Tạo vùng nguyên liệu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu

(Baonghean.vn) - Chiều 6/7, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Đề án phát triển cây, con chủ yếu gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Dự hội nghị có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị xã; Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông, lâm sản. Đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư năm 2015 đạt 4,58% /mục tiêu 4,6%, trong đó, nông nghiệp tăng 4,09%, lâm nghiệp tăng 3,5% và thủy sản tăng 7,07%.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2015 toàn tỉnh đạt 186.555ha, sản lượng đạt 982.505 tấn, vượt mục tiêu đề án. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 23 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa. Các mô hình này đã khẳng định tính hiệu quả trong thực hiện liên kết 4 nhà, chi phí sản xuất giảm, hiệu quả kinh tế tăng từ 12-15 % so với sản xuất truyền thống.

1
Các đại biểu tham dự hội nghị

Ở lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn trâu bò, tổng đàn gia cầm, tổng đàn hươu đều đạt và vượt mục tiêu đề án. Đối với nuôi trồng thủy sản, cùng với việc mở rộng diện tích, năng suất nuôi trồng thủy sản thời gian qua cũng có sự phát triển khá. Năm 2015, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 45.500 tấn, trong đó sản lượng cá nước ngọt đạt 36.000 tấn, vượt mục tiêu của đề án.

Với sự đa dạng về các loại cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ngành nghề chế biến đã tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Cơ sở chế biến được xây dựng ngày càng quy mô, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, gắn với vùng nguyên liệu chuyên canh tạo thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm của một số cây con chủ yếu vẫn chưa đạt mục tiêu đề án đề ra như: diện tích, sản lượng cây ngô, lạc, sắn, chè, cao su, chanh leo, sắn, sản lượng sữa tươi, diện tích nuôi tôm…

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị xã đã báo cáo tình hình thực hiện Đề án tại địa phương mình, đồng thời kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ một số chính sách đầu tư đề phát triển cây con chủ yếu trên địa bàn.

trên địa bàn huyện Diễn Châu đã có 6 cơ sở chế biến sứa tại xã Diễn Kim và Diễn Hải bao tiêu sản phẩm cho bà con, trong đó, 3 cơ sở chế biến sứa có công suất hoạt động tới 300 tấn/ ngày.
Trên địa bàn Diễn Châu hiện có 6 cơ sở chế biến sứa, trong đó, 3 cơ sở chế biến sứa có công suất hoạt động tới 300 tấn/ ngày.

Phát biểu kết luận hội nghị,  Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nêu lên một số hạn chế tồn tại cần phải khắc phục. Đó là một số giải pháp triển khai Đề án chưa được thực hiện một cách quyết liệt; Chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng chí yêu cầu cần phải điều chỉnh một số chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất. Cùng với đó, thực hiện cơ chế quản lý đất đai trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp một cách nghiêm túc tuân thủ quy định của Nhà nước; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN

Tin mới