Tăng mức chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tại cuộc họp thẩm tra nghị quyết của Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến các đại biểu cho rằng, nội dung của dự thảo Nghị quyết đã coi trọng nhiệm vụ, vai trò của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. 

Chiều 7/11, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh họp thẩm tra một số dự thảo nghị quyết. Tham dự có đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo và các uỷ viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Tư pháp, Tài chính, Công an tỉnh.

Quang cảnh buổi thẩm tra một số dự thảo Nghị quyết của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga

Quang cảnh buổi thẩm tra một số dự thảo Nghị quyết của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga

Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ý kiến các đại biểu đều đồng tình cho rằng, hoạt động xây dựng quy phạm văn bản pháp luật là một quy trình phức tạp, đòi hỏi nhiều chất xám. Do đó, các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã coi trọng nhiệm vụ, vai trò của hoạt động này. Dự thảo đã bám sát với Thông tư 42 của Bộ Tài chính, bảo đảm đầu tư nguồn lực thoả đáng và các điều kiện, tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp, so với Nghị quyết 03/2017 của HĐND tỉnh, dự thảo nghị quyết lần này đã đưa ra mức đề xuất kinh phí tăng gần gấp 3 lần.

Đồng chí Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đánh giá, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ảnh: Mỹ Nga

Đồng chí Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đánh giá, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ảnh: Mỹ Nga

Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nội dung cơ bản như sau: Mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật thực hiện trên cơ sở các hoạt động, nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư số 42/2022 của Bộ Tài chính; Kinh phí cho hoạt động thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm cả kinh phí họp, nhận xét, báo cáo và các công việc khác liên quan đến công tác thẩm định, thẩm tra).

Ngoài ra, căn cứ vào khả năng nguồn kinh phí, trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì sắp xếp, bố trí từ khoản kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thống nhất với phương án sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 13/2020 của HĐND tỉnh

Tại buổi thẩm tra, các đại biểu còn cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025.

Ý kiến của các đại biểu đánh giá việc xây dựng dự thảo nghị quyết đầy đủ, công phu, với những điều chỉnh hợp lý.

Theo quy định tại Nghị quyết 13/2020-HĐND, mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay thấp hơn so với quy định tối thiểu của Chính phủ. Với dự thảo Nghị quyết lần này đã xây dựng mức hỗ trợ phù hợp, song ý kiến các đại biểu cho rằng, đang còn có sự chênh lệch giữa các vùng với nhau. Cùng làm một nhiệm vụ, nhưng lại bị phân cấp. Do đó, các đại biểu đề nghị xây dựng nghị quyết cần căn cứ vào đặc điểm tình hình của tỉnh, cần có sự cân đối, không để mức chênh lệch vùng quá nhiều.

Đại diện Công an tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga

Đại diện Công an tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh. Ảnh: Mỹ Nga

Các ý kiến thống nhất rằng, đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ của địa phương phù hợp với thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm quy định của pháp luật về chế độ, chính sách và luật ngân sách; đảm bảo có thể cân đối nguồn ngân sách của tỉnh.

Dự kiến kinh phí hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn toàn tỉnh là 18.962.611.200 đồng, tăng 5.091.691.200 đồng so với lộ trình thực hiện Nghị quyết 13/2020 của HĐND giai đoạn 2023-2025.

Ngoài ra, cuộc họp thống nhất với phương án sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 13/2020-HĐND, thay vì xây dựng một Nghị quyết mới hoàn toàn. Việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13 là rất cần thiết, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.

Tin mới