Tạo đồng thuận trong phòng, chống dịch Covid-19

(Baonghean.vn) - Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã và đang được triển khai rất quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu và trước hết là công tác dân vận với cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng làm dân vận, tạo nên sức mạnh, sự đồng thuận trong công tác phòng, chống dịch.

CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT

Để tạo ra được sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã đặt công tác dân vận lên trên hết, trước hết. Điều dễ nhận thấy nhất, đó là cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đều tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch; không phân biệt lĩnh vực, khối, phòng, ban chuyên môn độc lập, riêng lẻ.

Với nhận thức, muốn dân vận tốt thì trước hết là phải cung cấp đầy đủ thông tin để nhân dân nắm chắc, hiểu đúng và thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của các cấp; theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh, về các chủ trương, biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch của các cấp được cả hệ thống chính trị triển khai bằng nhiều phương pháp, cách thức linh hoạt; trong đó, phát huy tối đa hệ thống đài truyền thanh cơ sở, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân, tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, một số địa phương như Quỳnh Lưu, Con Cuông… còn tổ chức các đội, tổ tuyên truyền lưu động.

Đội tuyên truyền lưu động ở xã Bảo Thắng. Ảnh tư liệu: ĐT
Đội tuyên truyền lưu động ở xã Bảo Thắng. Ảnh tư liệu: ĐT

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, nhân dân đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của tỉnh và các địa phương. Những cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, các huyện, thành, thị được tổ chức, kèm theo các chủ trương, biện pháp đúng đắn được ban hành kịp thời, phù hợp với từng thời điểm, diễn biến của dịch bệnh, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Đặc biệt, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến phản hồi và hiến kế từ nhân dân, chính quyền một số địa phương như thành phố Vinh, huyện Thanh Chương sẵn sàng thay thế, điều chỉnh ngay những chủ trương, kế hoạch vừa mới ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người dân một cách tốt nhất, không áp đặt, duy ý chí. Những hình ảnh cán bộ lãnh đạo các cấp lăn lộn vào cuộc ngay những thời khắc có ca F0 hoặc ổ dịch mới để kịp thời chỉ đạo việc truy vết, phong tỏa, hạn chế nguồn lây ra cộng đồng; rồi kịp thời có mặt tại các điểm chốt, khu cách ly tập trung để chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu, người dân…

Công tác dân vận còn được các cấp chú trọng thuyết phục nhân dân bằng việc quan tâm chăm lo cuộc sống cho người dân trong mọi hoàn cảnh. Tại huyện Quỳnh Lưu, khi xuất hiện ca F0 đầu tiên tại xã Quỳnh Lâm và sau đó áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn huyện, bên cạnh hỗ trợ, động viên các lực lượng tuyến đầu; huyện cũng đã chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến xã kêu gọi mọi nguồn lực và hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong các khu vực phong tỏa và tổ chức nấu các bữa ăn cho người dân ở các khu cách ly tập trung, tạo sự yên tâm để người dân đồng hành với các chủ trương của chính quyền.

Nhân dân huyện Quỳnh Lưu đóng gói tép và cá khô gửi hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh vùng dịch. Ảnh: Mai Hoa
Nhân dân huyện Quỳnh Lưu đóng gói tép và cá khô gửi hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh vùng dịch. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Phạm Thị Hải Yến - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Với một tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19, trong những ngày huyện áp dụng Chỉ thị 16, thông qua kết nối, vận động đóng góp từ các nhà hảo tâm và người dân, MTTQ huyện và xã cũng đã trực tiếp hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho gần 2.300 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Đối với những gia đình có người F0 và F1 phải đi cách ly mà có con nhỏ, được MTTQ và các đoàn thể động viên người dân cắt cử chăm sóc các trẻ ở nhà; đó còn là chăm sóc vật nuôi cho các gia đình”.

Tương tự ở thành phố Vinh, khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 nâng cao với tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó”, thành phố đã giao cho MTTQ và các đoàn thể xây dựng phương án hỗ trợ người dân mua các nhu yếu phẩm. Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy MTTQ thành phố Vinh, hiện nay, ở các phường, xã đã tiến hành thành lập các ban tiếp nhận thông tin và ở khối, xóm là tổ tiếp nhận thông tin nhằm tiếp nhận nhu cầu mua sắm của người dân để hỗ trợ. Thành đoàn Vinh đã thành lập 25 đội giao hàng (shipper) miễn phí tại 25 phường, xã, trực tiếp hỗ trợ mua, giao hàng đến tận tay từng hộ gia đình có nhu cầu.

Thành phố cũng đã thành lập tổ tiếp nhận thông tin hỗ trợ các gia đình khó khăn thông qua hệ thống phường, xã báo cáo, đề xuất hàng ngày để hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm; đồng thời thiết lập “đường dây nóng” để tiếp nhận các phản ánh, nhu cầu của người dân, đảm bảo cho người dân yên tâm và đồng thuận thực hiện biện pháp chống dịch của thành phố trong lúc này.

Đường phố TP. Vinh trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Đường phố TP. Vinh trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

DỰA VÀO SỨC MẠNH NHÂN DÂN

Tại cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Nhân dân không vào cuộc, chúng ta không thể làm được, không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”. Thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua trên địa bàn Nghệ An cũng đã thể hiện rõ tinh thần đó trên 2 phương diện, đó là vận động nhân dân đồng thuận thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp cùng với đó là vận động nhân dân đóng góp, hỗ trợ nguồn lực phòng, chống dịch.

Theo số liệu từ Ủy ban MTTQ tỉnh, tính từ cuối tháng 3/2021 đến nay, thông qua hệ thống MTTQ, toàn tỉnh đã tiếp nhận tổng số tiền và hàng hóa (quy đổi) là khoảng 200 tỷ đồng. Cùng với tiếp nhận, phân bổ nguồn vận động được, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh thông qua Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển 2 tỷ đồng để hỗ trợ 2.000 hộ người Nghệ An đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; đồng thời tiến hành hỗ trợ 4.272 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, không kể các hộ được hỗ trợ các nhu yếu phẩm như gạo, rau, củ, quả, dầu ăn…

Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã hỗ trợ 754 bệnh nhân nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn đang điều trị dài ngày tại các bệnh viện tuyến tỉnh, chưa kể số bệnh nhân nghèo điều trị dài ngày tại tuyến huyện được các cấp huyện hỗ trợ.

ồng chí Võ Thị Minh Sinh động viên cán bộ xã Tam Hợp, huyện Tương Dương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh động viên cán bộ xã Tam Hợp, huyện Tương Dương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hoa

Để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian tới tiếp tục có hiệu quả, theo đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, cùng với quyết liệt, tập trung cao cho công tác chỉ đạo, các cấp tiếp tục dựa vào sức mạnh của nhân dân; tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong việc hỗ trợ truy vết, giám sát việc chấp hành các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19. Song song với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh từ các lực lượng chức năng.

Tin mới