Tăng ý nghĩa giáo dục, sự tôn nghiêm của các hoạt động lễ hội

(Baonghean.vn) - Đây là lưu ý của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh qua công tác khảo sát tổ chức lễ hội tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành chiều 16/3.
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo UBND, HĐND và các ban, ngành liên quan của huyện Yên Thành.
Đoàn khảo sát HĐND tỉnh làm việc với UBND xã Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh: Hoài Thu
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND và một số ban, ngành huyện Yên Thành.
Qua khảo sát thực tế chiều 16/3 tại Lễ hội Đền Đức Hoàng và làm việc với UBND xã Phúc Thành, đoàn khảo sát đặt ra một số vấn đề xung quanh công tác tổ chức lễ hội Đền Đức Hoàng đến các tổ chức, đơn vị liên quan.

Lễ hội Đền Đức Hoàng là lễ hội quy mô cấp huyện, được UBND huyện chủ trì tổ chức 3 năm/lần, những năm khác do UBND xã Phúc Thành tổ chức.

Đua thuyền tại Lễ hội Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, Yên Thành. Ảnh: Hoài Thu
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Đức Hoàng, xã Phúc Thành, Yên Thành. Ảnh: Hoài Thu
Qua khảo sát thực tế các phần lễ, hội diễn ra chiều ngày 16/3 cho thấy công tác phân công, chuẩn bị và điều hành các hoạt động tại lễ hội chu đáo và nhiều nội dung phong phú. Song do phần quy hoạch, tổ chức các trò chơi, dịch vụ, hàng quán tại lễ hội chưa khoa học nên gây ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự.
Phần hội có phần hòa lẫn với các trò chơi, dịch vụ hiện đại khác nên chưa phát huy được tối đa tính giáo dục cũng như giá trị tinh thần của lễ hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Yên Thành có 3 lễ hội cấp huyện; trong đó có Lễ hội Đền Đức Hoàng. Ngoài ra còn có 20 lễ hội khác diễn ra hàng năm trên địa bàn huyện. Hàng năm, UBND huyện cũng như các cấp, ngành liên quan đã thực hiện công tác chỉ đạo việc chuẩn bị, tổ chức lễ hội khá chu đáo, chưa năm nào để xảy ra các vụ việc bất thường. Bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, khó khăn do Đền Đức Hoàng cách khá xa trung tâm huyện, đường giao thông chưa thuận lợi, các sản phẩm địa phương phục vụ lễ hội chưa có.

Đại diện UBND xã Phúc Thành cho biết qua hàng năm, ban tổ chức lễ hội thường xuyên rút kinh nghiệm và nỗ lực phối hợp các ban ngành chức năng đưa Lễ hội Đền Đức Hoàng trở thành di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ các bản sắc văn hóa dân tộc; đề nghị UBND tỉnh, sở Văn hóa Thể thao có hướng dẫn, quy định cụ thể hơn đối với công tác tổ chức, quản lý các lễ hội truyền thống; đẩy nhanh tiến độ dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đức Hoàng đã được phê duyệt năm 2010.

Cuộc làm việc cũng đã thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, quản lý các gian hàng kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động tâm linh, các phần lễ và hội… Đoàn khảo sát đề nghị ban tổ chức Lễ hội Đền Đức Hoàng tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của lễ hội Đền Đức Hoàng và các lễ hội trên địa bàn huyện Yên Thành; bố trí hợp lý các khu dịch vụ, trò chơi; bố trí bãi gửi xe và quản lý dịch vụ gửi xe an toàn, đúng quy định… hướng tới ngày càng hoàn thiện và tăng ý nghĩa giáo dục, sự tôn nghiêm của Lễ hội Đền Đức Hoàng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân.

Tin mới