Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

(Baonghean) - Ngành nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, hội tụ đầy đủ lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm còn sản xuất manh mún, lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ, mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp lỏng lẻo, chưa xây dựng được thương hiệu. Vì vậy, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thấp, giá trị gia tăng chưa cao. Đó cũng là vấn đề mà huyện Quỳnh Lưu đang quyết tâm khắc phục, tạo đột phá trong thời gian tới.

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, bức tranh nông nghiệp của huyện có nhiều điểm nhấn cả về lượng và chất. Đến năm 2015, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Sản lượng lương thực ước đạt hơn 103.000 tấn, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trồng trọt tăng nhanh, đạt gần 88 triệu đồng/ha. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích lớn như: lạc 1.300 ha, dứa 550 ha, mía 830 ha. Các vùng sản xuất rau màu theo quy mô hàng hóa cũng hình thành ở Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Tân Sơn... Chăn nuôi được phát triển theo hướng trang trại tập trung xa khu dân cư. Đội tàu đánh bắt của huyện cũng thuộc vào dạng hùng hậu nhất của tỉnh với 1.322 tàu, trong đó 742 tàu công suất trên 90 CV. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 2.382 ha, nuôi tôm công nghiệp 642 ha. Sản xuất hơn 140 triệu con giống tôm sú, trên 100 triệu con giống tôm he chân trắng, 3 triệu con cua giống, 700 triệu con ngao giống và hàng chục triệu con cá giống các loại. 
Nhưng nếu đi vào phân tích nội ngành và từng sản phẩm cụ thể, có thể thấy rõ vẫn còn rất nhiều điểm yếu khiến tốc độ phát triển chưa xứng tiềm năng và thiếu bền vững. Đó chính là tình trạng sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết; sản phẩm đa dạng nhưng hầu như vẫn còn ở dạng sơ chế. Hệ quả nhãn tiền là tính cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thấp, không ổn định. Minh chứng rõ nhất là mấy năm lại đây có những thời điểm, nông dân Quỳnh Lưu có những mùa rau “đắng” khi sản phẩm làm ra rớt giá, thu không đủ bù chi phí sản xuất. Mặt khác, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất theo chuỗi, theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng Phòng NN&PTNT Quỳnh Lưu cho biết: “Nếu đánh giá thỏa đáng thì cả lĩnh vực nông, ngư nghiệp gần như chưa có một mô hình nào hoàn chỉnh, mà chỉ mới dừng lại ở việc áp dụng một hoặc vài khâu trong quy trình sản xuất như: giống, sử dụng chế phẩm sinh học...”.
Từ thực trạng đó, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, một trong những chương trình trọng tâm lớn của Nghị quyết Đảng bộ huyện là: Ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh phát triển nông, lâm, ngư gắn với công nghiệp chế biến hiện đại và xây dựng thương hiệu hàng hóa. Theo đó, hiện nay các phòng NN &PTNN đang xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh phát triển nông, lâm, ngư gắn với công nghiệp chế biến hiện đại. Mục tiêu là ứng dụng công nghệ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất. Quỳnh Lưu sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng để thu hút các nhờ đầu tư sử dụng công nghệ cao hoặc liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm. 
Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Quỳnh Diện (Quỳnh Lưu).
Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Quỳnh Diện (Quỳnh Lưu).
Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay huyện đang tiến hành phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ và Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam để kêu gọi dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng vùng nguyên liệu rau sạch, chất lượng cao, gắn với tiêu thụ các sản phẩm này vào các doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để chuyển giao phương thức canh tác tiên tiến, các giống cây chất lượng cao nhằm xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Thực tế, ngay trong vụ sản xuất năm 2015, xu hướng sản xuất theo hướng liên kết này đã và đang hình thành ở một số vùng sản xuất. Vụ hè thu năm nay, tại xã Quỳnh Diễn, địa phương thuần nông, bên cạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn hơn 51 ha, xã đã liên kết với doanh nghiệp Vĩnh Hòa để đưa vào trồng thử hai giống lúa chất lượng cao là giống lúa thảo dược 5 ha và AC5 7 ha. Theo đánh giá, cả 2 giống lúa trên đều cho năng suất cao, gạo ngon, đặc biệt là doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn hẳn so với các giống lúa khác đang canh tác tại địa phương. Theo thông tin từ UBND xã Quỳnh Diễn, doanh nghiệp Vĩnh Hòa sẽ mua giống lúa thảo dược với giá thành 800 ngàn đồng/tạ, còn lúa AC5 sẽ mua với giá 750 ngàn đồng/tạ. 
Gia đình anh Trần Văn Diến có 10 sào đất lúa, vụ hè thu năm nay, anh quyết định chuyển sang trồng thử giống lúa thảo dược. Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa trĩu bông, hạt chắc, vỏ đen vốn là đặc thù của giống lúa thảo dược, anh không giấu được niềm vui: “Nông dân làm lúa bán cho các tư thương nên được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa. Nói chung, nếu chưa tính tiền công, nông dân cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất lúa có liên kết với công ty, giá thành thu mua cao, đầu ra ổn định nên chúng tôi rất phấn khởi”. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lạn, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Diễn cho biết: “Trong năm 2016, xã dự kiến sẽ liên kết với doanh nghiệp triển khai sản xuất giống lúa chất lượng cao với diện tích 200 ha trên tổng diện tích 305 ha sản xuất lúa nước. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”. 
Hay như Công ty TNHH Mạnh Cường, có trụ sở tại huyện Quỳnh Lưu chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đang làm việc với phòng NN&PTNT cùng một số xã để triển khai mô hình liên kết với nông dân trồng khoảng 40 ha ớt, đậu đũa và bí đỏ phục vụ xuất khẩu. Bà Hồ Thị Thuy Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cường cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư cho nông dân vay giống và phân bón từ đầu vụ để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và hỗ trợ kỹ thuật canh tác; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ”. Bên cạnh đó, phòng Công Thương cũng đang hoàn thành các đề án xây dựng thương hiệu hàng hóa nông, ngư nghiệp chủ lực như: nhung hươu, dứa, mực, nước mắm… 
Huyện Quỳnh Lưu đã xác định được hướng đi cần thiết để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững dựa trên các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và nhân dân. Đó không chỉ là cơ chế, chính sách, môi trường, hạ tầng để thu hút đầu tư mà còn phải lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết để đồng hành cùng bà con nông dân. Đồng thời, phải vận dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Mặt khác, về phía người nông dân cũng phải có tư duy sản xuất theo hướng thị trường, tôn trọng các cam kết trong quá trình liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Như thế mới vượt qua những thách thức, khó khăn, hướng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhật Lệ

Tin mới