Tạo bước đột phá từ đổi mới công tác cán bộ

(Baonghean) - Vừa qua, huyện Kỳ Sơn đã có những giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, qua đó tạo chuyển biến trong toàn hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu thoát nghèo. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Vi Hòe - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn về vấn đề này.
P.V: Thưa đồng chí, để đạt được mục tiêu giảm nghèo, rõ ràng vai trò của công tác cán bộ rất quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, một bộ phận cán bộ của Kỳ Sơn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Vậy xin đồng chí cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Đồng chí Vi Hòe: Kỳ Sơn là một huyện vùng biên, lâu nay tình hình địa bàn, nhân dân ổn định, kinh tế có bước phát triển, lòng dân đồng thuận cũng xuất phát từ việc bố trí, lựa chọn, quy hoạch đến bồi dưỡng cán bộ.
Tuy nhiên, trong việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ, Kỳ Sơn gặp khó khăn trong chọn người, chọn việc phù hợp. Cán bộ đào tạo ra không thiếu nhưng do cán bộ làm việc ở một vị trí, quá trình thực hiện một nhiệm vụ, nên khi điều động, thực hiện nhiệm vụ khác cao hơn thì không bao quát được công việc.
Từ thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch thực hiện trên quan điểm “động và mở”. Vừa rồi, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cho chủ trương tìm cán bộ tại chỗ không có thì tìm cán bộ bên ngoài để lựa chọn một số đồng chí giữ vị trí trưởng, phó phòng của UBND huyện. Ví dụ, sắp tới, UBND huyện cần một vị trí trưởng phòng NN&PTNT nhưng hiện tại tìm cán bộ đang làm việc trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện không có thì phải tìm người bên ngoài.
Tôi khẳng định, quan điểm bổ nhiệm cán bộ của Kỳ Sơn không khép kín. Nhưng trong quá trình bổ nhiệm, điều động, luân chuyển do đặc thù nên cần phải nghiên cứu cân bằng cán bộ giữa các thành phần dân tộc trên địa bàn. 
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe (bên phải) trao đổi với người dân xã Mường Lống về mô hình trồng chanh leo.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe (bên phải) trao đổi với người dân xã Mường Lống về mô hình trồng chanh leo.

Về trình độ, cơ bản cán bộ cấp huyện có trình độ chính quy, còn cán bộ cấp xã chủ yếu là đại học tại chức. Huyện phấn đấu giai đoạn 2015 - 2020 phải có trình độ đại học trở lên với các vị trí chủ chốt. Thẳng thắn nhìn nhận, năng lực lãnh đạo thực tế trong những vấn đề thực tiễn đặt ra ở cấp cơ sở còn nhiều mặt hạn chế; còn tình trạng trông chờ, ỷ lại, thậm chí còn tình trạng cục bộ, khép kín.

P.V: Vậy để khắc phục tình trạng này, Kỳ Sơn có giải pháp gì thưa đồng chí?

Đồng chí Vi Hòe: Từ thực trạng công tác cán bộ cơ sở, trước hết, Ban Thường vụ Huyện ủy đặt ra yêu cầu tăng cường, luân chuyển cán bộ về cơ sở. Chúng tôi đã thực hiện trước khi có Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020.

Cuối năm 2015, huyện đã chọn 5 đồng chí về làm bí thư hoặc chủ tịch ở cơ sở gồm 5 xã: Bảo Nam, Phà Đánh, Mường Lống, Hữu Kiệm và Bắc Lý. Ngoài các chế độ chính sách chung, các đồng chí này được huyện cấp mỗi người 1 xe máy, 1 tủ quần áo, 1 giường, 1 máy vi tính. Lúc đầu thực hiện việc luân chuyển 5 đồng chí này còn có những ý kiến vào ra trong dư luận, vì nhìn chung tư tưởng cán bộ đang muốn ở huyện nhiều hơn, chưa muốn đi cơ sở do tâm lý đi sẽ không về được.

Tuy nhiên, với quan điểm công tác cán bộ là một trong những vấn đề đặt ra hàng đầu với Kỳ Sơn, chúng tôi quyết tâm thực hiện. Trước khi đưa cán bộ về cơ sở, đích thân tôi đi khảo sát trước tại cơ sở để có phương án luân chuyển phù hợp. Qua đó, để xây dựng cán bộ chiến lược cho huyện với quan điểm cán bộ phải trải qua thực tiễn ở cơ sở để sau này bố trí cao hơn sẽ không bị động; đồng thời đây là giải pháp để củng cố những cơ sở còn hạn chế trong hoạt động. 

