Tăng xử phạt đến 7 triệu đồng hành vi xả rác nơi công cộng

(Baonghean.vn) - Hiện nay, tại các địa điểm công cộng vẫn còn tình trạng người dân vô ý thức xả rác bừa bãi, gây bức xúc dư luận cũng như gây ô nhiễm môi trường.Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 - 7 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.

Tăng mức xử phạt

Đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng, theo Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết, các quy định mới nhất được thể hiện tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.

So với Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh tăng mức xử phạt cao hơn đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng.

Trong đó quy định nhiều nhóm hành vi gây ô nhiễm môi trường trong nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, lễ hội; đặc biệt là các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư…

Một điểm tập kết rác tự phát trên đường N5. Ảnh: Ngọc Khánh
Một điểm tập kết rác tự phát trên đường N5. Ảnh: Ngọc Khánh

Cụ thể, Khoản 1, Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có hành vi vứt rác thải không  đúng quy định gây ô nhiễm môi trường như sau:

1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại Điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân

Có thể thấy, các hành vi như gạt tàn thuốc lá, bỏ mẩu thuốc lá ở nơi công cộng, ví như tại các khu chung cư, khu thương mại, dịch vụ sẽ bị xử phạt lên tới 1 triệu đồng. Hành vi vứt rác thải sinh hoạt, phóng uế không đúng quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng cũng bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Với hành vi vứt rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng thì mức phạt là từ 5 - 7 triệu đồng. Đây là mức xử phạt khá cao.

Việc Chính phủ quy định tăng các mức xử phạt đối với hành vi xả rác thải bừa bãi nơi công cộng nhằm bảo vệ môi trường là một việc hết sức cần thiết, tăng tính răn đe đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm

Nhiều điểm tập kết rác thải sinh hoạt tại ngã ba, ngã tư trên các tuyến đường chính của thành phố  Vinh  dồn ứ do các xe rác từ các ngả dồn về. Rác chất ngổn ngang, nước từ những xe rác chảy xuống đường cùng mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ảnh: tư liệu
Nhiều điểm tập kết rác thải sinh hoạt tại ngã ba, ngã tư trên các tuyến đường chính của thành phố Vinh dồn ứ do các xe rác từ các ngả dồn về. Rác để ngổn ngang trên đường gây mất mỹ quan. Ảnh: tư liệu

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để có thể phát hiện và xử phạt các hành vi nói trên, và cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm và thẩm quyền để xử phạt các vi phạm đó? Bởi các hành vi cố tình xả rác nơi công cộng đều được các cá nhân vi phạm thực hiện một cách lén lút, nhanh chóng và cố tình không để người khác bắt gặp.

Do vậy, thiết nghĩ cùng với việc tăng cường phát hiện và xử phạt thì công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng cũng quan trọng không kém. Và việc tuyên truyền đó cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến được với từng gia đình, từng tổ chức xã hội, nhất là tuyên truyền đến các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên trong các nhà trường.

Ở các gia đình, các bậc cha mẹ cần làm gương cho con, cháu. Ở các cơ quan, đơn vị cần quán triệt, vận động mỗi cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm các quy định về giữ vệ sinh nơi công cộng. Ở các thôn, xóm, bản thì cán bộ cơ sở, cán bộ phong trào tại các cụm dân cư đóng vai trò quan trọng trong khơi dậy ý thức mỗi người dân về giữ vệ sinh chung, không xả thải gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng.

Theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng tại Điều 20 nghị định này gồm: Cảnh sát biển; Công an nhân dân các cấp; Chủ tịch UBND các cấp từ xã, phường, thị trấn đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn có Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Hoặc Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền trên phạm vi cả nước.

Tin mới