Tăng thu nhập từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, Đảng ủy xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, ngành sản xuất nông nghiệp ở địa phương có bước phát triển mạnh mẽ, đem lại thu nhập cao cho bà con.

Chị Đậu Thị Vân  ở xóm 1, xã  Quỳnh Hồng có 3 sào đất lúa ở vùng sâu sục Chìa Pheo, mặc dù chăm sóc rất  vất vả nhưng thu nhập không được là bao. Sau khi dồn điền đổi thửa, năm2010, chị mạnh dạn nhận thêm 1,7 ha đất hoang hóa của xã và đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo mặt bằng xây dựng trang trại. Qua nhiều năm vật vả, chịu khó, cần cù lao động nên đến nay chị đã có một trang trại với 40 con lợn nái lai, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 100 con lợn giống và hàng chục tấn cá. Ngoài ra, chị còn tận dụng mặt nước nuôi thêm 200 con vịt đẻ. Hiện nay, sau khi trừ chi phí chị thu lãi 220 triệu đồng/ năm.

Mô hình chăn nuôi lợn nái lai của gia đình chị Đậu Thị vân, xóm 1, Quỳnh Hồng .
Mô hình chăn nuôi lợn nái lai của gia đình chị Đậu Thị Vân ở xóm 1, xã Quỳnh Hồng .

Còn anh Trần Đức Song ở xóm 4, xã Quỳnh Hồng sau khi diện tích đất của gia đình được dồn đổi về một vùng ở Cồn Củ, anh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng thuê máy móc, nhân công đào ao thả cá và làm chuồng nuôi lợn bằng sàn nổi áp dụng theo công nghệ của nước ngoài trên diện tích 5.500 m2. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi hiện đại nên đàn lợn của anh phát triển nhanh, hiện trong chuồng nuôi thường duy trì có 42 con lợn nái, lợn thịt siêu nạc và lợn đực. Ngoài ra, anh còn đào ao thả cá ngay tại trang trại cho nguồn thu lớn. Hiện mỗi năm anh có tổng thu nhập trên 500 triệu đồng.

Xã Quỳnh Hồng  có 272 ha đất nông nghiệp thì có đến 160 ha thuộc vùng sâu sục, khó sản xuất, trồng lúa không mang lại hiệu quả. Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa thành công, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng và chất đất ở mỗi cánh đồng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến tận mỗi hộ dân nên đến nay toàn xã đã chuyển được 35 ha lúa kém năng suất sang xây dựng được 52 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với nuôi trồng thủy sản cho thu nhập từ 100 đến 400 triệu đồng.

Phần lớn các hộ dân đều chuyển đổi từ đất lúa vùng sâu sục sang đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi.
Phần lớn các hộ dân đều chuyển đổi từ đất lúa vùng sâu sục sang đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi.

Với những diện tích đất cao cưỡng không chủ động được nguồn nước tưới, xã đã quy hoạch chuyển sang làm rau màu bằng công nghệ tưới ẩm. Riêng làng hoa Hồng Phú, hàng năm địa phương đều đưa các giống hoa mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như Tulip, hoa ly…

Nhờ tích cực tìm tòi, đưa các giống hoa mới về trồng nên mỗi năm làng hoa Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng
Nhờ tích cực tìm tòi, đưa các giống hoa mới về trồng nên mỗi năm làng hoa Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.

Nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm gạo ngày càng cao của thị trường, Quỳnh Hồng  đã định hướng đưa các giống lúa hàng hóa có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy như Bắc Thơm 67, AC 5, Hương Thơm, Thụy Hương… và áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến theo SRI, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên sản lượng lúa bình quân mỗi sào đạt 3,5 tạ, chất lượng gạo thơm ngon được thị trường ưa chuộng  và được các thương lái thu mua ngay tại ruộng.

Hiện nay, người dân Quỳnh Hồng đều áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất
Hiện nay, người dân Quỳnh Hồng đều áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi của xã Quỳnh Hồng đã khẳng định được hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Quỳnh Hồng đạt 26 triệu đồng/ năm.

Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng cho biết: “Để thúc đẩy phong trào sản xuất, chăn nuôi phát triển, kết thúc mỗi vụ hay vào dịp cuối năm Đảng ủy xã đều tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để rút kinh nghiệm, đưa ra biện pháp khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế cho năm tiếp theo. Trên cơ sở đó có định hướng chỉ đạo phù hợp với điều kiện thực tế, qua đó nhằm nâng cao giá trị cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích”.

Hồng Diện

Đài Quỳnh Lưu

Tin mới