó khăn. Ảnh: Thảo Nguyên
Bà Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nghĩ, người lao động nên thông cảm vì Chính phủ rất quyết tâm trong điều kiện thu ngân sách còn nhiều khó khăn. 
+ Vậy để bảo đảm được mức sống, Chính phủ cần phải nỗ lực để tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương đề ra, thưa bà?
Kinh tế phát triển thì mức sống của người lao động phải khá lên, nhưng điều kiện của chúng ta chưa cân đối được thì phải tạm chấp nhận vì Chính phủ đã quyết tâm rồi. Nên tôi nghĩ người lao động nên phấn khởi và cảm thông với Chính phủ.
Tôi cũng lưu ý rằng, Bộ Tài chính nên cân đối một cách cụ thể, chặt chẽ hơn đặc biệt là nguồn chi thường xuyên. Phải cố gắng tiết kiệm nhiều hơn phần chi thường xuyên, đồng thời khai thác nguồn thu từ nợ thuế, phải quyết liệt thu đúng thu đủ vào ngân sách, đảm bảo cân đối thu - chi.
Mặc dù đầu ra khó khăn nhưng công ty vẫn phải duy trì sản xuất, ỉgiải quyết việc làm cho người lao động
Ảnh minh họa.
+ Có ý kiến đề nghị phải xem xét, cân nhắc lại việc tăng lương với đối tượng về hưu lương cao, trên dưới 10 triệu, trong khi người lao động có mức lương cơ sở dưới 3 triệu. Do đó, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, chỉ xem xét tăng lương cho đối tượng về hưu trước năm 1993 và người lao động mức lương thấp?
Tôi đồng ý vì người về hưu đánh giá là lương thấp nhưng không phải tất cả đều có mức lương thấp. Có đối tượng mới nghỉ hưu và trong lực lượng vũ trang lương rất cao, nếu nói người nghỉ hưu lương thấp là không đúng, cần phải phân biệt rõ.
Nhưng tôi cũng có người quen nguyên là trưởng phòng, huyện ủy viên, tôi gặp cách đây 2-3 năm lương hưu có 700 nghìn đồng. Nếu mức lương ấy thì không thể sống được. Cũng có người lao động lương đương chức rất thấp, chỉ ở mức 2-3 triệu đồng. Do đó cần phải tạo điều kiện nâng lương cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1993 nhiều hơn và người lao động có mức lương thấp.
Chính vì thế, phải cân đối lại, cân đối không có nghĩa là cào bằng mà ở mức hợp lý, để giảm khoảng cách giữa người nghỉ hưu và người lao động đương chức.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
+ Ủy ban về Các vấn đề xã hội có đặt ra mục tiêu tiếp tục giám sát liên quan đến việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động hay không, thưa bà?
Sắp tới Ủy ban về Các vấn đề xã hội đặt ra chương trình giám sát ở cấp Ủy ban. Còn giám sát tối cao trước đây chúng tôi đã thực hiện 2 năm một lần, giám sát mức sống cho đối tượng nghèo, nâng cao mức sống cho người nghèo. Ủy ban sẽ phát huy chức năng giám sát một số lĩnh vực để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
+ Xin cảm ơn bà!
Theo Thanh tra
TIN LIÊN QUAN

Tin mới