Một số đồng chí về cơ sở nhận nhiệm vụ còn lúng túng trong cung cách tiếp cận công việc, phong cách lãnh đạo điều hành nhưng đến nay sau gần 1 năm cả 5 đồng chí cơ bản phát huy được. Dư luận nói chung trong cán bộ huyện đã đồng tình, ủng hộ cao việc luân chuyển đi cơ sở. 
Cán bộ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 4 (Bộ CHQS tỉnh) hướng dẫn người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) trồng rau cải. Ảnh: N.Khoa
Cán bộ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 4 (Bộ CHQS tỉnh) hướng dẫn người dân xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) trồng rau cải. Ảnh tư liệu.

Mặt khác, huyện tăng cường công tác kiểm tra vì Kỳ Sơn nếu không làm việc này sẽ trì trệ. Bây giờ, tôi hoặc các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy đi kiểm tra cơ sở nếu thấy mất đoàn kết, đơn thư kiện cáo vượt cấp không đúng; liên quan đến chỉ đạo thôn, bản không sát; vô trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương thì phải kiểm điểm, kỷ luật.

Trong quá trình kiểm tra, lãnh đạo Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy đều nhắc nhở các đảng bộ, chi bộ cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện và của đơn vị mình. Nếu không hoàn thành mà do nguyên nhân chủ quan thì phải uốn nắn, kiểm điểm.

Tháng 10 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy ra Quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy xã Na Ngoi và các cá nhân trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã này bằng hình thức khiển trách vì hoạt động điều hành cơ sở còn hạn chế, hoạt động không đều, trách nhiệm không cao.

Đi đối với kỷ luật Đảng tất nhiên có cả hình thức kỷ luật về mặt chính quyền. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã triệu tập ban thường vụ một số cấp ủy cơ sở lên để uốn nắn, nhắc nhở; nếu không sửa chữa thì kiểm điểm, kỷ luật.

Bên cạnh đó, một số đảng viên vi phạm cũng bị khai trừ khỏi Đảng. Giải pháp này tạo sức răn đe đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Họ đã có sự chuyển biến về nhận thức, hoạt động đi vào nề nếp. Về phía cơ sở cũng phản hồi rất tích cực trước những đổi mới của Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ này. 

P.V: Vậy giải pháp tiếp theo trong công tác cán bộ của huyện là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Vi Hòe: Chủ trương chung là chúng tôi sắp xếp lại vị trí việc làm cán bộ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở, trong đó quan trọng nhất là sắp xếp đúng người, đúng việc, đúng sở trường để vị trí đảm nhiệm mỗi cán bộ đáp ứng được công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đang bổ sung quyết định về ban hành quy chế bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.

Tinh thần chung của quy định này là diện quản lý của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy được mở rộng hơn. Ví dụ diện Thường trực Huyện ủy sẽ quản lý cả việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức vào các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Vì thực tế hiện nay việc xét tuyển, thi tuyển công chức số lượng ít, nếu không kiểm soát sẽ nảy sinh tiêu cực, không tạo được công bằng…

Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung củng cố thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra. Mục đích là tạo được sự năng động, sáng tạo, cán bộ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, tạo được sự chuyển biến thực sự trong toàn hệ thống chính trị, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh đối với một địa bàn vùng biên.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Ý kiến liên quan:
Đồng chí Lầu Bá Chò - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống: Trước khi luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, tôi là Phó phòng Dân tộc huyện. Chuyển từ công tác quản lý ngành sang làm người đứng đầu cấp ủy, tôi phải tự học, cập nhật thêm kiến thức về công tác Đảng và nhiều lĩnh vực để phát huy vai trò của người đứng đầu, cùng tập thể thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện ở địa phương. 
Đồng chí Nguyễn Hữu Lượng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm: Qua chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, bản thân mình trưởng thành hơn, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chung của địa phương. Đây là điểm khác so với trước đây tôi chỉ làm công việc hành chính của một Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện.
P.V
TIN LIÊN QUAN

Tin mới